Thị trường

Đầu tư cho con người, khoa học công nghệ ở mức thấp

Đầu tư ngân sách vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ chiếm tỷ trọng khá thấp, trong khi đây là những ngành then chốt góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, có chất lượng.

Hội thảo “Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trường” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, một trong những vấn đề đặt ra là đầu tư công của Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới, tuy nhiên các ngành có thế mạnh đầu tư cho con người và khoa học công nghệ lại chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số vốn đầu tư.

Tỷ trọng đầu tư công vào giáo dục, y tế chỉ chiếm tương đương dưới 12%, nông nghiệp chiếm dưới 9% trong khi vận tải, kho bãi và điện nước chiếm trên 22% cả giai đoạn 1995 – 2013. Riêng năm 2013, ngành y tế chiếm 2,8% và giáo dục 5,7%; nông lâm ngư chiếm 6,1%; thấp nhất là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chỉ chiếm 2,2%.

Có thể thấy rằng, yếu tố con người bao gồm giáo dục đào tạo, y tế và khoa học công nghệ, nông nghiệp là các ngành quan trọng, có thế mạnh cho sự phát triển đất nước nhưng lại chiếm tỷ trọng thấp nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đất nước ta có nhiều lợi thế sản xuất nông sản nhưng đầu tư công cho lĩnh vực này rất hạn chế về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Do đó, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp nên thường xuyên chịu nhiều rủi ro từ thời tiết và biến động thị trường cũng như chưa nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Theo Ths. Phó Thị Kim Chi – Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông Tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô đầu tư công tăng mạnh, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế chiếm tỷ trọng sử dụng vốn ngân sách cao đó là các ngành có khả năng thu hút từ khu vực khác như vận tải, kho bãi và điện nước, mặc dù đầu tư còn dàn trải. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư công vào ngành xã hội như giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ hay như ngành nông lâm thủy sản còn ở mức khá thấp và đang có xu hướng giảm, hiệu quả đóng góp tăng trưởng còn hạn chế.

TS.Phạm An – Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét về đầu tư kinh tế nhà nước theo ngành kinh tế, một số ngành, lĩnh vực quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất như công nghiệp chế biến, chế tạo và vận tải, kho bãi. TS. Phạm An nhấn mạnh vào đầu tư công cho khoa học – công nghệ có vai trò xuyên suốt cho phát triển nền kinh tế đất nước. Năm 2013, đầu tư cho hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ nước ta chỉ chiếm 2,2% trong khi đó đầu tư cho nghệ thuật, vui chơi, giải trí cũng ở mức tương đương 2%.

Đánh giá về tình hình đầu tư công ở Việt Nam hiện nay, TS. Lê Hải Mơ - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, so với thế giới đầu tư công Việt Nam ở mức cao, nguyên nhân làm gia tăng đầu tư công là do hầu như tất cả các dự án đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh làm tăng quy mô lớn hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến và thiếu khuôn khổ chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát xử lý các vấn đề phát sinh trong đầu tư.

“Cần điều chỉnh mạnh mẽ chiến sách đầu tư theo các ngành và vùng cho có hiệu quả, thích ứng với giai đoạn phát triển mới của đất nước” GS.TS Nguyễn Quang Thái – Thư ký Hiệp hội Kinh tế Việt Nam nói.

Một trong những giải pháp mà TS. Phạm An đưa ra để tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng là thay đổi tỷ trọng của đầu tư công vào từng lĩnh vực, cung cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ công chất lượng, tăng đầu tư vào giáo dục đào tạo, y tế. Quan trọng nhất là tập trung đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.

Hiền Trần
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo