Khám phá

Cuống rốn thế giới trong tay người Việt

Bằng phát hiện tế bào gốc ở màng cuống rốn trẻ sơ sinh năm 2004, TS Phan Toàn Thắng hiện làm chủ các công nghệ y khoa liên quan trên toàn thế giới.

   PGS Phan Toàn Thắng bên những thùng chứa mẫu cuống rốn được gửi chuyển phát nhanh từ khắp thế giới đến Singapore để kiểm tra chất lượng trước - Ảnh: Thục Minh

Trước phát minh tại Singapore của vị bác sĩ người Việt từng công tác tại Viện Bỏng quốc gia Hà Nội, các nhà khoa học Mỹ đầu thập niên 1990 đã tìm thấy TBG trong máu chiếc cuống rốn “phụ phẩm” của quá trình sinh nở. Vài năm sau đó, máu cuống rốn đã được trích và đưa vào ngân hàng lưu trữ, trong khi phần còn lại của đoạn nội tạng dài chừng 20 cm bị vứt đi. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi phát minh tại Phòng Thí nghiệm TBG thuộc Khoa Ngoại của Trường Y khoa Yong Loo Lin ĐH Quốc gia Singapore (NUS) ra đời. So với máu cuống rốn có số lượng TBG ít ỏi và chủ yếu dùng chữa bệnh ung thư máu, màng dây rốn có mật độ TBG dày hơn, khả năng tái tạo cao hơn và có thể biệt hóa để tạo ra một loạt các mô tạng đặc của cơ thể người.
 
Thương mại hóa toàn cầu chiếc cuống rốn
 
Khác với phát hiện TBG trong máu cuống rốn của các nhà khoa học Mỹ không có bản quyền sáng chế, phát minh của TS Phan Toàn Thắng là một thành tựu khoa học lớn, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công nhận sáng chế năm 2005. Vì vậy, việc lưu trữ máu cuống rốn ai làm cũng được; trong khi việc lưu trữ phần dây rốn từng bị vứt đi phải mua bản quyền từ Công ty CellResearchCorp của người phát minh.
 
Cho tới nay, phát minh của ông Thắng đã đăng ký bản quyền tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền khoa học tiên tiến của thế giới như Mỹ, EU, Anh, Israel, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc... “Phải mất gần 3 triệu USD cho mớ giấy đó”, ông Thắng nói vui với phóng viên Thanh Niên về chi phí và công sức gần chục năm để có được giấy chứng nhận bản quyền của ngần ấy quốc gia.
 
Đổi lại, công trình của ông đã được thương mại hóa toàn cầu với Công ty CellResearchCorp được định giá trên 500 triệu USD. Hiện nay, nhiều công ty trên thế giới đã mua bản quyền từ CellResearchCorp để lưu trữ cuống rốn. StemCyte do bác sĩ người Mỹ gốc Đài Loan Robert Chow sáng lập đã mua độc quyền lưu trữ cuống rốn tại Bắc Mỹ, Mexico và Đài Loan. “Do địa bàn Mỹ quá rộng lớn, có thể mình sẽ bán bản quyền lưu trữ cho 2 công ty nữa”, PGS Phan Toàn Thắng cho biết. Trong khi đó, ở châu Á, Cordlife Group Limited của Singapore mua độc quyền lưu trữ cuống rốn ở Singapore, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia và Philippines; StemLife Berhad của Malaysia đã tiến hành lưu trữ ở Malaysia và đang mở rộng qua Thái Lan. Riêng ở Trung Quốc, China Cord Blood Corporation là công ty độc quyền và hiện có tới 3 ngân hàng lưu trữ ở Bắc Kinh, Quảng Đông và Chiết Giang. Còn tại VN, MekoStem do chính PGS Phan Toàn Thắng và những nhà khoa học hàng đầu quốc gia lập ra từ năm 2009 là ngân hàng lưu trữ cả máu và màng cuống rốn đầu tiên trên thế giới.
 
Kiểm soát chất lượng toàn cầu
 
Không chỉ bán bản quyền lưu trữ, CellResearchCorp của PGS Phan Toàn Thắng cũng chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng của mỗi chiếc cuống rốn được lưu trữ trên thế giới. Ngoài VN, Mỹ và Trung Quốc có thiết bị kiểm tra tại chỗ số lượng và chất lượng TBG của từng sản phẩm lưu trữ dưới sự hỗ trợ của chuyên viên CellResearchCorp, các cơ sở khác trên thế giới đều gửi mẫu sản phẩm sang Singapore để kiểm tra. “Đối với một số công ty, việc gom mẫu và gửi sang phòng thí nghiệm của chúng tôi mỗi tháng một lần có hiệu quả kinh tế cao hơn, thay vì phải bỏ vốn lớn để đầu tư thiết bị”, ông Thắng nói. Ông cũng cho biết thêm, riêng Trung Quốc có hẳn quy định không cho phép đem mẫu cuống rốn của người Hán ra khỏi biên giới nước này.
 
Hiện nay, giá lưu trữ một cuống rốn 18 năm tại Singapore là 7.000 SGD (khoảng 116 triệu đồng), tương đương giá ở Hồng Kông. Còn ở các nước như Ấn Độ, Indonesia, VN... giá khoảng 2.000 USD. Sau 18 năm, đứa trẻ khi đó đủ tuổi thành niên và có quyền quyết định về chiếc cuống rốn của mình. Nếu muốn lưu trữ tiếp, hợp đồng sẽ được ký lại và chủ sở hữu khi này chính là đứa bé năm xưa, ông Thắng giải thích.
 
Cho đến nay, sau vài năm bắt đầu lưu trữ, hầu như chưa có đứa bé nào phải lấy cuống rốn của mình ra để điều trị bệnh, trừ một vài trường hợp được sử dụng để điều trị cho ông bà của bé ở Trung Quốc, ông Thắng cho biết. Tuy nhiên, nhu cầu lưu trữ cuống rốn đang ngày càng tăng lên trong những gia đình kinh tế khấm khá. Tại Singapore, cơ sở của Cordlife ở khu công nghiệp Yishun hiện đang lưu trữ khoảng 2.000 chiếc. Mỗi tháng nơi này tiếp nhận khoảng 200 chiếc, một con số theo ông Thắng là “đáng kể” so với dân số chỉ hơn 5 triệu người và tỷ lệ sinh con của phụ nữ nước này chỉ ở mức 1,19 con/phụ nữ. Trong khi đó, cơ sở của Cordlife ở Kolkata (Ấn Độ) mỗi tháng trữ đến 1.200 chiếc.
 
 
 

 Giữ “giống nòi” gia tộc Tập Cận Bình

 
PGS Phan Toàn Thắng kể: Năm 2011, cô cháu gái Hiu Ng, con chị ruột của ông Tập Cận Bình chuẩn bị hạ sinh đứa con đầu lòng. Từng du học và kết hôn với một người Anh, cô có nghe về công nghệ TBG màng dây rốn và có nguyện vọng lưu trữ cuống rốn cho con mình. Ông Tập, khi đó là phó chủ tịch nước, đã nhờ Bộ Y tế Trung Quốc tìm hiểu và được biết tác giả của phát minh này là người Việt đang ở Singapore. Qua trao đổi với Bộ Y tế Singapore, phía Trung Quốc đã mời PGS Phan Toàn Thắng sang Bắc Kinh để xử lý lưu trữ chiếc cuống rốn.
 
Hôm 1.8.2014, cô cháu gái của Chủ tịch Tập tiếp tục sinh con thứ hai. Lúc này cơ sở lưu trữ của China Cord Blood Corporation đã hình thành, nhưng PGS Phan Toàn Thắng vẫn tiếp tục được mời sang Bắc Kinh hỗ trợ xử lý.
Theo Tuổi trẻ Online
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo