Thị trường

Đã cắt giảm 420 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp

(DNVN) – Tính đến nay, cơ quan quản lý nhà nước đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế; trên 98% các doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng; 80% doanh nghiệp đã nộp thuế theo phương thức điện tử; trên 98% kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thông quan điện tử.

Đây là thông tin được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay tại phiên chất vấn của Quốc hội vào sáng ngày 16/11.

Theo đó, trong lĩnh vực tài chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào việc quản lý giá, thực hiện lộ trình giá thị trường, tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, chống thất thu, bảo đảm cân đối NSNN và quản lý nợ công.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thời gian qua, Chính phủ đã tích cực triển khai Luật Giá; thực hiện cơ chế giá thị trường; bình ổn giá đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than, dịch vụ y tế, giáo dục... gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện lộ trình tái cấu trúc và phát triển các thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 33% và thị trường trái phiếu đạt 23% GDP. Tổng doanh thu thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 17%/năm, tính đến cuối năm 2015 bằng khoảng 2% GDP.

Thực hiện các giải pháp bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra. Hiện đại hoá công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan. Đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế; trên 98% doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng; 80% doanh nghiệp nộp thuế theo phương thức điện tử; trên 98% kim ngạch xuất nhập khẩu được thông quan điện tử.

Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong khi nhu cầu tăng chi ngân sách nhà Nước cho con người, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và đầu tư phát triển là rất lớn, Quốc hội cho phép duy trì bội chi NSNN ở mức phù hợp (bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,3% GDP, năm 2015 là 5%).

Thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý nợ công. Chỉ sử dụng nợ công cho đầu tư phát triển.

 

Việc điều hành vay và trả nợ thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm được phê duyệt. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỉ trọng vốn vay trung và dài hạn với lãi suất hợp lý để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Quản lý chặt chẽ hơn các khoản vay Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng vốn vay.

Tăng cường quản lý NSNN, từng bước cơ cấu lại các nhiệm vụ, chương trình, dự án theo hướng lồng ghép, tiết giảm, bảo đảm các nhiệm vụ chi cần thiết, quan trọng và theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định; xử lý nghiêm thất thoát, lãng phí.

Tuy nhiên, cân đối NSNN còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Quản lý và sử dụng NSNN ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhìn chung còn chậm.

Hoàng Thiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo