Đầu tư

Đà Nẵng dừng chủ trương xây dựng chợ Cồn thành Trung tâm thương mại

DNVN - UBND TP Đà Nẵng vùa có báo cáo số 3154/UBND-TH gửi Thường trực HĐND TP cho biết, có sự thay đổi chủ trương về phương án đầu tư, quản lý, khai thác chợ Cồn - chợ trung tâm lớn nhất TP Đà Nẵng (thuộc địa bàn phường Hải Châu 2, quận Hải Châu).

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ người lao động trong các KCN từ 24/5

Mô hình “Trung tâm thương mại chợ Cồn” không phù hợp quy định pháp luật hiện hành

Theo đó, căn cứ chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, từ tháng 9/2012 đến tháng 6/2020, Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức và hoàn thành thi tuyển phương án quy hoạch - thiết kế kiến trúc chợ Cồn để làm cơ sở xây dựng dự án “Trung tâm thương mại chợ Cồn”.

Tháng 6/2020, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức trao giải cuộc thi tuyển phương án quy hoạch - thiết kế kiến trúc Trung tâm thương mại chợ Cồn

Tháng 6/2020, UBND TP Đà Nẵng đã trao giải cuộc thi tuyển phương án quy hoạch - thiết kế kiến trúc Trung tâm thương mại chợ Cồn.

Tuy nhiên, căn cứ Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác công tư (PPP); Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết 973/2020/UBTVQH ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc đầu tư dự án Trung tâm thương mại chợ Cồn theo hình thức PPP hoặc đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công là không phù hợp với các quy định hiện hành.

Do đó, trên cơ sở Quyết định 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Công Thương Đà Nẵng đã có báo cáo, đề xuất với UBND TP chủ trương đầu tư, xây dựng chợ Cồn theo mô hình chợ truyền thống, văn minh, hiện đại.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, Sở Công Thương Đà Nẵng đã chủ trì, lấy ý kiến của các ngành, đơn vị liên quan, tổng hợp báo cáo UBND TP Đà Nẵng. Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương giao Sở Công Thương lựa chọn đơn vị tư vấn lập phương án đầu tư, quản lý và khai thác chợ Cồn theo hướng duy trì chợ truyền thống, văn minh, hiện đại.

Tại báo cáo số 3145/UBND-TH ngày 24/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện Sở Công Thương Đà Nẵng đang xây dựng dự toán, đề cương nhiệm vụ lập phương án đầu tư, quản lý và khai thác chợ Cồn để gửi lấy ý kiến các ngành, đơn vị liên quan.

Không đảm bảo khả năng khai thác hiệu quả quy mô công trình 900 tỷ đồng

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam ngày 2/6, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho hay, theo kết quả cuộc thi tuyển phương án kiến trúc chợ Cồn được UBND TP Đà Nẵng trao giải hồi tháng 6/2020 thì phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn sẽ theo mô hình Trung tâm thương mại gắn với chợ truyền thống. Cụ thể là cải tạo nhà chợ cũ 3 tầng nổi và xây dựng khối nhà chợ mới 8 tầng nổi, 2 tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng gần 70.000m2.

Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ với quy mô vốn đầu tư dự kiến 900 tỷ đồng. Tại thời điểm thi tuyển và công bố kết quả, mô hình đầu tư này phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Theo bà Lê Thị Kim Phương, với kinh phí dự kiến lên đến 900 tỷ đồng thì phương án đầu tư xây dựng Chợ Cồn theo mô hình Trung tâm thương mại kết hợp giữa chợ truyền thống ở dưới và trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, văn phòng cho thuê ở trên là công trình có vốn đầu tư và quy mô xây dựng rất lớn; trong khi số lượng hộ kinh doanh tại chợ Cồn hiện nay là 2.011 hộ (gồm 1.711 hộ cố định, 300 hộ không cố định) với diện tích mặt bằng sử dụng để kinh doanh hiện nay là 5.334,3m².

Nhưng đến nay thì phương án xây dựng chợ Cồn thành trung tâm thương mại đã thay đổi

Nhưng đến nay thì phương án xây dựng chợ Cồn thành trung tâm thương mại đã thay đổi.

Căn cứ quy định tại Quyết định số 13/2006/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 361:2006, đối với “Chợ Tiêu chuẩn thiết kế”, diện tích tiêu chuẩn cho mỗi lô, sạp kinh doanh tối thiểu là 3,0m², quy ra diện tích mặt bằng kinh doanh cho số lượng 2.011 hộ kinh doanh tại chợ Cồn tối thiểu là 6.033 m².

“Vì vậy, với quy mô xây dựng 70.000m² thì phương án này không đảm bảo khả năng khai thác hiệu quả quy mô của công trình sau khi xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động. Ngoài ra, thực tế cho thấy các loại hình dịch vụ cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, văn phòng cho thuê hoạt động ở các tầng phía trên chợ truyền thống rất khó khai thác, kinh doanh kém hiệu quả!” – bà Lê Thị Kim Phương nói.

Đa số hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Cồn không đồng tình

Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương Đà Nẵng về phương án đầu tư, xây dựng chợ Cồn (1.250 phiếu khảo sát) thì chỉ có 3.81% tiểu thương kinh doanh tại chợ được khảo sát muốn xây dựng lại chợ theo mô hình kết hợp chợ truyền thống với trung tâm thương mại; 0.44% tiểu thương muốn xây dựng Trung tâm thương mại; chỉ có tỉ lệ rất nhỏ 0.06% tiểu thương kinh doanh tại chợ được khảo sát ủng hộ phương án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết thêm, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 thì các dự án hạ tầng thương mại không thuộc danh mục đầu tư theo hình thức PPP. Như vậy, dự án đầu tư xây dựng chợ Cồn không nằm trong danh mục đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đồng thời, căn cứ Quyết định 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 thì dự án chợ Cồn không nằm trong danh mục được phân bổ vốn đầu tư công.

Cùng với đó, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án sử dụng đất cũng sẽ không khả thi do phải thực hiện giải phóng mặt bằng để có đất sạch mới tổ chức đấu giá được hoặc giá khởi điểm sẽ rất cao (vì nằm ở trung tâm TP), dẫn đến chi phí thuê mặt bằng cao.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến hơn 2.000 hộ tiểu thương hiện đang kinh doanh tại chợ Cồn. Các hộ tiểu thương sẽ không có khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng, không có mặt bằng để buôn bán, mưu sinh. Đây cũng là những lý do để Sở Công Thương Đà Nẵng đề xuất phương án xây dựng chợ Cồn theo mô hình Chợ truyền thống văn minh hiện đại!” – Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương nói.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm