Tin tức - Sự kiện

Công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc sâu để tẩu tán: Tội ác kinh tởm!

Nhiều người ví von hành động phi tang thuốc trừ sâu của công ty Nicotex Thanh Thái còn ghê tởm hơn hành động quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở Việt Nam trong những năm chiến tranh.

Các phi thuốc sâu đã được chôn xuống lòng đất

“Nồi da nấu thịt”

Đến thời điểm này, có lẽ không cần phải tranh luận nhiều người ta cũng có thể đánh giá được mức độ nguy hại như thế nào(?) của những phi thuốc trừ sâu được phi tang dưới lòng đất. Trong quá trình chờ đợi các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu phân tích để kết luận mức độ nguy hại mà nó gây ra đối với con người, nhiều người đã nghĩ đến bản ánh đích đáng cho những kẻ gây ra tội ác có dấu hiệu gần như “làm hại người hàng loạt”.

Trở lại sự việc ngày 25/8, hàng trăm người dân phát hiện và ngăn chặn xe chở thuốc sâu của nhà máy Nicotex Thanh Thái vì nghi công ty này đem thuốc sâu đi phi tang. Đến khi kiểm tra xe, nhiều người dân phát hiện ra 16 phi chưa chất lỏng được xác định là hóa chất thuốc trừ sâu không có nhãn mác.

Tại sao người dân lại có hành động như vậy?

Điều này không có gì lạ, bởi hơn ai hết, chính nhân dân là người hiểu rõ nhất bản chất của sự việc. Nhiều người lo ngại rằng khi đặt nhà máy thuốc trừ sâu trên địa bàn xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy) sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Bởi lẽ đó, những hoạt động từ phía công ty đã được người dân theo dõi và giám sát chặt chẽ.

Nghi ngờ đó đã có cơ sở khi nhiều lần người dân phát hiện ra mùi thuốc sâu nhiễm trong thức ăn, đồ uống. Thế nhưng chưa bao giờ bắt được quả tang phía công ty này đổ chất thải hay chôn các thùng phi xuống dưới đất.

Sự  vụ chặn xe ngày 25/8 vừa qua, ngày mà có lẽ hàng trăm người dân chờ đợi suốt hơn 10 năm khi bắt quả tang công ty có ý định đem thuốc trừ sâu đi phi tang. Từ đây, câu chuyện bắt đầu được nối dài khi không lâu sau đó, nhiều người phát hiện hàng tấn thuốc sâu được chôn vùi trong đất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của hàng trăm, thậm chí đến hàng ngàn hộ dân quanh vùng.

Một lý do không kém phần quan trọng đó là việc người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền về việc công ty Nicotex gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng khi dân kêu, chính quyền không không phúc đáp thỏa đáng, hiển nhiên, việc dân tình chặn xe, đem máy múc vào nhà máy đào xới âu cũng là chuyện dễ hiểu.

Hơn 10 năm trời là khoảng thời gian quá dài để người dân phải hứng chịu hậu quả từ thuốc trừ sâu từ phía công ty Nicotex Thanh Thái gây nên. “Hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng vì lợi nhuận, những kẻ đứng đầu công ty này còn ác hơn loài thú dữ, sẵn sàng đầu độc đồng bào mình bằng thứ thuốc độc chết người?

Đến nay, tội ác này bắt đầu được phát giác, ảnh hưởng  của việc phát tán thuốc trừ sâu đối với con và môi trường đã quá rõ ràng. Mặc dù chưa thể kết luận mức độ ảnh hưởng ra sao, tuy nhiên chứng kiến cảnh hàng chục người dân sống quanh vùng từng ngày, từng giờ đang chống chọi với bệnh ung thư giai đoạn cuối, trẻ em dị tật, quái thai tăng lên nhiều năm qua, ai có thể không đau xót? Ai có thể dám chắc những phi thuốc trừ sâu ngấm vào phía dưới lòng đất không ảnh hưởng gì đến cuộc sống người dân?

Cơ quan chức năng ở đâu?

Trong khi đồng bào nhiều năm trời ăn, hít thuốc sâu, thì chính quyền và các cơ quan chuyên trách đang ở đâu?

Đầu tiên có lẽ xin dẫn lại lời ông Phạm Quốc Bảo, Chánh văn phòng huyện Cẩm Thủy, đồng thời là phát ngôn viên báo chí của huyện này. Khi hỏi về những phản ánh của người dân về việc công ty Nicotex gây ô nhiễm, ông Bảo tỏ vẻ thờ ơ...?

“Huyện có nhận được phản ánh của dân, tuy nhiên khi cơ quan chức năng vào kiểm tra thì đều kết luận vẫn an toàn, không gây ảnh hưởng môi trường. Còn về việc người dân chết trẻ vì bệnh ung thư thì chúng tôi cũng mới nghe đây thôi”.

Trong khi đó, trên thực tế, các biên bản kiểm tra môi trường đối với công ty này đều kết luận công ty Nicotex đã nhiều lần gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Quốc Bảo - CVP huyện Cẩm Thủy

Tiếp đến có lẽ phải nói đến phát ngôn của ông Nguyễn Quang Thái, Chi cục trưởng chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa). Mới đây, trong cuộc trao đổi với giới truyền thông về công tác triển khai thanh kiểm tra các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao , ông Thái đã có những phát ngôn được cho là thiếu tính xây dựng.

“Khi kiểm tra các cơ sở này, chúng tôi đã có thông báo bằng văn bản trước. Đồng thời khi kiểm tra không thể lấy mẫu tràn lan được, vì lấy tràn lan mà phân tích mẫu thì tiền đâu ra? Nếu phát hiện trong khuôn viên nhà máy có chôn thuốc trừ sâu, chúng tôi đã có công lớn trong việc này?”.

Hóa ra trước đây, cơ quan chuyên trách chỉ lấy mẫu bên ngoài nhà máy chứ không phải bên trong khuôn viên nhà máy?

Cần phải nói thêm rằng, hơn 10 năm trời, hết đoàn kiểm tra này, đến đoàn nọ đã trực tiếp đến hiện trường công ty để lấy mẫu, phân tích nhằm đánh giá tác động về môi trường. Tuy nhiên cách làm cũng chỉ như việc “cưỡi ngựa xem hoa”. Ô nhiễm có, nhưng phạt xong để đấy?

Hơn 10 năm trời, hàng chục thùng phi to lù lù được chôn dưới đất (nhiều thùng đã hoen gỉ ngấm hóa chất xuống lòng đất) mà cơ quan chức năng vẫn không đánh giá hết mức độ ảnh hưởng của các phi thuốc sâu đó gây ra? Đến khi “ma trận” thuốc trừ sâu được đào lên thì mọi người mới tẻ ngửa người…

Mới đây, trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Vương, Chi cục trưởng chi cục bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) cho hay: “Các loại thuốc bảo vệ thực vật được nhà nước quản lý rất chặt chẽ chặt chẽ. Nếu không tuân thủ quy trình sản xuất và sử dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống".

Nói về vụ việc công ty Nicotex chôn thuốc trừ sâu, ông Vương cho rằng:“Việc chôn lấp hóa chất thuốc trừ sâu dưới lòng đất của công ty Nicotex là hoàn toàn sai phạm bởi công ty này không có chức năng tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật. Theo quy định, các chất phế thải phải do các đơn vị chuyên môn được sự cho phép của nhà nước mới được thực hiện tiêu hủy”.

Nói về tác hại của thuốc trừ sâu đối với cơ thể con người, ông Vương cho rằng: “ Khi độc tố được phát tán ra môi trường bên ngoài, nếu nhiễm vào mạch nước ngầm mà con người đang sử dụng thì đến một thời điểm nào đó nó sẽ gây bệnh.

"Một số bệnh liên quan đến thuốc trừ sâu có thể gây ra như ung thư, phế quản, gây đột biến tế bào, các dạng quái thai, vô sinh…", ông Vương cho biết thêm.

Ông Vương cũng cho biết, nếu tiêu hủy một lượng hóa chất thuốc trừ sâu dạng cực độc mất khoảng 50 triệu đồng/ tấn.

Chiều ngày 4/5, trao đổi với Giáo dục Việt Nam về những giải pháp nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm thuốc trừ sâu, ông Lê Hữu Uyển, trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế Thanh Hóa) cho hay: “Sở chưa nắm được thông tin này" (?)

Đồng thời ông Uyển cũng cho hay, UBND tỉnh chưa hề có chỉ đạo gì đối với Sở Y tế về việc tham gia đoàn công tác giải quyết vụ việc trên.

Vụ việc đã vỡ lẽ, người dân đang chờ sự phán xét công minh của pháp luật.

Theo GDVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo