Mỗi hãng sẽ có một bí quyết và quy trình công nghệ riêng, nhưng phần lớn các hãng đồng hồ danh tiếng của Thụy Sĩ đều chế tác sản phẩm rất công phu.
Ngày nay, với công nghệ phát triển, nhân loại đã có thể sản xuất nên những chiếc đồng hồ điện tử bằng các quy trình công nghệ tự động, toàn bộ những chi tiết điện tử quan trọng có thể tích hợp gọn trong một bản mạch.
Thế nhưng, những loại đồng hồ điện tử như thế vốn chỉ được xếp vào hạng bình dân. Bởi ngay cả một chiếc đồng hồ thông minh của Samsung chỉ khoảng 4 triệu đồng, hay đắt nhất của Apple được cho là khoảng 25 triệu, vẫn chẳng là gì so với giá tiền hàng trăm triệu hay hàng tỉ đồng của những đồng hồ truyền thống do các tên tuổi ở Thụy Sĩ chế tác.
Đắt xắt ra miếng
Điển hình trong số những thương hiệu “đỉnh của đỉnh” ở Thụy Sĩ là Patek Philippe. Theo Bloomberg, hằng năm, hãng này chỉ sản xuất khoảng 50.000 chiếc đồng hồ, ít hơn rất nhiều so với con số 700.000 chiếc của Rolex - tên tuổi “bình dân” hơn.
Với Patek Philippe, mỗi chiếc đồng hồ thực sự là một sản phẩm nghệ thuật, bởi những người thợ nhiều khi phải mất đến cả năm trời mới có thể hoàn thành. Rất nhiều các công đoạn đều được làm thủ công.
Bên trong mỗi chiếc đồng hồ nhỏ nhắn là cả một dây chuyền cơ khí phức tạp với hơn 250 chi tiết cực nhỏ đến mức có thể không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Thế nhưng, người thợ phải thao tác cực kỳ chuẩn xác, để từng chi tiết không thể nhìn thấy đó phải nối khớp với nhau để động cơ chạy tốt. Trước kia, để chế tác, các thợ thủ công phải sử dụng kính hiển vi cổ điển. Ngày nay, theo Bloomberg, các công đoạn đã được hỗ trợ đắc lực bởi hệ thống kính hiển vi điện tử, hình ảnh được phóng lớn hàng ngàn lần rồi thể hiện trên màn hình máy tính để thao tác thuận tiện hơn. Mặc dù vậy, việc chế tác vẫn không hề đơn giản khi người thợ phải vừa làm, vừa thường xuyên kiểm tra tính đồng nhất của các chi tiết siêu nhỏ.
Siêu công phu
Phức tạp như thế nhưng giai đoạn chế tác thủ công chỉ là một phần trong cả quá trình làm nên những chiếc đồng hồ đắt giá. Để làm ra chúng, những người thợ còn phải trải qua giai đoạn thiết kế chi tiết những chi tiết siêu nhỏ. Tất nhiên, một chiếc đồng hồ càng chính xác, càng chi tiết, càng phức tạp... thì càng đắt và cũng đòi hỏi thời gian thiết kế lâu hơn.
Roger Dubuis, một thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ chưa tròn 20 tuổi đời, nhưng nay đã trở thành một kiểu mẫu để chế tác nên những chiếc đồng hồ trị giá tiền triệu USD. Điển hình là chiếc 2013 Excalibur Quatuor có giá 1,1 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng) phải mất đến 2.400 giờ để chế tác.
Theo đó, nếu những người thợ làm việc liên tục không nghỉ thì phải mất đến 100 ngày, lâu hơn cả quá trình chế tác những mẫu siêu xe đình đám. Không những thế, trước đó, Roger Dubuis đã mất đến 7 năm ròng rã để nghiên cứu và thiết kế nên 2013 Excalibur Quatuor.
Kết quả, để 2013 Excalibur Quatuor trở nên đặc biệt, ngay từ tiếng kêu tích tắc của động cơ cũng được sáng tạo thành thứ âm thanh cơ khí độc đáo riêng, đòi hỏi cần đến 590 chi tiết siêu nhỏ. Tất cả phải kết nối với nhau cực kỳ chính xác. Và đó là lý do dù có giá bán đến 1,1 triệu USD nhưng mẫu đồng hồ này vẫn khó mua vì số lượng sản xuất rất giới hạn.
Số chi tiết của chiếc đồng hồ 2013 Excalibur Quatuor siêu phức tạp này vẫn còn đơn giản hơn mẫu đồng hồ do Hãng A.Lange & Söhne (Đức) chế tác. Bởi chiếc đồng hồ của A.Lange & Söhne là một cấu trúc có đến 876 chi tiết. Phức tạp như thế nên giá bán của nó cũng vào loại siêu đắt: 2,5 triệu USD (hơn 50 tỉ đồng). Thế nhưng, đây cũng chưa phải là chiếc đồng hồ đắt giá nhất thế giới và dường như các hãng vẫn đang ra sức chinh phục công nghệ chế tác đồng hồ.
Theo Thanh niên