Đầu tư cho con, cha mẹ tay trắng tuổi già
Con mình không tin thì tin ai?
Người Việt, cũng như những bậc cha mẹ khác trên khắp thế giới, luôn hết lòng chăm sóc, thương yêu con cái mình khi chúng còn nhỏ. Tuy nhiên vẫn có một điều khác, đó là ngay cả khi con cái đã khôn lớn, những ông bố, bà mẹ người Việt vẫn tiếp tục đau đáu lo lắng cho con, sẵn sàng hy sinh cho con hết thảy.
Khi con cái còn đi học, dù phải làm việc cực nhọc đến thế nào, dù phải đi mò cua bắt ốc hay thậm chí đi… ăn xin, cha mẹ vẫn cố gắng nuôi con ăn học bằng người. Lớn lên chút nữa, vẫn quan niệm “nước mắt chảy xuôi”, những người làm cha, làm mẹ lại tiếp tục dồn hết cho con.
Trước đây, khi kinh tế còn khó khăn, bố mẹ cố gắng cũng chỉ đủ nuôi con mà không còn gì giữ lại cho mình. Nhưng nay, với điều kiện kinh tế đã dư dả hơn, nhiều người vẫn tiếp tục giữ cách sống này vì họ hy vọng, sau này con cái thành đạt sẽ không bao giờ quên ơn cha mẹ.
Bà Phan Thị Mịch (Phú Xuyên, Hà Nội) năm nay đã gần hơn 70 tuổi. Mấy năm trước, khi Hà Tây sát nhập về Hà Nội, đất đai bỗng dưng tăng giá vùn vụt. Nghe lời mấy đứa con, bà bán chia cho mỗi đứa một phần, bán một phần đưa tiền cho con trai trưởng xây một căn nhà rất to, còn bản thân mình thì không giữ lại chút gì.
Bà bảo, chẳng sống được bao lâu nữa, không cho con thì cho ai. “Chẳng lẽ mình cho nó tất cả, nó lại quay lưng với mình à? Con mình mà còn không tin thì tin ai? ” - bà Mịch nói vậy và hoàn toàn yên tâm với sự quyết định của mình.
Ở nông thôn, những trường hợp như bà Mịch là rất lớn. Nhưng ở Thành phố cũng không phải không có.
Thỉnh thoảng, ở chợ Ngọc Khánh (Hà Nội), người ta vẫn bắt gặp một cụ bà khoảng gần 80 tuổi, bé nhỏ còm cõi đi bán tăm dạo. Trông bà rất ốm yếu mà vẫn phải run rẩy chống gậy đi bán hàng, mọi người quan tâm hỏi thăm thì bà cho biết, nhà bà ở ngay Cầu Giấy.
Chồng chết sớm, bà tần tảo nuôi đứa con trai duy nhất. Khi con trai bà lấy vợ, bà đã sang tên toàn bộ nhà cửa cho anh để anh chủ động làm ăn mà không hề lo lắng đến việc bản thân mình khi về già thì sẽ sống như thế nào. “Mình có mỗi một đứa con, nếu bo bo giữ cho mình thì con nó sẽ tủi thân.
Nó lại là đứa có hiếu, thương mẹ lắm. Tôi bảo nó, tất cả những gì của mẹ cũng là của con. Nhiều người từng bảo, nhỡ nó bất hiếu thì sao? Nhưng tôi nghĩ, nếu chẳng may nó bất hiếu, thì mình giữ nhà cũng chẳng để làm gì. Còn bất hiếu thì còn thiết sống làm gì nữa?”
Rủi ro
Với những gì mà cha mẹ đã hi sinh, vun đắp cho mình, đa phần người Việt là những người có hiếu với cha mẹ, quan tâm chăm sóc cha mẹ khi tuổi xế chiều. Tuy nhiên, việc hoàn toàn trông cậy vào lòng hiếu thảo của con cái khi về già cũng có nhiều rủi ro, mà thực tế những trường hợp bố mẹ già bị con cái bất hiếu đẩy ra đường đã được báo chí đăng tải cũng đã xảy ra.
Đó cũng chỉ là những vụ việc lớn mà báo chí đưa tin, còn trên thực tế, có rất nhiều vụ việc mà bố mẹ già đã phải ngậm đắng nuốt cay vì bị con cái “lừa”, hoặc đơn giản chỉ là những bất trắc mà không ai lường trước được.
Nhiều người ở nông thôn, khi đất đai bỗng nhiên tăng giá, chỉ cần chia chác không đều cũng có thể dẫn đến chuyện tị nạnh, anh em từ mặt nhau. Hơn thế, họ còn quay sang trách móc bố mẹ, đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.
Như trường hợp bà Mịch kể trên, từ ngày anh con trai trưởng xây nhà bằng tiền của bố mẹ, những người con khác quên hẳn trách nhiệm với mẹ. Chưa hết, năm ngoái, anh này do cần tiền kinh doanh cây cảnh nên đã đặt cả sổ đỏ lấy tiền. Thời gian đầu, cây cảnh đắt hàng, anh kiếm tiền rất dễ.
Không ngờ kinh tế bất ngờ suy thoái, bất động sản đóng băng, nhiều cây cảnh anh bỏ vốn mua đến vài trăm triệu giờ nằm im, bán rẻ cũng không có người mua. Ngân hàng mới đây đang giục xiết nợ căn nhà, bà có nguy cơ bị ra đường trong khi những người con khác chì chiết: Bà “đầu tư” vào con trai trưởng, giờ “lỗ” thì ráng chịu!
Bà Mịch nghĩ đau lòng, biết thế làm giống bà hàng xóm, chia cho các con mấy phần, còn giữ lại ngôi nhà tổ tiên và một phần tiền bán đất để dưỡng già. Vốn là nông dân, không có cả lương hưu nên cuộc sống của bà Mịch rất khó khăn.
Lại nói về bà cụ bán tăm dạo, anh con trai hiếu thảo của bà cách đây vài năm bỗng bị bệnh qua đời. Con dâu trở mặt đối xử với mẹ chồng tệ bạc. Đau lòng quá, bà bỏ nhà đi lang thang, ngày bán tăm dạo, tối ở nhà trọ vật vạ rất tội nghiệp.
Một ví dụ điển hình nhất mới đây, đó là trường hợp về cặp vợ chồng già ở Quốc Oai, đã chia đất cát không đều cho các con và cũng không giữ lại gì cho riêng mình. Đến khi “cơm không lành, canh không ngọt”, có xích mích với con cái thì ông bà đã trắng tay phải đi ở nhờ đình chùa.
Nguyên nhân sâu xa của sự việc thì có lẽ chỉ có người trong cuộc mới biết rõ, nhưng có một điều là, nếu hai cụ ngay từ đầu giữ lại phần nhà cửa đất đai cho bản thân mình, không để phụ thuộc vào con cái thì mọi chuyện đã không ra nông nỗi này.
Nhân sự việc, một độc giả viết: Cá chuối đắm đuối vì con, chứng kiến nhiều sự vụ quyết định đẻ ít thôi, trước cứ thích đẻ nhiều, mình thì như osin của con, 3 tuổi cái gì cũng mẹ. Chưa gì, đẻ con xong có ít tiền đã tót ngay đi mua đất để dành cho con, cha mẹ nào chả vây mà. Giờ có lẽ phải tính về già, vẫn có kinh tế, ốm đau ko phải nhờ vả con cái, rồi dư dả tý thì kiếm cái trại dưỡng lão 5 sao mà vào ở, không phải ở với đứa nào hết.
Trong khi đó, một người khác viết: Đẻ ít thôi, nhưng nuôi có chất lượng vào. Và cuối đời kiếm chỗ cho chúng nó ra ở riêng, còn mình vẫn phải có nhà của mình để ở, vẫn phải để dành một khoản để chi tiêu lúc về già.
Con cái là cái nợ đồng lần, mình nuôi được đứa con có hiếu là mình được trả nợ, còn vớ phải đứa bất hiếu thì coi như mình trả nợ cho nó. Đừng hy vọng quá nhiều rằng con cái sẽ là chỗ dựa lúc mình về già. Nó lớn lên rồi cũng có gia đình riêng, rồi cũng lại vất vả với cơm áo gạo tiền.
Những kết luận này, nghe có vẻ chua xót nhưng cũng là một thực tế đáng để suy ngẫm.
Theo VnMedia
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bức ảnh dòng họ 'khủng khiếp' nhất Việt Nam gây sốt MXH, nhìn kĩ mới thấy 1 điểm bất thường
Bí mật bên trong ngôi làng sống trường thọ nhất thế giới, người dân uống 1 thứ này để trường sinh
Nhặt được 500 nghìn liền đi mua vé số, người đàn ông sung sướng khi trúng giải độc đắc 25 tỷ đồng
Bí ẩn về ‘xác ướp người ngoài hành tinh’ của Peru ngày càng rõ ràng, phân tích DNA không phải con người
Rùng mình ‘lời nguyền’ của dòng họ vĩ đại nhất nước Mỹ: Ám ảnh bi kịch tang tóc đeo bám 7 thập kỉ
Bí ẩn căn bệnh ‘lời nguyền’ khiến dòng họ 200 năm ‘chết bất đắc kì tử’, ngày nay vẫn còn người mắc