Khoa học - Công nghệ

Xây dựng Luật Kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghiệp tái chế rác thải nhựa để không "lãng phí" hàng tỷ USD

DNVN - Theo Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam, để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) về rác thải nhựa nói riêng và các ngành khác nói chung phải xây dựng Luật KTTH, nếu luật này quá lớn thì trước mắt có thể xây dựng Luật KTTH với tài nguyên rác thải nhựa.

Ứng dụng AI hỗ trợ người khiếm khuyết tìm việc làm vào chung kết toàn cầu Tech4Good / Đà Nẵng: Số hoá hồ sơ giám sát trực tuyến cần trục tháp tại các công trình xây dựng

Có thể thu 4 tỷ USD mỗi năm từ tái chế rác thải nhựa
Tại hội thảo khoa học "Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển ở Việt Nam" diễn ra mới đây, ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho biết: Ngành nhựa Việt Nam phát triển khá nhanh, với mức tăng trưởng 16 - 18% mỗi năm. Song đây cũng là ngành đang bị để ý rất nhiều bởi phong trào chống rác thải nhựa trên toàn cầu.
Với riêng hạt nhựa, năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn và sản xuất trong nước khoảng 1,5 triệu tấn. Tổng giá trị nhập khẩu vào khoảng 11 tỷ USD, chưa kể năm ngoái nhập khẩu khoảng 4 tỷ USD bán thành phẩm nhựa. Thêm vào đó là các loại nhựa trong các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng thuộc mã HS khác không được thống kê.

Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam.
Từ năm 2010, các tổ chức quốc tế đã đánh giá lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người tại Việt Nam là 41kg/người. Nhưng đến thời điểm hiện nay lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người đã vượt xa con số này rất nhiều. Nếu tính theo mức 41kg/người, mỗi năm người Việt Nam thải ra khoảng 4 triệu tấn rác thải nhựa.
"Nếu như thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế và có thể thúc đẩy tái chế rác thải nhựa thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về nguồn lợi 3 - 4 tỷ USD, giảm nhập khẩu nhựa nguyên sinh và sử dụng nhựa tái sinh trong nước. Mỗi năm chúng ta có thể giảm tới 3 - 4 tỷ USD tiền nhập khẩu nhựa nguyên sinh. Đây là con số rất lớn", ông Hoàng Đức Vượng nhận định.
Do đó, để xây dựng nền KTTH, điều quan trọng nhất và trước tiên nhất đối với Việt Nam là xây dựng nền KTTH đối với tài nguyên rác thải nhựa. Khi đánh giá một quốc gia văn minh, thường người ta đánh giá xem đất nước đó cư xử như thế nào đối với rác thải nhựa. Đây là vấn đề hết sức quan trọng ở cả khía cạnh văn hóa và tiết kiệm tài nguyên và phát triển KTTH đối với rác thải nhựa.
KTTH đối với chất thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng thể hiện qua vòng tròn: Thiết kế, sản xuất, sản phẩm, tiêu dùng, thu gom và tái chế. Nếu giải quyết được vòng tròn này, vòng tròn chạy một cách hoàn hảo và có thể tự động chạy và chạy một cách tự sửa lỗi trong quá trình phát sinh thì đây là vấn đề hết sức thách thức. Ai sẽ giải quyết và giải quyết vấn đề xả thải như thế nào vẫn là câu hỏi cần có lời giải đáp. Cần có hoạch định chiến lược cũng như cần phải có sự quyết liệt của lãnh đạo các cấp về việc quản lý chất thải rắn.
Doanh nghiệp chưa sẵn sàng thay đổi công nghệ
Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho rằng, để xây dựng vòng tròn nền KTTH đối với chất thải của Việt Nam bắt buộc phải có ngành công nghiệp tái chế và hiện đại. Trong khi đó, thực trạng công nghiệp tái chế là điều đáng bàn. Bởi lẽ tái chế phế liệu hầu hết được thực hiện tại các làng nghề trên khắp cả nước, tái chế không đảm bảo về môi trường do chưa có sự hướng dẫn, hỗ trợ, bị nhìn nhận dưới ánh mắt kỳ thị.
Doanh nghiệp đầu tư bài bản về môi trường không cạnh tranh được với các làng nghề. Các DN tái chế chủ yếu nhập khẩu nhựa phế liệu làm nguyên liệu sản xuất
Giá dầu và giá nguyên liệu nhựa nguyên sinh dao động lớn làm cho ngành tái chế thiếu an toàn về tài chính. Trong khi đó, bản thân các DN sản xuất sản phẩm nhựa chưa sẵn sàng thay đổi công nghệ cho nguyên liệu tái chế.
Do đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư cho tái chế cũng như chính sách ưu đãi thuế cho tái chế. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho tái chế. Cùng với việc xây dựng quy hoạch cho khu tái chế tại các địa phương, xây dựng ngành công nghiệp máy móc thiết bị cho tái chế, cần xây dựng viện nghiên cứu tái chế.
Về phân loại rác tại nguồn hiện chưa được quan tâm thực hiện. Hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt, chôn lấp là chính. Hệ thống thu gom, phân loại phi chính thức đã hình thành trên 40 năm, bao gồm hàng triệu lao động chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi.
Hệ thống phi chính thức và các làng nghề tái chế chính là những người dọn dẹp vệ sinh cho đất nước nhưng chưa được nhìn nhận đúng mức, chưa có chính sách hướng dẫn, hỗ trợ.
Vì vậy, cần quyết liệt áp dụng các quy định phân loại rác tại nguồn theo luật BVMT từ ngày 1/1/2024. Xây dựng chính sách hợp tác công - tư, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại rác tại nguồn. Hỗ trợ khu vực tư nhân thu gom rác thải phi chính thức tham gia như một bên chính thức trong hệ thống quản lý chất thải.
Trong khi đó, thực trạng chất lượng sản phẩm nhựa và thiết kế sinh thái cũng còn nhiều bất cập. Việt Nam còn thiếu quy định về tiêu chuẩn liên quan đến độ kéo dãn, uốn cong, khả năng chịu tia cực tím, tỷ lệ bột đá, phụ gia. Thiếu bền vững khi sản phẩm nhựa chất lượng thấp, vòng đời ngắn, mau hỏng, thải bỏ nhanh, lãng phí lớn. Thiếu lành mạnh khi không có quy chuẩn, cạnh tranh cũng thiếu lành mạnh, không có hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu.
Bao bì, túi siêu thị quá mỏng, in ấn quá lớn, không có giá trị thu gom. Thiết kế các sản phẩm nhựa với chi tiết nhôm, sắt, cao su gây khó khăn, chi phí tái chế lớn. Chưa có tiêu chuẩn thiết kế để tái sử dụng, có giá trị như thu gom, tái chế...
Thực trạng này đòi hỏi phải xây dựng quy định tiêu chuẩn chất lượng để sản phẩm và bao bì bền vững; xây dựng quy định tiêu chuẩn sử dụng phụ gia đảm bảo môi trường; xây dựng quy định tiêu chuẩn chất lượng làm hàng rào bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp trong nước. Việc thiết kế cần phải được tính toán trước sao cho sản phẩm có giá trị thu gom, có giá trị tái chế chất lượng cao.
"Nhà nước và Chính phủ đã bắt đầu xây dựng nền KTTH nhưng mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng các nghị quyết, các chính sách, các đề án - là những văn bản dưới luật, theo đó có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Vì vậy, để xây dựng nền KTTH về rác thải nhựa nói riêng và các ngành khác nói chung cần phải xây dựng Luật KTTH. Trước mắt, nếu luật này quá lớn thì có thể xây dựng Luật KTTH đối với tài nguyên rác thải nhựa Việt Nam. Với những nền móng đầu tiên, nếu có luật này, chắc chắn KTTH Việt Nam sẽ phát triển", ông Hoàng Đức Vượng đề xuất.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm