Công nhân lao đao vì cao su rớt giá
Cách đây hơn 2 năm, ba xã biên giới phía Nam huyện Sa Thầy (Kon Tum) gồm Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi còn chưa có tên trên bản đồ hành chính.
Nhưng kể từ khi hàng loạt công ty cao su như: Duy Tân, Sâm Ngọc Linh, Sa Thầy, Công ty 716… về đóng chân trên địa bàn đã góp phần không nhỏ vào việc thành lập xã. Bởi gần 100% công dân (khoảng 7.000 nhân khẩu) của ba xã này đều là công nhân theo các công ty vào đây lập nghiệp. Cây cao su thay thế cho hàng nghìn ha rừng, theo sau là hàng loạt công trình điện, đường, trường trạm… mọc lên.
Thời điểm đó, cây cao su vẫn đang ở thời kỳ hoàng kim, giá cao ngất ngưởng, việc thu hút công nhân vào làm là điều không khó. Ở đây hầu như không có dân bản địa, công nhân các công ty là các cặp vợ chồng trẻ được tuyển từ các tỉnh phía Bắc vào. Nhiều hộ gia đình bán hết ruộng vườn ngoài quê vào đây sinh sống, hy vọng đổi đời nhờ làm công nhân cao su.
Tuy nhiên, gần 2 năm nay giá mủ cao su liên tục giảm sâu, chỉ còn vài nghìn đồng/kg mủ tươi. Không những các công ty đau đầu vì giá mà hàng nghìn hộ công nhân cũng “chịu bão”.
Theo ông Trần Việt Dũng – Chủ tịch UBND xã Ia Dom: Do xã toàn công nhân, không có hoạt động kinh doanh gì khác, ngân sách của xã là con số “0”. Dân nghèo thì xã lấy gì mà giàu được. Bây giờ giá mủ thấp nên đời sống của người dân hết sức khó khăn. Về đất sản xuất thì người dân chưa có, chủ yếu là đất ở là do công ty cấp. Toàn xã chưa có hộ nào được cấp sổ đỏ.
Chị Lò Thị Hưng (ở thôn 3, xã Ia Đal - công nhân Nông trường Cao su Bãi Lau thuộc Công ty CP Cao su Sa Thầy) kể: “Vài năm trước, lương của anh em công nhân còn ổn định, Tết nhất được thưởng từ 7-10 triệu đồng nhưng nay hẻo lắm.
Hai vợ chồng em nhận khoán hơn 10 ha cao su non nhưng thu nhập trung bình hằng tháng chưa tới 2,5 triệu đồng. Ở quê em khó khăn lắm, thiếu đất đai sản suất nên làm mãi vẫn nghèo thôi. Nghĩ làm CN cao su lương cao, không còn khổ nữa nhưng đến giờ vẫn không khá hơn”.
Chạy ăn từng bữa!
Anh Hà Xuân Dưỡng – Trưởng thôn 1, xã Ia Dom cho biết: không có đất sản xuất, nhiều hộ công nhân tận dụng đất bờ lô của nông trường trồng lúa, mì… để có cái ăn cho cả nhà. Mặc dù vậy, công nhân vẫn lo không biết khi nào đất bị nông trường thu hồi.
Đang trong buổi khó khăn, vợ chồng chị Vy Thị Khen (thôn 2, xã Ia Dom – công nhân Cty Sa Thầy) phải nuôi kèm 2 con nhỏ, một đứa đang học lớp 6 ở bán trú tại trường. “Nhiều tháng nay, bữa ăn gia đình lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, dành dụm ít tiền thì nhét cho con đi học. Muốn làm thêm, làm thuê cũng không có chỗ.
Ở đây toàn công nhân với nhau thì có ai thuê đâu. Thiếu ăn, bọn em đến căng tin của công ty ứng gạo, dầu, mắm muối… Hết tiền, ứng nhiều họ không cho. Bí quá thì ra sông, ra suối bắt cá, hái rau ăn tạm. Ở đây, 3 giờ sáng em đã đi cạo mủ, một buổi chỉ có 75.000 đồng, trong khi tiền xăng xe chạy từ nhà ra lô đi về hơn 30km, tốn hơn 30.000 đồng. Đầu năm học em phải đi mượn 5 triệu đồng lo tiền học cho con”, chị Khen thổ lộ.
Nói về khó khăn của công nhân, ông Lương Văn Tăng – Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dom bảo: công nhân cao su cũng hay bị ép lắm, lương trả chậm trong khi tiền ứng mua chịu thì cao. Mang tiếng là CN cao su nhưng thu nhập chính của họ chủ yếu là từ trồng lúa, mì ở các bờ lô, bờ sông suối. Thiếu thực phẩm thì họ đi săn, bắt cá.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Lành, Phó giám đốc Nông trường Suối Cát (Cty Cao su Sa Thầy) khi trao đổi với Tiền Phong lại phủ nhận thông tin lương trả chậm. Ông Lành nói “một số công nhân họ thu nhập thấp là vì nhận khoán ít, cao su mới trồng nên tiền công ít là đương nhiên. Còn giá cao su thấp là tình hình chung”.
Chủ tịch xã Ia Dom Trần Việt Dũng cho biết: Người dân là công nhân của công ty nên mọi việc từ lương thưởng đều do công ty chi trả. Nhưng về lâu dài thì người dân cũng cần có đất sản xuất để ổn định đời sống, chúng tôi đã có ý kiến chuyển đổi đất rừng nghèo để cấp cho người dân. Qua đó, cũng xin cấp trên đầu tư các đập nước tạo điều kiện cho bà con tận dụng trồng lúa nước”.
Trước tình trạng cao su rớt giá, người dân trồng cao su tiểu điền ở Gia Lai - Kon Tum chặt hạ hàng trăm ha để chuyển đổi cây trồng khác. Riêng tại 2 huyện Đắk Đoa và Chư Prông (Gia Lai), người dân phá bỏ trên 400ha.
UBND hai tỉnh đã có công văn yêu cầu rà soát lại diện tích cao su tiểu điền, đồng thời khuyến cáo người dân không nên chặt bỏ vì trồng cây cao su chi phí lớn, mất 6-7 năm mới thu hoạch. Hiện, các tỉnh Tây Nguyên có trên 270.000 ha cao su, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Gia Lai hơn 120.000 ha và Kon Tum trên 75.500 ha.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương