Đẩy mạnh công tác truyền thông trong quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp
Với chức năng thông tin nhằm nâng cao dân trí, nâng cao trình độ cũng như quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ); báo chí có trách nhiệm to lớn trong việc cung cấp tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tác động của biến đổi khí hậu, tác động của các hiệp định thương mại tự do để NLĐ tự trang bị bản lĩnh trong tình hình mới.
Đặc biệt, báo chí cần không ngừng thông tin về giá cả, thị trường trong nước, khu vực và thế giới đối với từng sản phẩm, từng lĩnh vực, từng ngành. Trong đó có lĩnh vực việc làm, quản lý lao động và thực hiện BHTN.
Theo TS Nguyễn Công Dũng (Phó TBT thường trực Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam), sự phát triển của báo điện tử và các trang mạng xã hội đã có tính tương tác với công chúng, thông tin đa chiều, nhiều chiều với bạn đọc, kịp thời, chính xác. Các báo điện tử cũng đã góp phần đẩy mạnh thông tin về giới thiệu việc làm, quản lý NLĐ, bảo hiểm BHTN… từ đó giúp thông tin hữu ích cho NLĐ cũng như các nhà quản lý ở các cấp kịp thời điều chỉnh chế độ, chính sách để tạo công ăn việc làm cho NLĐ tốt hơn cũng như việc quản lý lao động và BHTN được kịp thời, chích xác.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là các lực lượng lao động ở cùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo rất khó tiếp cận những thông tin này. Nguyên nhân là do thiếu thốn về cơ sở vật chất. Mặc dù, các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương có quan tâm nhưng “lực bất tòng tâm” dẫn đến các lực lượng lao động này vẫn chưa có nhiều việc làm khiến cho công tác quản lý lao động và BHTN khó được thực thi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy có nhu cầu cao về tuyển dụng lao động nhưng họ chưa chú ý liên hệ chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề của địa phương và khu vực nên dẫn đến chưa thu hút và chưa tạo được nguồn lực lao động cho chính mình. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự bám sát trên các mạng báo điện tử để kịp thời cập nhật thông tin hoặc đăng các thông tin tuyển dụng…
Giải quyết việc làm cho NLĐ luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy tối đa nội lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Để kịp thời khắc phục tình trạng trên; các cơ quan báo điện tử, các cơ quan thuộc bộ, ban, ngành, các cơ sở đào tạo nghề, các hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương cần phối hợp đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, quản lý lao động và thực hiện BHTN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo