Tin tức - Sự kiện

Đấu giá công khai vốn nhà nước tại Vinamilk, FPT...

(DNVN) - Liên quan đến quyết định thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp mà Nhà nước có vốn góp, trong đó có những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Vinamilk, FPT... Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, việc thoái vốn sẽ được thực hiện theo nguyên tắc đấu giá công khai.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, người đứng đầu Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã thay mặt Thủ tướng ký quyết định yêu cầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Vinamilk, FPT... 

Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo VnExpress liên quan đến việc thoái vốn tại các doanh nghiệp này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, chủ trương của Chính phủ trong sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã có từ lâu, trong đó có việc thoái vốn ở những doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực then chốt hay địa bàn trọng yếu, là những nơi mà doanh nghiệp tư nhân có thể làm được và làm tốt.

Đối chiếu với tiêu chí này thì các doanh nghiệp mà Chính phủ yêu cầu SCIC lên lộ trình và phương án thoái vốn mới đây đều thuộc danh mục không cần Nhà nước nắm giữ. Ngoài ra, thông qua thoái vốn, Chính phủ muốn đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp, để Nhà nước rút nguồn lực tập trung vào những nơi mà các thành phần khác không được làm hoặc không muốn làm.

Cũng theo Phó thủ tướng, về phương án thoái vốn đối với từng doanh nghiệp một thì phải chờ đến khi SCIC xây dựng xong rồi trình lại Chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm chung là phải đấu giá, kể cả doanh nghiệp đó đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán hay chưa.

Theo Phó thủ thướng, nếu đã niêm yết thì đấu và khớp lệnh theo quy chế giao dịch trên sàn. Nếu chưa niêm yết mà có nhiều hơn một nhà đầu tư tham gia mua thì đấu giá giữa các nhà đầu tư. Đấu lần một không được thì lần hai. Tất cả phải đấu giá theo thị trường để minh bạch công khai hết. Làm sao để Nhà nước thu được lợi nhiều nhất.

Đồng quan điểm với Phó thủ tướng, trả lời báo Chính Phủ, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội chi rằng, việc bán vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là chủ trương lớn được xác định từ trước. Trong quá trình đổi mới doanh nghiệp thì một số hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa có chậm trễ vì những nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng dù thế nào cũng phải đẩy mạnh việc bán, thoái vốn nhà nước ra khỏi những lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối, quản lý để hỗ trợ cho khối tư nhân có “đất” để phát triển.

 

Ông Thụ cũng lưu ý rằng: "Bán như thế nào, trong thời điểm nào thì phải cân nhắc. Bán phải phụ thuộc vào thị trường, nhất là thị trường chứng khoán có biến động bất thường và chưa phục hồi. Do đó, phải tính đến việc bán phần vốn này sao cho hợp lý, tối đa hóa lợi nhuận của Nhà nước”.

Ông Thụ cũng bày tỏ quan điểm việc bán hết cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp này phải được Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện công khai trên thị trường chứng khoán để cho giá trị tốt nhất.

HÒA HẬU (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo