Đắng cay cha già cho hai con ăn cơm pha với thuốc ngủ
Câu chuyện của gia đình ông Đoàn Quang Nhiễm trú tại thôn Quàn, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương từ lâu đã được lan truyền trong cả một vùng bởi: “Trần đời, tôi chưa bao giờ thấy ai khổ như ông ấy bởi vợ bị điên khùng bỏ đi mấy chục năm rồi. Trong số các con của ông thì có đến 3 đứa điên dại có biết gì đâu, hàng ngày ông ấy phải chăm sóc, nuôi dưỡng đó mà bản thân ông thì đi viện liên miên, mổ sỏi thận, sỏi mật có khi phải đến 4,5 lần rồi đấy. Mấy hôm rồi ông ấy lại phải mổ, vậy mà qua ca mổ một cái là xin bệnh viện về để nấu cơm cho các con ông ấy ăn” – Lời ông Đoàn Quang Chén, trưởng thôn Quàn cho hay.
Đúng như những gì người dân trong thôn kể lại, chúng tôi có mặt tại gia đình ông khi ấy đã quá giờ trưa, nhưng ông vẫn chưa có hạt cơm nào vào bụng. Ngó vào hai cái buồng nơi con trai ông là anh Bùi Quang Luyến và con gái là chị Đoàn Thị Hiểu đang ở là hai bát cơm nóng hổi, thơm tho ông vừa xúc trong nồi ra. Những gương mặt ngờ nghệch, không biết gì, cả anh Luyến và chị Hiểu ngồi ăn ngon lành… Không hề biết bố của anh, chị đang lả đi vì đói.
Khẽ thắp một nén nhang lên bàn thờ người con gái mới mất hồi đầu năm, ông kể: “Đứa này là Đoàn Thị Phương nó cứ suốt ngày đi lang thang rồi người ta thấy nó chết đuối từ bao giờ ở sông Cậy gần đây chị ạ. Hàng ngày tôi cứ thắp hương cho nó, trò chuyện với nó đấy nhưng hồi còn sống nó có biết gì đâu, nó còn đánh chửi tôi nữa đấy, nhưng giờ nó bỏ tôi đi rồi”.
Vừa mới dứt câu ông đã bật khóc rồi lại kéo theo cả những cơn đau do mới trải qua lần mổ sỏi thận. 76 tuổi, cái tuổi đã ở ngưỡng gần đất xa trời, vậy mà nước mắt ông vẫn cứ giàn giụa, trào ra khiến tôi cũng nghẹn đắng, không thốt thành lời. Ông bảo: “Chả hiểu sao mà cuộc đời của ông lại buồn tủi đến vậy? Thương các con lắm mà chúng thì ngơ ngẩn chả biết gì”.
Hàng xóm, láng giềng của ông cũng cho biết, hàng ngày cả hai đứa con cứ chửi bới, đòi ăn khiến ông hôm nào cũng vừa nấu cơm, vừa khóc. Sức khỏe kém, từ lâu ông cũng không cấy gặt được gì nên hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền trợ cấp ít ỏi của nhà nước cho để đong gạo. Và giá như ông khỏe mạnh, có lẽ cái ăn đã không phải thiếu như lúc này, nhưng vì ông ốm đau, bệnh tật liên miên rồi còn phải mổ đi mổ lại nhiều lần nên nhiều bữa phải chấp nhận nhịn để nhường bát cơm cho con.
Sức khỏe kém, nhưng ông không nỡ nhìn các con bẩn thỉu nên cách vài ngày ông phải nghiền cả thuốc ngủ vào cơm cho hai đứa để chúng lăn ra ngủ, rồi lúc đó ông mới vào dọn dẹp chỗ ở cho cả hai. Mọi người trong làng ai cũng biết chuyện này, người ta thương và xót cho ông lắm nhưng cũng đành chịu thôi không giúp được.
“Có lần tôi vào thăm ông đúng lúc ông dọn dẹp chỗ ở cho chúng, mùi hôi thối nồng nặc bởi chúng ăn, ị tại chỗ luôn vậy mà ông vẫn cẩn thận, ân cần lắm. Qua song cửa, tôi thấy ông nhìn chúng khóc nấc lên, rồi lại vuốt lên khuôn mặt con mà khóc… Nhìn cảnh đấy, không ai cầm được nước mắt cô ạ” –Bà Hoa, một người hàng xóm của ông kể chuyện.
Cuộc sống của ba bố con cứ lặng lẽ trôi qua, ngày qua ngày… kéo theo bao nỗi nhọc nhằn, cơ cực của ông. Ông bảo: “Chết rồi chỉ lo các con không biết đi đâu về đâu”. Rồi ông lại khóc bởi mường tượng ra cảnh chúng đói khát. Lúc này nhìn ông tội lắm, các con của ông, chúng điên dại không bình thường vậy mà ông vẫn yêu, vẫn xót bởi chúng là máu mủ, ruột già của ông – Sự thật ấy không bao giờ thay đổi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo