Dân kỹ thuật mê kinh doanh
Một nhóm bạn trẻ muốn gửi thông điệp: Nhiều sinh viên (SV) khối kỹ thuật đã hoặc đang sẵn sàng khởi nghiệp kinh doanh không thua kém ai.
Đồng tác giả đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố tính cách cá nhân lên tiềm năng khởi nghiệp của SV” (đoạt giải 2, Giải thưởng SV Nghiên cứu khoa học TP.HCM - Euréka lần thứ 13) là Bùi Huỳnh Tuấn Duy, Lê Thị Lin và Đào Thị Xuân Duyên, đều thuộc Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
Khi nói về khởi sự kinh doanh, nhiều người thường đề cập đến SV chuyên ngành kinh tế. “Tụi em đã rất thắc mắc khi thấy rằng có rất nhiều công trình nghiên cứu về tiềm năng khởi nghiệp chú trọng đến SV chuyên ngành kinh tế mà lạnh nhạt với những bạn khối kỹ thuật. Trong khi trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp được tạo dựng từ những SV của các trường kỹ thuật” - đại diện nhóm nghiên cứu bày tỏ.
Chính vì thế, nhóm quyết tâm thực hiện đề tài trên nhằm khám phá và khẳng định tiềm năng khởi nghiệp của những SV khối kỹ thuật. Song song đó là sự đối chiếu, so sánh với những mẫu nghiên cứu dành cho SV chuyên ngành kinh tế để kết quả nghiên cứu được tổng quát, khách quan hơn.
Theo kết quả khảo sát, có 7 yếu tố về tính cách và đặc điểm cá nhân có ảnh hưởng lớn đến tiềm năng khởi nghiệp của SV Trường ĐH Bách khoa, đó là: nhu cầu thành đạt, định hướng xã hội, sự tự tin, khả năng am hiểu thị trường, khả năng sáng tạo, khả năng thích ứng (tác động dương) và nhu cầu tự chủ (tác động âm). “Ba yếu tố có ảnh hưởng dương nhiều nhất đến tiềm năng khởi nghiệp của SV là nhu cầu thành đạt, am hiểu thị trường và khả năng thích ứng.
Đây là cơ sở quan trọng để nhà trường, những cơ quan ban ngành có thể sử dụng để xây dựng các môn học, hoạt động ngoại khóa giúp thúc đẩy tiềm năng khởi nghiệp trong SV thông qua việc kích thích các nhóm tính cách quan trọng này” - các tác giả trẻ đề xuất.
Bùi Huỳnh Tuấn Duy nhận xét: “SV là đối tượng giàu tiềm năng để khởi nghiệp kinh doanh do các đặc tính riêng biệt như kiến thức, độ tuổi. Đặc biệt, SV khối kỹ thuật có sự am hiểu về những đặc tính kỹ thuật, quy trình sản xuất, chế tạo sản phẩm nên những doanh nghiệp do SV khối kỹ thuật tạo lập cũng được xã hội kỳ vọng cao. Do đó, chúng em mong muốn có những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ SV nhiều hơn trong lĩnh vực khởi nghiệp”.
Theo Tuấn Duy, nhiều SV có thói quen nghĩ rằng khởi nghiệp là công việc sau khi ra trường. Tuy nhiên, có thể hiện thực hóa quá trình khởi nghiệp một khi có ý tưởng phù hợp và biết nắm bắt cơ hội. “Cá nhân em quan tâm đến lĩnh vực tài chính, nhất là mảng đầu tư. Do vậy, vấn đề kinh doanh khởi nghiệp với em có sức hút rất lớn” - chàng trai “dân bách khoa” này chia sẻ.
Nhóm bạn trẻ này thực hiện đề tài từ tháng 10.2010 đến tháng 8.2011, thông qua việc khảo sát hơn 600 SV tại TP.HCM. Trong đó, có trên 400 SV Trường ĐH Bách khoa và 200 SV ngành quản trị kinh doanh thuộc Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Hoa Sen.
Theo Nguyễn Như (Thanh Niên)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Những 'dị thú' từng xuất hiện ở Việt Nam, con vật cuối cùng ai nhìn cũng ám ảnh
CLIP: Sư tử đực nổi điên, lao tới cắn xé xe ô tô khiến du khách hoảng hồn
CLIP: Bị cầy mangut 'đánh úp' từ phía sau, rắn hổ mang chưa kịp phản ứng đã bị kẻ đi săn lôi đi xềnh xệch
CLIP: Trâu rừng dũng cảm húc tung sư tử để giải cứu đồng loại và cái kết ít ai đoán được
CLIP: Đi săn trâu rừng, sư tử bị con mồi hành cho nhừ tử
Việt Nam có một loại gỗ 'đắt hơn vàng', chỉ còn 8 cây ngoài tự nhiên