Pháp luật

Cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ: Phạm Hải Bằng lĩnh 12 năm tù

(DNVN) - Sáng nay 27/10, phiên xét xử vụ án cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ từ nhà thầu JTC Nhật Bản bước sang phần tranh luận. Sau đó Tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Hải Bằng lĩnh án cao nhất 12 năm tù giam.

Liên quan đến nội dung có hay không nguyên đơn dân sự, kiểm sát viên cho rằng, trong vụ án ngay từ đầu đã không xác định nhà thầu JTC Nhật Bản là nguyên đơn dân sự. Việc khởi tố và xét xử vụ án xuất phát từ đề nghị từ phía chính quyền Nhật Bản. Báo Tiền phong thông tin.

Trước đó, nhìn nhận về sự vụ, chính quyền Nhật Bản cùng các cơ quan hữu quan của quốc gia này đã tỏ ra hết sức quan ngại nếu vụ việc được báo chí phản ánh là đúng. Nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách ODA từ Nhật Bản về Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ Giao thông  vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, đề xuất phương án điều tra vụ án.

Các bị cáo nhận hối lộ trước vành móng ngựa nghe tòa tuyên án. Ảnh báo Tuổi trẻ.

Liên quan đến hành vi nhận tiền “hỗ trợ” từ phía nhà thầu JTC của các bị cáo, đại diện cơ quan truy tố khẳng định, việc nhận tiền như vậy là trái công vụ, hưởng lợi cá nhân.

Tin tức trên báo Vnexpress, HĐX xác định Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) là người trực tiếp đàm phán, nhiều lần gợi ý, gửi thư điện tử cho nhà thầu JTC (Nhật Bản) để nhận tiền nên tuyên phạt bị cáo 12 năm tù.

Bản án xác định, bị cáo Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban Quản lý các Dự án đường sắt - RPMU, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) tham gia sách nhiễu JTC để ép nhà thầu đưa tiền nên phải nhận mức án 8 năm 6 tháng tù.

Với vai trò đồng phạm tích cực, Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU) bị phạt 11 năm tù. Bị cáo Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên giám đốc RPMU) biết cấp dưới Bằng nhận tiền nhưng để mặc và tiếp nhận ý chí việc nhận tiền từ JTC nên lĩnh án 7 năm 6 tháng tù.

Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) để mặc cho Bằng và Thái nhận tiền từ nhà thầu trong suốt 3 năm làm giám đốc, không kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà thầu, hưởng lợi 50 triệu đồng từ tiền hỗ trợ của JTC, bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù.

 

Bị cáo Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) có thể chấm dứt việc nhận tiền nhưng để mặc cho Bằng phạm tội, và còn nhận 100 triệu đồng nên bị phạt 5 năm 6 tháng.

Theo HĐXX, dù 11 tỷ đồng nhận từ JTC các bị cáo khai đã chi tiêu vào các hoạt động chung của RPMU nhưng việc giao tiền là không phải trên cơ sở tự nguyện nên phải truy thu sung quỹ Nhà nước. Toà kê biên một số tài sản của các bị cáo Bằng, Thái, Hiếu, Đông để đảm bảo thi hành án.

Bản án xác định, cả 6 bị cáo đã phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong số này có 3 người nguyên là giám đốc RPMU qua các thời kỳ. Vì động cơ cá nhân, lợi ích nhỏ, các bị cáo có hành vi sách nhiễu để yêu cầu nhà thầu JTC nhiều lần đưa tiền. 

Các bị cáo chưa kiểm soát chặt chẽ, tài liệu do nhà thầu Nhật Bản này cung cấp nên sản phẩm không đạt yêu cầu nhưng vẫn tiến hành giải ngân cho nhà thầu.

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, TAND TP. Hà Nội xác định hành vi của các bị cáo thỏa thuận với nhà thầu để chi tiền ngoài hợp đồng đã ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong việc vay vốn ODA, hiện Nhật Bản xử lý dừng hoạt động nhà thầu JTC nên dự án bị ngưng trệ. Hành vi của JTC đã bị Nhật Bản xử lý về tội cạnh tranh không lành mạnh.

 

Theo tòa, hành vi của các bị cáo chính là nhận tiền hối lộ của nhà thầu Nhật Bản nhưng do tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Nhật Bản có khó khăn nên hành vi của các bị cáo không bị truy tố về tội nhận hối lộ mà chỉ bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn. Điều này là phù hợp.

Các bị cáo đã sách nhiễu khiến JTC phải đưa tiền, các bị cáo chưa kiểm soát chặt chẽ về số liệu do đơn vị tư vấn thực hiện, đến nay hợp đồng mới đạt được mới 47% nhưng các bị cáo vẫn giải ngân cho phía nhà thầu Nhật Bản. Theo HĐXX, các bị cáo đã sách nhiễu khiến JTC phải đưa tiền. Khi hợp đồng mới đạt được khoảng 47% nhưng các bị cáo vẫn giải ngân cho phía nhà thầu Nhật Bản.

Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Thực tế khi vụ án bị phát hiện, Nhật đã tạm dừng tiếp nhận các dự án có vốn ODA đối với các dự án đường sắt. Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho uy tín quốc gia, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Sắt thuộc Tổng công ty đường sắt VN) nói: Bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của bị cáo trong bao nhiêu năm chỉ vì 1 hành động thì bỏ đi toàn bộ. Bị cáo xin hội đồng xét xử xem xét lại bản chất tổng thể để phán quyết công minh, khách quan.

Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo