Bán vốn Nhà nước tại Vinamilk, FPT... cần lộ trình dài hơi
Báo cáo phân tích vĩ mô của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ngày 16/10 cho biết, thông tin kinh tế vĩ mô nổi bật nhất trong tuần qua là chủ trương cho phép SCIC được chọn thời điểm thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước lớn, trong đó có các tên tuổi lớn trên sàn chứng khoán như: Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM), Công ty cổ phần viễn thông FPT (FPT) , Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI), Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR)…
Tiếp đó, Nghị định 91 cũng được ban hành với nội dung chính là không cho phép các doanh nghiệp có vốn Nhà nước được đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán kể từ ngày 01/12/2015 ngoại trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép hoặc doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là các lĩnh vực trên.
Theo đánh giá của BVSC, hai quyết sách trên cùng nằm trong một chủ trương chung là tái cơ cấu khu vực DNNN, hạn chế đầu tư ngoài ngành và giảm phần vốn Nhà nước nắm giữ tại các lĩnh vực không trọng yếu. Việc thu hẹp hoạt động của DNNN theo hướng “tinh” và “gọn” cũng sẽ giúp dần nâng cao sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp này nhằm từng bước chuẩn bị cho tiến trình hội nhập TPP sắp tới.
Ngoài ra, câu chuyện thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như VNM, BMP… cũng được đánh giá là sẽ giúp cảithiện nguồn thu cho ngân sách. Trong bối cảnh phát hành trái phiếu trong nước đang gặp nhiều khó khăn (9 tháng chưa hoàn thành 50% kế hoạch) thì bán vốn cổ phần cũng sẽ là một nguồn thu đáng kể (dự kiến chỉ riêng bán phần vốn tại VNM cũng sẽ giúp Nhà nước thu về trên 50.000 tỷ đồng).
BVSC cũng nhận định, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp như Vinamilk, FPT... sẽ cần một lộ trình dài hơi và theo từng bước một. "Việc bán vốn này sẽ cần một lộ trình dài hơi và theo từng bước một, thậm chí SCIC vẫn đang được quyền “chọn” thời điểm thích hợp để bán vốn. Do vậy, hiệu ứng tích cực lên các cổ phiếu như VNM, FPT, BMP chỉ mang tính nhất thời và ngắn hạn, khó kéo dài lâu", báo cáo của BVSC viết.
Về chủ trương thoái vốn và dừng đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề hoạt động chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước, BVSC cũng nhận định, điểm khó nhất hiện nay nằm ở phía cầu.
"Rất nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong thời gian qua rất muốn thoái vốn khỏi các ngân hàng, công ty bất động sản… nhưng hầu hết đều không thành công do không có người mua. Tiềm lực của nhà đầu tư trong nước tương đối hạn chế, không đủ sức để đầu tư vào các lĩnh vực cần nhiều vốn như ngân hàng trong khi nguồn cầu từ nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ nằm dưới dạng kỳ vọng và đang gặp nhiều khó khăn do vấn đề “room”. Do vậy, chúng tôi đánh giá tiến trình thoái vốn ngoài ngành của các DNNN sẽ chưa thể có đột phá ngay trong ngắn hạn", báo cáo của BVSC viết.
Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản số 1787/TTg-ĐMDN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc đồng ý chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ. Cụ thể, 10 doanh nghiệp trong danh sách cần thoái hết vốn gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 50,7%); Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (40,4%); Công ty cổ phần cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (46,6%); Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (37,1%); Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,6%); Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (38,4%); Công ty cổ phần sữa Việt Nam (45,1%); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (49,9%); Công ty cổ phần FPT (6,0%); Công ty cổ phần viễn thông FPT (50,2%). Việc thoái vốn đối với các doanh nghiệp này, Thủ tướng yêu cầu SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này nhằm đạt được lợi ích cao nhất. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo