Khám phá

Dạy thêm, cấm thì mặc cấm

Năm học này, Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu quyết tâm dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm - học thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên,trên thực tế tình trạng này không có gì thay đổi.

Vừa khai giảng đã nhận thông báo học thêm


Giờ tan học ở cổng Trường tiểu học Kim Liên (Quận Đống Đa, Hà Nội), một trong những điểm nóng nhất của thành phố mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, không khí tan học có vẻ hơi… bất thường. Từng nhóm học sinh, ít thì hơn chục cháu, nhiều thì vài chục cháu rồng rắn nhau theo chân cô giáo hoặc một phụ huynh nào đó để đến một nhà dân ở gần trường học thêm.



Những căn phòng tập thể chật hẹp của người dân ở quanh khu vực trường đóng là nơi “trú ngụ” của những lớp học thêm dạng này. Lớp học được bắt đầu ngay sau giờ tan trường chỉ vài chục phút, đủ thời gian để học sinh di chuyển hoặc ăn vội một chút gì đó.



Một bà mẹ có con mới vào lớp 1 cho biết: “Một tuần cháu học 2 buổi chiều ở ngay gần trường. Thương con, tôi vẫn cố gắng đến cổng trường cho cháu ăn cái bánh giò hoặc cái xúc xích… để cháu có sức học tiếp. Lớp 1 mà học hành vất vả quá”.

 

Còn một phụ huynh có con học lớp 2 chìa cho phóng viên xem tờ thông báo dạy thêm của cô và nói: “Ngày 5/9 mới chân ướt chân ráo đến trường khai giảng năm học mới thì phụ huynh đã nhận được “trát” của cô: “Sáng thứ bảy (8/9), cô bắt đầu dạy thêm từ 8 giờ 15 đến 11 giờ 15. Phụ huynh  nào có nhu cầu cho con đi học (không bắt buộc) thì mai cho đến địa chỉ…; Đề nghị đi đúng giờ, khi đi mang theo một vở, SGK tiếng Việt”.

     

Không dạy thêm bất cứ hình thức nào



Tuyệt đối không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý (Theo Quy định dạy thêm học thêm của Bộ Giáo dục - Đào tạo)



Vị phụ huynh này bức xúc: “Tôi còn chưa kịp hiểu năm nay con học thế nào. Nếu coi dạy thêm là cách để củng cố kiến thức cho học sinh yếu kém thì cô cũng phải dạy một thời gian mới có thể phân loại học sinh. Đằng này, chưa biết năng lực tiếp thu của con ra sao, cô đã tổ chức dạy thêm rồi”.

 

Trong thông báo, cô giáo của Trường tiểu học Kim Liên có “mở ngoặc” là học thêm “không bắt buộc”, nhưng vị phụ huynh cho biết: “Khi chính cô đã đứng ra mở lớp thì các cháu không muốn cũng phải cố mà theo học”.



Vắt kiệt sức học trò



Cũng ngay tại trường này, một học sinh lớp 4 vẻ mặt phờ phạc vanh vách đọc lịch học dày đặc: “Một tuần 2 buổi chiều con học tới 6 giờ ở lớp học thêm của cô chủ nhiệm; thứ bảy con học một cô giáo mà bố mẹ con bảo là dạy giỏi nhất của trường; chủ nhật con học ở trung tâm luyện thi vào trường chuyên…”.

 

Hỏi ra mới biết, bố mẹ học sinh này chỉ muốn tìm cô giỏi thực sự để con luyện thi lên cấp 2 ở một trường chuyên nhưng vì cô giáo chủ nhiệm tổ chức nên không thể không đi học, mặc dù cô thì vẫn nói là “không bắt buộc”.


Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, không riêng Trường tiểu học Kim Liên, một loạt trường tiểu học ở Hà Nội, dù nội thành hay ngoại thành, phụ huynh và học sinh cũng rất khó thoát được cảnh bị ép phải học thêm “tự nguyện”.



Nhiều năm nay, phụ huynh của Trường tiểu học Ngọc Lâm (Quận Long Biên) vẫn ấm ức với nạn dạy thêm của giáo viên trường này. Từ lớp 1 cô giáo đã đề nghị phụ huynh phải cho con đi học thêm vì chương trình nặng, vì ở lớp không thể dạy kỹ… Thế là hầu như giáo viên lớp nào cũng đua nhau dạy thêm dù không phải dưới danh nghĩa nhà trường tổ chức.

 

Phụ huynh ở đây cho biết, thường là học thêm vào 2 buổi cuối ngày, học phí dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/buổi.



Tương tự, tại Trường tiểu học Trung Giã, huyện Sóc Sơn, cha mẹ học sinh cũng được phát đơn tự nguyện với nội dung đồng ý cho con học thêm vào sáng thứ bảy tại trường. Thậm chí, cô giáo còn nhiệt tình động viên phụ huynh nào có điều kiện thì đóng luôn tiền học thêm cho cả 9 tháng. Học thêm ở trường chưa đủ, nhiều học sinh mới chập chững vào lớp 1 còn tiếp tục học thêm sau giờ học theo lớp của cô giáo tổ chức.



Với những người dân ở ngoại thành như Long Biên, Sóc Sơn..., việc học thêm như vậy không những khiến phụ huynh lo lắng vì con phải học quá vất vả mà còn thêm gánh nặng về khoản kinh phí không nhỏ so với thu nhập của đa số người dân ở đây.



Khó từ chối khi giáo viên chủ nhiệm mở lớp



Một phụ huynh học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) phản ánh: “Trước đây khi con em mình về nói lại việc cô gợi ý học thêm, chúng tôi còn bán tín bán nghi nhưng qua buổi họp phụ huynh ngày 9/9 chúng tôi thực sự bị sốc. Tại buổi họp cô công khai cho biết hiện đang mở lớp dạy thêm tại nhà, nếu phụ huynh nào có nhu cầu thì cho con em tới học ngoài giờ”.



Cũng trong buổi họp phụ huynh của một trường tiểu học tại Quận 1, giáo viên chủ nhiệm thông tin cho phụ huynh số điện thoại của một số giáo viên bộ môn tiếng Anh, tin học để nếu có nhu cầu cho con em học thêm thì liên hệ trực tiếp.



Theo phản ánh của phụ huynh học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (Quận 12), một nhóm GV của trường này thuê mặt bằng tại đường Thới An tổ chức dạy thêm từ lớp 1 đến lớp 5. Học sinh ở các lớp do nhóm giáo viên này chủ nhiệm đều được thông báo địa chỉ cụ thể để đến theo học.



Trong vai người tìm chỗ cho con học thêm lớp 1, chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Hồ Thị Kỷ, Quận 10 sau giờ tan trường để mong nhờ phụ huynh giới thiệu chỗ dạy. Nghe chúng tôi hỏi, nhiều phụ huynh thắc mắc: “Sao không cho con học ngay giáo viên chủ nhiệm?”.

 

Theo một phụ huynh, con ông theo học GV chủ nhiệm tại một con hẻm trên đường 3 Tháng 2 (gần Trường Hồ Thị Kỷ). Một phụ huynh có con đang học lớp 4 tại Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (Quận 5) cũng thừa nhận, sau giờ tan trường, chỉ cho con ăn vội vã, rồi đưa con đi học thêm từ 17 giờ 30 đến 19 giờ tại nhà cô trên đường Nguyễn Kim (cách trường chưa đến 1 km) với học phí hằng tháng là 300.000 đồng.
 

 

 

Theo Thanh niên

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo