Đà Nẵng: Cây xanh đổ trong bão, lộ rõ làm ăn gian dối
Ngày 27/10, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến vừa tiếp tục có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bão số 11. Trong đó, yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo hoàn thành việc khắc phục cây xanh ngã, đổ trước ngày 30/10/2013
Thiệt hại cây xanh đô thị khoảng 30 tỉ đồng
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, đơn vị liên quan trong công tác trồng, quản lý và chăm sóc cây xanh sau khi có đến 95% cây xanh đô thị trên địa bàn TP (khoảng 40.000 cây) bị ngã đổ trong cơn bão số 11 vừa qua, thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng.
Theo ông Thái Phiên, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, sau khi bão số 11 quét qua, người ta phải chứng kiến hình ảnh khá nghịch lý: Cây xanh do người dân và các cơ quan, đơn vị tự trồng theo chủ trương xã hội hoá phát triển cây xanh hầu như vẫn đứng vững. Đơn cử như số cây sưa mua về trồng trong sân UBND quận Sơn Trà không hề suy suyễn. Trong khi đó, hàng loạt cây xanh đô thị được đầu tư bằng ngân sách TP lại bị ngã đổ, lộ ra những chùm rễ nhỏ xíu, thậm chí bộ rễ vẫn còn nguyên trong bọc nilon!
Ông Ngô Tấn Cư, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng còn "tố giác" thêm: "90% sự cố của Điện lực Đà Nẵng trong bão số 11 là do cây xanh. Theo quy định thì cây cao trên 4m không được trồng dưới đường dây cao thế, nhưng người ta vẫn cứ trồng. Điều này chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều lần. Hậu quả là trong cơn bão số 11 vừa qua, khi cây ngã đổ vào thì xảy ra đứt dây, ngã trụ điện!".
Trước tình trạng này, như Infonet đã đưa tin, tại cuộc họp chiều 21/10 với lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương nhằm kiểm tra, đánh giá công tác khắc phục hậu quả cơn bão số11, ông Trần Thọ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã đặt câu hỏi và yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng phải sớm có câu trả lời:
"Vì sao 95% cây xanh của TP ngã đổ như thế? Tất nhiên câu đầu tiên là vì bão. Cái đó không ai cãi. Nhưng vì sao ở UBND quận Sơn Trà trồng mấy chục cây không ngã đổ, nhiều nhà dân trồng không ngã đổ? Trong khi cây xanh trên tất cả các tuyến đường đều bị ngã bẹp hết? Vì sao như thế?
Mấy ngày vừa rồi người dân nhắn tin cho tôi nói có 3 lý do khiến cây ngã đổ. Một là anh trồng cạn quá, đào không sâu, rễ cây không bám được vào đất. Hai là trước bão không chặt tỉa bớt cành lá, để nhiều quá nên gió quất một phát là ngã đổ. Ba là không chằng chống. Người ta trồng một cái cây là có 4 cây chằng ở chung quanh cho cây đứng vững, còn ở đây anh không chằng chống, hoặc chằng chống đại khái, qua loa. Đúng không?".
Độc quyền sinh ra làm dối, làm ẩu?
Được biết, để phát triển cây xanh đô thị, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách thông qua các đề án như "Đề án phát triển cây xanh đô thị", "Đề án xã hội hoá phát triển cây xanh"; Quyết định 23/QĐ-UBND (ngày 15/5/2012) quy định quản lý cây xanh công cộng...
Từ năm 2012 đến tháng 6/2013, Đà Nẵng đã phát triển thêm 15.000 cây xanh đô thị tại 57 dự án khu dân cư và đã thanh toán 15 tỉ đồng/45 tỉ đồng theo dự toán. Riêng kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng cây xanh, công viên giai đoạn 2011-2013 đã duyệt chi 195 tỉ đồng/220 tỉ đồng dự toán. Kinh phí chỉnh trang cây xanh đường phố hết 26,9 tỉ đồng.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nguồn chi cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Đà Nẵng buộc phải tiết giảm, thế nhưng Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch 3 năm phát triển cây xanh đô thị với kế hoạch kinh phí 1.049,5 tỉ đồng và đã được duyệt chi trên 347 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tại Quyết định 23/QĐ-UBND, UBND TP Đà Nẵng đã xác định rất cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật về cây trồng và cách thức trồng cây xanh đô thị, đồng thời giao Sở Xây dựng có trách nhiệm “nhận bàn giao các công trình trồng mới, cải tạo, chỉnh trang cây xanh công cộng trên địa bàn TP từ các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án và giao nhiệm vụ cho đơn vị chức năng trực thuộc là Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng trực tiếp quản lý và duy trì”.
Theo một số kiến trúc sư am hiểu về cây xanh đô thị tại Đà Nẵng, cách trồng cây gian dối lộ ra sau bão số 11 đã cho thấy sự buông lỏng quản lý, giám sát kỹ thuật trong việc đầu tư trồng và chăm sóc cây xanh. Do phải gom nhặt cây xanh từ nhiều nguồn, các đơn vị thi công trồng cây đã chặt tỉa hết bộ rễ, giâm tạm trên nền đất để kích thích cây ra rễ và đem trồng sơ sài. Cách trồng này làm hạn chế sự phát triển của rễ cây, khiến cây dễ dàng bị ngã, đổ.
Ngoài ra, việc chằng chống cho cây xanh trước khi cơn bão đổ vào còn hết sức qua loa, không đúng quy trình kỹ thuật (yêu cầu sử dụng 4 cọc chống phi lao (cao 2,5m, đường kính 60mm); 4 thanh giằng ngang bằng gỗ (30mm - 50mm), dài 0,5m; liên kết giữa thanh giằng ngang và cọc chống bằng đinh hoặc dây nilon đối với mẫu cọc cây xanh bóng mát vỉa hè); việc cắt tỉa tán cây xanh cũng không đạt 30 - 40% diện tích theo yêu cầu.
Được biết, hiện Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng là đơn vị nắm độc quyền trong đầu tư phát triển cây xanh trên địa bàn Đà Nẵng. Theo ý kiến của một số kiến trúc sư chuyên về cảnh quan đô thị thì điều này là trái với quy định của Luật Đấu thầu và sai phạm quy trình vì công ty này vừa là đơn vị thi công lại vừa là đơn vị trực tiếp quản lý.
Đối với một số dự án phát triển cây xanh trước đây, Sở Xây dựng và Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng là đơn vị trực tiếp nghiệm thu đưa vào quản lý, chăm sóc cây xanh do các đơn vị khác thi công. Và vấn đề đặt ra là họ đã thực hiện trách nhiệm của mình như thế nào mà để xảy ra tình trạng trồng cây không đúng các quy trình kỹ thuật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống cây xanh Đà Nẵng sau bão số 11?
Tại Điều 16 Quyết định 23/QĐ-UBND quy định về quản lý cây xanh công cộng do Sở Xây dựng Đà Nẵng tham mưu cho UBND TP ban hành đã nêu rõ: Tiêu chuẩn cây xanh đưa ra trồng phải là cây xanh tốt, thân thẳng, tán cân đối, không cụt ngọn chính, còn nguyên rễ cọc (rễ cái, rễ trụ), không sâu bệnh, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cây bóng mát có chiều cao tối thiểu 2m và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 4cm (đối với cây tiểu mộc); cây bóng mát có chiều cao tối thiểu 3m và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 5cm (đối với cây trung mộc và đại mộc). Bầu rễ không bị vỡ, kích thước bầu rễ tối thiểu 40cm x 40cm x 40cm. Công tác trồng cây phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; khi trồng cây phải cắt dây buộc bầu rễ; phải loại bỏ tất cả xà bần, rác bẩn, phế liệu xây dựng, bê-tông, nhựa đường, cát, đá ra khỏi hố trồng cây trước khi trồng. Cây mới trồng phải được chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng. Kích thước hố trồng cây hình vuông tối thiểu 1m x 1m hoặc hình tròn đường kính tối thiểu 1m, kích thước tương ứng tối đa không quá 1,5m. Cây trồng trên vỉa hè phải được lắp đặt bo viền hố trồng cây. Bo viền hố trồng cây có kích thước, kiểu dáng, kết cấu được sử dụng thống nhất trên cùng một tuyến phố, trên từng cung hay đoạn đường và bảo đảm mỹ quan đô thị. Trong điều kiện cho phép, hố trồng cây có thể đúc bằng bê-tông xi-măng với kích thước tối thiểu 1m x 1m x 1m, tối đa không quá 1,5m x 1,5m x 1,5m để hạn chế rễ cây phát triển trên mặt đất và sang ngang làm hư hỏng các công trình trong khu vực. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chống lãng phí trong phát triển kinh tế - Bài 2: Gỡ 'điểm nghẽn' thể chế
Việt Nam trở thành nước đi đầu trong xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu
Bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng ngành hàng nông sản chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long
Đà Nẵng: Sẽ có 100 ông già Noel diễu hành chào đón Giáng sinh và năm mới 2025
SLP Park Long Hậu nhận giải dự án bất động sản công nghiệp xuất sắc nhất