Tin tức - Sự kiện

Cuộc sống lay lắt trên “ốc đảo” giữa khu du lịch sầm uất Tam Đảo

Khu lâm trường Vĩnh Ninh, thuộc xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cách trung tâm xã không xa là mấy, song cuộc sống nơi đây khác nào “ốc đảo” bị bỏ quên giữa khu du lịch sầm uất. Gần 50 năm nay, họ phải sống lay lắt trong cảnh “không điện, không nước sinh hoạt, nhà không sổ đỏ, đất sản xuất cũng không”.

Đường vào khu Lâm trường Vĩnh Ninh.

 

Khu lâm trường Vĩnh Ninh, thuộc xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cách trung tâm xã không xa là mấy, song cuộc sống nơi đây khác nào “ốc đảo” bị bỏ quên giữa khu du lịch sầm uất. Gần 50 năm nay, họ phải sống lay lắt trong cảnh “không điện, không nước sinh hoạt, nhà không sổ đỏ, đất sản xuất cũng không”.

 
Gặp người phụ nữ có nhiều cái “không” nhất làng
 
Theo lời giới thiệu của ông Trần Trọng Năm - trưởng thôn Vĩnh Ninh, chúng tôi đến tìm hiểu cuộc sống của gia đình khó khăn nhất nơi “ốc đảo” này. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Đào. Mỗi hộ dân ở khu lâm trường này hầu như nhà nào cũng có 4 cái “không” như đã nói. Nhưng với bà Đào, cái “không” ấy còn nhiều hơn khi bà không có chồng, không có con, không có người nuôi dưỡng, không có lương hưu…
 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà vách đất xiêu vẹo, bà Đào buồn bã cho biết, bà sinh năm 1953, quê gốc ở xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Cả cuộc đời thanh xuân của bà gắn với việc đi làm ở các lâm trường như Sông Lô, Lập Thạch…, sau đó bà Đào lên làm việc ở khu Lâm trường Vĩnh Ninh. Lúc này, cô công nhân Đào đã bước sang tuổi 30, cái tuổi nó đuổi xuân đi lúc nào không hay. Ở tuổi này, bà không còn ước mơ gì đến chuyện gia đình nữa nên quyết định ở vậy cho đến giờ.
 
Bà Đào cho biết, khi về hưu, bà đã xin lĩnh tiền theo hình thức một lần, số tiền chẳng đáng là bao, chỉ đủ để sửa lại cái nhà rồi phó mặc cuộc sống cho ông trời. Bước vào bên trong căn nhà của bà Đào, chúng tôi không cầm lòng nổi. Căn nhà tuềnh toàng, không bất cứ một vật dụng gì đáng giá, chiếc giường cũ nát ọp ẹp từ lâu, chạn bát để chỏng trơ vài ba cái đủ cho một người dùng. Nhà bà cũng chỉ có mỗi 2 cái nồi bé xíu, một để đun cơm, một để đun canh. Người phụ nữ đã bước sang cái tuổi ngoài 60 này nặng chưa được 40kg, hiện đang phải mưu sinh bằng cách đi bế con cho các hộ xung quanh, tiền kiếm được chẳng đáng là bao. Nhà lại không trồng được lúa nên bà Đào bữa no bữa đói.
 
Ông Nguyễn Trọng Loan - chi hội trưởng người cao tuổi của khu Lâm trường Vĩnh Ninh - cho biết, năm 2013, bà Đào cũng có đơn xin trợ cấp xã hội diện người già neo đơn. Ông đã gửi đơn cho UBND xã Đạo Trù, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Ông Loan chia sẻ thêm, bà Đào giờ tuổi đã cao, sức yếu, lại ở một mình nên rất đáng thương. Giờ bà còn chút sức lực mà kiếm chút rau cháo qua ngày, không biết vài năm nữa bà ấy làm gì mà sống được?
 
Bà Đào bên căn nhà lụp xụp của mình.
 
Cuộc sống luẩn quẩn vì thiếu đủ thứ
 
Không riêng trường hợp của bà Đào, hầu như các hộ dân của khu lâm trường đều rơi vào cảnh thiếu thốn. Ông Loan cho biết, hiện nay khu lâm trường có 45 hộ cùng sinh sống. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào nguồn suối duy nhất chảy quanh chân núi Tam Đảo. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân, những chỗ nước chảy siết họ tận dụng đặt các tuabin nước để lấy điện dùng. Dù vậy, nguồn nước này cũng không ổn định, phập phù như chính cuộc sống của họ.
 
Nói về nguồn nước sinh hoạt, ông Loan buồn rầu cho biết, con suối không chỉ cung cấp nước cho khu dân cư lâm trường mà cả thôn Vĩnh Ninh. Hiện nay, có đến 37 ống nước bắt trực tiếp vào nguồn suối, tình trạng này khiến cho nguồn nước vốn đã ít nay càng thêm cạn kiệt. Hơn nữa, những năm gần đây, do công nghiệp phát triển, nguồn nước này bị ô nhiễm khá nhiều. Không biết rồi đây, khi dân số tăng lên, những hộ dân này sẽ phải sống thế nào?
 
Anh Phan Văn Thành - một hộ dân trong khu dân cư - cho biết, ở khu lâm trường này vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên những hộ dân phải chung nhau đặt tuabin nước cung cấp điện nội bộ. Thường thì 2 - 3 hộ chung tiền mua một máy tuabin (mỗi máy có giá từ 9 - 12 triệu đồng). Thế nhưng, nguồn điện ở đây rất yếu, chập chờn theo độ mạnh yếu của con nước. Thường thì vào mùa cạn (tháng 11 đến tháng 2 hàng năm) nước ở suối không đủ để quay tuabin nên người dân phải sống trong cảnh không có điện. Vào những mùa nước lên, điện cũng không khá hơn là mấy. Vì con suối này còn cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân, nên khi muốn dùng điện người dân phải dùng nước hết sức tiết kiệm.
 
Việc thiếu điện đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Điện ở đây chỉ có thể dùng để thắp sáng, cùng lắm cắm được nồi cơm. Hôm nào buồn quá, cả khu tập trung một nhà bật tivi xem trong cảnh lúc được lúc không. Thế nhưng, theo anh Thành, thương nhất là tình trạng trẻ em đi học không có đèn thắp sáng, hầu như phải học bằng đèn dầu.
 
 Tuabin nước được làm tạm bợ, kém hiệu quả.
 
Tương lai nào cho khu lâm trường?
 
Lý giải cho sự khó khăn này, ông Lưu Xuân Năm - Chủ tịch UBND xã Đạo Trù - cho biết, hiện khu Lâm trường Vĩnh Ninh có 45 hộ dân với gần 200 nhân khẩu, đều được UBND xã Đạo Trù cấp hộ khẩu thường trú và quản lý hành chính. Trong khi phần đất lại do Lâm trường Lập Thạch quản lý. Tình trạng này là do lịch sử để lại. Vào những năm 60 của thế kỷ 20, Lâm trường Vĩnh Ninh thuộc huyện Lập Thạch, được giao nhiệm vụ khai thác gỗ phục vụ làm đường tàu hỏa. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều cán bộ, công nhân lâm trường đã tình nguyện ở lại vùng núi hẻo lánh để sinh cơ lập nghiệp và xóm đội lâm trường cũng ra đời từ đấy. Sau khi lâm trường giải thể, số công nhân này vẫn tiếp tục ở lại cho đến nay đã gần 50 năm.
 
Ông Trần Thái Sơn - Chánh Văn phòng UBND huyện Tam Đảo - cho biết thêm, khu dân cư Lâm trường Vĩnh Ninh là một vấn đề nhức nhối, làm đau đầu các nhà quản lý nhiều năm nay. Do phần đất đai của khu dân cư hiện vẫn do Lâm trường Lập Thạch quản lý, nên chính quyền khó có thể triển khai các chính sách hỗ trợ người dân như đất sản xuất, cấp sổ đỏ, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội… Đặc biệt, nguồn điện là vấn đề bức thiết nhất. Huyện đã nhiều lần tới khảo sát nhưng do muốn xây dựng đầu tư hạ tầng vào đây phải được sự cho phép của lâm trường, trong khi sau nhiều lần làm việc, phía lâm trường chưa đồng ý cho chính quyền sử dụng phần diện tích đất này. Phương án “hạ sơn” cho người dân cũng đã được nghĩ tới, nhưng do quỹ đất của địa phương không còn nên khó thực hiện.
 
Chia tay “ốc đảo”, tôi không khỏi ngậm ngùi, vậy là một cái tết nữa sắp đến với người dân khu lâm trường, một cái tết nữa họ lại sống trong cảnh tăm tối và buồn rầu vì không có điện và không có nhiều thứ khác, cuộc sống với họ như cái vòng luẩn quẩn chưa biết bao giờ mới thoát ra được.
 
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo