Đau đầu vì lạm phát thấp nhất 10 năm
Nhiều dự báo cho thấy lạm phát của Việt Nam năm nay có thể thấp nhất trong 10 năm gần đây...
Đã từng nhiều năm, khi lạm phát của Việt Nam thường ở mức hai con số thì mức lạm phát khoảng 3% của nhiều nước trong khu vực luôn được đem ra so sánh, như một con số “lý tưởng” cần phải hướng đến.
Nhưng đến cuối năm nay, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam gần như chắc chắn sẽ dưới 3% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, thì điều đó lại đang gây ra nhiều bối rối.
Nhiều luồng ý kiến
Hai tháng trước, khi lạm phát của 2014 được nhìn nhận sẽ ở mức khoảng 5%, các tranh luận nhỏ cũng đã bắt đầu được châm ngòi, khi cơ quan chuyên môn của Quốc hội quan ngại lạm phát quá thấp sẽ tác động không tích cực đến cả hoạt động của doanh nghiệp, việc làm, tăng trưởng GDP và cả chính sách tài khóa.
Còn phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng mức này giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sau đó, lạm phát không còn là tâm điểm của các phiên thảo luận như nhiều kỳ trước. Báo cáo của các cơ quan điều hành có liên quan đều nhấn mạnh kiềm chế lạm phát như một thành tích nổi bật của 2014.
Tuy nhiên, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn kiên trì với kiến nghị “kiểm soát mức lạm phát hàng năm không quá thấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm”.
Không nhiều ý kiến đề cập đến kiến nghị này trong cả một ngày thảo luận về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế của Quốc hội. Nhưng cũng có một vài ý kiến thể hiện sự đồng tình cao.
Ba tuần sau đó, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng đề cập mức 3% của lạm phát năm 2014 và nhận định kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn.
Đến nay, nhiều dự báo cho thấy CPI 2014 có thể chỉ khoảng 2,5%, cũng là thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Vậy đây là thành tích hay khuyết điểm? Nguyên nhân chủ yếu là gì? Có nên điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu vào thời điểm này hay không?…
Và giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát chắc chắn sẽ không phải là bài toán dễ tìm đáp số.
Tổng hợp quan điểm của các cơ quan chuyên môn từ cả các cơ quan điều hành và cơ quan giám sát cũng như giới chuyên gia cho thấy, đang có nhiều quan điểm khác nhau.
Nhìn vào sự chênh lệch của kết quả CPI mới tăng trên 2% trong khi chủ trương của Chính phủ là kiềm chế lạm phát ở mức 5%, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự sụt giảm trong tổng cầu của nền kinh tế. Và đây không thể là một kết quả tích cực được mong đợi.
Quan điểm khác cho rằng lạm phát thấp không phải nguyên nhân chủ yếu do sức mua giảm vì tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội của tháng 11/2014 vẫn cao hơn cùng kỳ của hai năm trước. Như vậy, hoàn toàn có thể tính đến chuyện tăng giá để kích thích sản xuất.
Xây hành lang cho lạm phát?
Một vị chuyên gia độc lập đang là giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế ở khu vực tư nhân cho rằng, con số khoảng trên 2% của CPI 2014 cho thấy nhiều phân tích dự báo của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ là có vấn đề, hoặc số liệu thống kê có vấn đề.
Con số này còn cho thấy sự phản ứng chậm chạp của các cơ quan chức năng khi dấu hiệu này đã xuất hiện từ đầu quý 4/2014.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần thay đổi cách đặt mục tiêu lạm phát hàng năm, ban đầu là ngầm định, không tuyên bố, sau 1-2 năm tập dượt và chuẩn bị, sẽ công khai áp dụng từng bước khuôn khổ lạm phát mục tiêu trung hạn như cách mà nhiều nước trên thế giới đang làm.
Cụ thể, Chính phủ vẫn thực hiện mục tiêu lạm phát như hiện nay như là mức trần, nhưng sẽ tự quy định thêm mức tối thiểu nhằm tạo một hành lang an toàn, tin cậy và cho phép được sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để đạt tới nhiều mục tiêu vĩ mô khác nhau.
Theo ông, chẳng hạn như ở năm 2014, Chính phủ nên coi chỉ tiêu CPI 7% là mức lạm phát trần, mức sàn có thể được ấn định ở tầm 4%.
Với năm 2015 và 2-3 năm tiếp theo, Chính phủ sẽ ngầm định khung lạm phát mục tiêu là 5% cộng trừ khoảng 2% (Ngân hàng nhà nước tính toán cụ thể biên độ tùy từng giai đoạn, trình Chính phủ quyết định) và Ngân hàng nhà nước sẽ phải điều hành chính sách tiền tệ sao cho đạt được mục tiêu trung hạn ưu tiên số một này, có sự phối hợp của các bộ ngành liên quan.
Điều hành lạm phát, không thể là trách nhiệm của riêng bộ nào, nhưng trọng trách hiển nhiên thuộc về Ngân hàng nhà nước.
Một quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô vừa được các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước thống nhất ban hành, có hiệu lực từ 2/12/2014. Theo quy chế, Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát, ba bộ còn lại có trách nhiệm phối hợp.
Được biết, trong phiên họp đầu tiên của bốn cơ quan nói trên dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới, điều hành CPI sẽ là một trong các vấn đề lớn được bàn thảo.
Và quan điểm điều hành theo lạm phát mục tiêu, ổn định và luôn có thể dự tính được mới quan trọng, chứ không phải cứ thật thấp là tốt của một vị chuyên gia từng được phản ánh trên VnEconomy có lẽ vẫn còn giá trị thời sự.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Cột tin quảng cáo