Khoa học - Công nghệ

Vĩnh Long: Nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao

DNVN - Đến năm 2022, tỉnh Vĩnh Long có 185 hợp tác xã (HTX), thu hút gần 7.000 lao động, doanh thu bình quân của HTX cả năm đạt khoảng 800 triệu đồng/HTX, tăng gần 30 % so với cùng kỳ. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Cần Thơ: Trình diễn bón phân cho lúa bằng thiết bị bay không người lái / Chuyển đổi số nông nghiệp: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giúp nông dân tiếp cận tri thức mới

Trong tổng số 185 HTX trên địa bàn tỉnh, có 114 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản; 16 HTX thuộc lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 12 HTX thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, còn lại các HTX hoạt động trên lĩnh vực giao thông vận tải; xây dựng …

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, HTX nông nghiệp thời gian qua đã thể hiện vai trò nòng cốt trong phát triển sản xuất, thông qua các loại hình kinh tế hợp tác, nông dân đã thực hiện tốt hợp đồng với các doanh nghiệp (DN) nhằm cung ứng vật tự nông nghiệp đầu vào và dịch vụ tiêu thụ đầu ra. Các HTX phi nông nghiệp đã ứng dụng đổi mới công nghệ vào sản xuất kinh doanh, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, tham gia các hội chợ triển lãm, chủ động tìm kiếm thị trường tạo thêm việc làm hộ thành viên.

Cam sành, bưởi 5 roi -  sản phẩm chủ lực của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trưng bày giới thiệu tại Ngày hội Du lịch Vĩnh Long năm 2022

Cam sành, bưởi 5 roi - sản phẩm chủ lực của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trưng bày giới thiệu tại Ngày hội Du lịch Vĩnh Long năm 2022

Đáng chú ý, có một số HTX tham gia vào các chương trình khuyến nông, khuyến công, đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đăng ký thương hiệu sản phẩm; nhiều mô hình HTX chủ động hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hoạt động của HTX mang lại hiệu quả, làm tăng doanh thu, tạo được thu nhập ổn định cho người lao động.

Điển hình là HTX nông nghiệp Thuận Thới ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Được thành lập vào năm 2018 với 17 thành viên, sau 4 năm hoạt động, HTX này đã nâng vốn điều lệ từ 450 triệu đồng lên gần 1 tỷ đồng. Là HTX hoạt động theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, chuyên cung ứng các sản phẩm phân trùn quế và sản xuất rau sạch cung ứng cho thị trường. Để sản xuất, HTX tận dụng nguồn phân bò từ các thành viên và bà con nông dân để chế xuất thành dạng phân trùn quế với nhiều loại sản phẩm.

Từ năm 2018 đến năm 2021, HTX đạt doanh thu 3,4 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 600 triệu đồng. HTX nông nghiệp Thới Thuận cũng là 1 trong 5 HTX của tỉnh tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025.

Ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long có 2 HTX thực hiện thành công phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt; HTX làng hữu cơ Hiếu Thuận hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa hữu cơ và dịch vụ cấy lúa bằng cơ giới, phát triển dịch vụ trọn gói trong HTX giúp khép kín sản xuất từ khâu chọn giống, phân thuốc, cho đến bao tiêu đầu ra cho nông dân. Từ đó, các HTX này không chỉ xử lý được vấn đề thiếu lao động làm nông ở địa phương mà còn tạo cho nông dân trong vùng gắn kết sản xuất.

 

HTX nông nghiệp Tân Tiến ở huyện Tam Bình thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, sản xuất lúa sạch (lúa hữu cơ), với diện tích khoảng 70 ha, sản phẩm HTX làm ra được DN bao tiêu, thu mua với giá cả phù hợp, có hợp đồng ngay từ đầu vụ, từ đầu vào đến đầu ra, cùng thỏa thuận giá khi đến kỳ thu hoạch, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Có thể nhận thấy, các HTX trên địa bàn hoạt động hiệu quả, có doanh thu ổn định thời gian qua cũng là nhờ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi kịp thời của địa phương này. Đó là các chính sách hỗ trợ về đào tạo,bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng HTX; hỗ trợ thuế; giao đất và cho thuê đất và nhiều chính sách khác.

Theo đó, trong 7 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp trường Đại học Cần Thơ mở 3 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng điều hành cho HĐQT, các thành viên HTX NN”; 2 lớp tập huấn về quản trị tài chính, hướng dẫn chuyển đổi số trong HTX. Phối hợp với TP Hồ Chí Minh tổ chức Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh như bưởi 5 Roi; thanh long, cam sành, sầu riêng, gạo hữu cơ; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ 3 dự án: “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể chôm chôm cù lao Long Hồ” cho HTX chôm chôm Bình Hòa Phước với kinh phí 360 triệu đồng; dự án: “Xây dựng và phát triển mô hình HTX kiểu mới ở Vĩnh Long” với tổng kinh phí 737 triệu đồng và dự án: “Xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh Vĩnh Long” với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất trái cây chiên chân không cho HTX sầu riêng Chánh An, huyện Mang Thít với kinh phí gần 200 triệu đồng.


Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm