Khoa học - Công nghệ

Định giá tài sản sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức

DNVN - Theo bà Vũ Thị Phương Anh- Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính của Công ty TNHH PwC Việt Nam, việc định giá tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng trở nên quan trọng trong doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Tuy vậy, các DN Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động này.

Đà Nẵng: Đảm bảo tính độc lập, khách quan của hoạt động chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng / Phát động cuộc thi ‘Kỷ nguyên số với nghệ thuật đương đại’

Tài sản SHTT quan trọng với doanh nghiệp
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Organization – WIPO), tài sản SHTT là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người như những phát minh; tác phẩm nghệ thuật hay văn học; những thiết kế; những biểu tượng, tên gọi hay hình ảnh sử dụng trong thương mại. Tài sản SHTT có thể được chia thành 4 nhóm chính, gồm: bản quyền, bằng sáng chế, thương hiệu và bí mật kinh doanh.
Tại Hội thảo “Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0” do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 2/8 tại Hà Nội, bà Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính của Công ty TNHH PwC Việt Nam cho rằng: Việc định giá tài sản SHTT nhằm cung cấp cơ sở tham chiếu cho việc chuyển giao công nghệ thông qua hình thức hợp đồng mua bán hoặc cấp phép sử dụng.
Xác định giá trị của tài sản SHTT khi đóng góp tài sản này trong những mối quan hệ mua bán (M&A), liên doanh... Hỗ trợ công tác báo cáo tài chính theo các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

Định giá tài sản SHTT đang ngày càng trở nên quan trọng với DN, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Định giá tài sản SHTT cũng nhằm cung cấp kết quả định giá độc lập hoặc ý kiến của chuyên gia trong các tranh chấp thương mại, tài trợ hoặc vay vốn; cũng như đánh giá giá trị thị trường của tài sản SHTT cho các mục đích tính thuế.
Đánh giá vai trò của việc xác định giá trị tài sản SHTT, bà Vũ Thị Phương Anh cho rằng, định giá tài sản SHTT đang ngày càng trở nên quan trọng trong DN, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, góp phần vào sự tăng trưởng trong dài hạn của DN.
Xu hướng phát triển của các thương vụ M&A chiến lược hướng tới những công ty mục tiêu sở hữu những tài sản SHTT có thể làm tăng lợi thế cạnh tranh cho công ty mẹ.
Thêm vào đó, yêu cầu ngày một khắt khe về minh bạch trong báo cáo tài chính của các cơ quan quản lý và cơ quan thuế, đặc biệt là trong các thương vụ mua bán tài sản SHTT giữa các vùng lãnh thổ.
DN đối mặt nhiều khó khăn
Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính của PwC Việt Nam cho rằng, việc xác định giá trị tài sản SHTT thường gặp những khó khăn nhất định so với việc định giá DN hay định giá cổ phần thông thường. Do đó, định giá tài sản SHTT cần được thực hiện dựa trên phân tích kỹ càng, áp dụng những phương pháp và mô hình định giá phức tạp và quan trọng.
Dù định giá tài sản SHTT có tầm quan trọng như vậy nhưng theo chuyên gia này, bản thân các DN Việt đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thiếu thông tin thị trường.
Khác với tài sản hữu hình vốn có thể dễ dàng xác định giá trị thị trường, thông tin đại chúng về giá trị tài sản SHTT thường rất hạn chế. Do vậy, DN cần tiếp cận với các nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính lớn do các tổ chức này có mạng lưới tiếp cận thông tin đa dạng.
Việc định giá thường có thể chịu tác động từ tính chủ quan của các giả định, từ đó có thể dẫn đến sự không chính xác trong định giá tài sản SHTT. Theo đó DN cần thực hiện phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm cải thiện tính khách quan khi đưa ra các giả định.
Việc định giá tài sản SHTT trong một số trường hợp sẽ đòi hỏi tiến hành một số thông tin thông qua khảo sát, là quá trình tốn kém cả thời gian và tiền bạc. Trong trường hợp này, DN cần tiếp cận với các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực định giá để có các tư vấn về phương pháp phù hợp mà DN có thể thực hiện.
Tài sản SHTT không đơn thuần tạo ra giá trị từ chính nó mà còn sự tương tác với các tài sản khác, vốn là một yếu tố không dễ nhận thấy. Với thách thức này, DN nên tổ chức nhiều buổi trao đổi nội bộ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp hoặc tìm kiếm tư vấn từ các chuyên gia đầu ngành về tài sản SHTT.
Ngoài ra, thị trường biến động liên tục khiến giá trị tài sản SHTT được xác định cũng có thể nhanh chóng thay đổi theo các chiều hướng khác nhau. Lời khuyên cho DN là tiến hành phân tích viễn cảnh trong ngắn hạn và dài hạn nhằm để có được góc nhìn toàn diện và một cách tiếp cận thận trọng đối với giá trị tài sản SHTT.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm