Khám phá

Dạy thêm, học thêm có phải là... tệ nạn ?

Đá quả bóng trách nhiệm sang các địa phương về việc quản lí dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gây nên những tranh cãi gay gắt trong dư luận.

Dự thảo quy chế mới về dạy thêm, học thêm (DTHT) ngay sau khi được đưa ra "trưng cầu dân ý" đã lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây vốn là một vấn đề nóng bỏng đối với hầu hết các gia đình có con ở tuổi đến trường.

Sẽ gặp khó về mặt cơ chế

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm

Trao đổi với Người đưa tin, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPTDL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: "Giao nhiệm vụ quản lý hoạt động DTHT cho từng địa phương quản lý là một cải tiến đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, dự thảo này sẽ gặp khó về mặt cơ chế.  Việc yêu cầu các ngành, các địa phương giúp Bộ GD -ĐT thực hiện quản lý DTHT sẽ căn cứ vào đâu?. Địa phương đó có chịu làm hay không, ai sẽ có đủ năng lực để quản lý hoạt động liên quan đến tri thức này cũng là một vấn đề phải đặt ra. Ngoài ra, dự thảo còn tồn tại một số kẽ hở khiến học sinh rơi vào tình trạng "tự nguyện" trên tinh thần "bắt ép". Bộ cấm DTHT cho học sinh tiểu học song lại chấp nhận cho quản lý học sinh ngoài giờ, phụ đạo học sinh có học lực yếu. Nếu các trường lợi dụng vào đó để tổ chức DTHT thì rất khó quản lý".

Theo quy định hiện hành, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm kiểm tra hoạt động DTHT trong và ngoài nhà trường của giáo viên (GV) do mình quản lý. Nhưng trong thời gian qua, đây dường như là "nhiệm vụ bất khả thi", nhất là đối với hoạt động DTHT ngoài nhà trường.

Lý do bởi mỗi trường, dù là nhỏ cũng có dăm bảy chục GV, trường lớn có cả hơn trăm người, hiệu trưởng dù nghiêm khắc, năng nổ đến mấy cũng khó "vươn tay" tới mọi nơi.

Với dự thảo mới, quyền quản lý việc dạy thêm của GV đã được chuyển giao cho địa phương và được kỳ vọng là một giải pháp hữu hiệu, hợp lý. Tuy nhiên, dự thảo mới lại vấp phải không ít ý kiến phản đối.

Rất nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc chuyển giao quản lí cho các địa phương là quá mơ hồ và thiếu tính khả thi. Người khác thì "đổ lỗi" do đồng lương của giáo viên quá bèo bọt khiến họ phải tăng thu nhập bằng DTHT.

Quy định "tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin công cộng" cũng vấp phải sự phản ứng của các giáo viên.

Số đông cho rằng: "Việc này đẻ ra quá nhiều thủ tục nhiêu khê. Nghe thì rất chi tiết nhưng lại không khả thi và kiểm soát được khi người ta tìm cách đối phó.

Không chỉ người trong cuộc mà nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng trước dự thảo mới về DTHT. Câu chuyện đau lòng về nữ sinh lớp 12 (Thái Bình) tự tử tại trường (mà một phần lí do được cho là không tham gia lớp học thêm của giáo viên nên bị "trù”) vẫn còn khiến nhiều người xót xa, lo sợ.

Theo dự thảo quy định mới, các địa phương sẽ toàn quyền quản lí về dạy thêm của giáo viên.

Học thêm giúp mang lại kiến thức hay vô tình biến học sinh thành gà công nghiệp?. Giữa lúc vấn đề HTDT đang tồn tại quá nhiều bất cập, dư luận hi vọng quy chế mới sẽ mang lại những giải pháp tích cực. Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi và chưa có hồi kết.

Không cấm mà chỉ ngăn chặn tiêu cực

Ông Vũ Đình Chuẩn.

Ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD -ĐT, khẳng định: "Ở đâu chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý giáo dục, hoạt động DTHT nơi đó sẽ phát huy tốt và được xã hội ủng hộ. Nơi nào, quản lý chỉ dừng lại trên văn bản thì DTHT dễ dàng bị biến tướng. Bản chất của việc DTHT là tốt nếu xuất phát từ nhu cầu thật sự. Quy định trước đây và dự thảo lần này không nhằm mục đích cấm DTHT mà nhằm đề phòng, ngăn chặn các tiêu cực có thể xuất hiện trong đó".

Kiếm tiền bằng dạy thêm học thêm không nhếch nhác

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho rằng: "Xã hội đang phải sống chung với DTHT nhưng không ai có thể tham mưu cho Bộ GD -ĐT làm cách nào tốt nhất để giải quyết tình trạng này. Bộ ban hành thì cứ ban hành, còn khi thực hiện có tiêu cực hay không còn tùy thuộc vào từng hiệu trưởng, từng giáo viên. Quy định DTHT ban hành có thể trấn an được dư luận nhưng không giải quyết được  gì trên thực tế. Các cơ quan chức năng dẹp được chỗ này, học sinh lại tìm đến chỗ khác. Theo tôi, giáo viên kiếm tiền bằng DTHT, xét cho cùng vẫn là trong sạch, không nhếch nhác như khi phải bon chen kiếm sống bằng những việc khác".

Có "thiếu"... mới phải "thêm"

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: "Người Việt Nam ham học là điều đáng mừng, nhưng bệnh trọng bằng cấp đã làm nhu cầu học thêm càng mãnh liệt. Điều này làm nảy sinh nhiều biến tướng. Tâm lý chạy theo số đông lây lan đến độ không thể dừng lại. Trong khi đó, chương trình, nội dung học còn nặng nề dù đã được hô hào giảm tải. Do không quản lý được, nhiều nơi dùng cách cấm DTHT. Nơi cho thì cũng đưa ra thủ tục này, thủ tục kia để ràng buộc nhưng rốt cuộc không đủ người để kiểm tra. Không thể cấm DTHT mà phải làm cho nó không tràn lan.

Thiếu nên mới phải thêm, cho nên đừng để thiếu. Đây chính là nguyên tắc giải quyết vấn đề này. Học trên lớp, trong trường đã đủ thì bớt học thêm. Muốn dạy đủ, dạy tốt thì đừng đưa nội dung quá nhiều vào chương trình giảng dạy. Học gì thì kiểm tra, thi cái đó, theo đúng nội dung và cách đã dạy".

Còn quá mơ hồ

Giáo sư Văn Như Cương

Giáo sư Văn Như Cương chia sẻ: "Không bao giờ có thể cấm DTHT. Đó là nhu cầu chính đáng của học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, đưa ra giải pháp giao cho địa phương quản lí theo tôi còn quá mơ hồ. Liệu các cơ quan chức năng địa phương có am hiểu sâu sắc về giáo dục, có đủ sự tận tâm để quản lí. Trước đây, hiệu trưởng và các giáo viên tiếp xúc với nhau mỗi ngày, hiểu rõ công việc của nhau, việc quản lí họ còn khó, nói gì đến các địa phương. Dự thảo này còn phức tạp ở chỗ, nếu không có sự can thiệp của nhà trường, giáo viên sẽ tự do hơn trong việc mở các lớp dạy thêm. Việc học thêm của học sinh cũng nằm ngoài tầm kiểm soát. Lúc đó cơ quan chức năng địa phương sẽ bất lực. Thay vì việc tìm cách hạn chế DTHT bằng giải pháp hành chính thì cần điều tra nguyên nhân và từng bước giải quyết. Nếu chỉ "chặt ngọn" thì chuyện dạy thêm sẽ giống như "bắt cóc bỏ đĩa".

Nói là tệ nạn là oan cho nhiều thầy cô

Ông Nguyễn Thành Kỳ

Ông Nguyễn Thành Kỳ (nguyên trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD -ĐT Hà Nội) nhận định: "Có một bộ phận giáo viên vì mục đích thu nhập đã dạy thêm bằng mọi cách, gây sức ép, có thái độ không đúng mực với học sinh không học thêm mình. Thậm chí, có giáo viên còn tổ chức dạy trước chương trình, cho học sinh làm trước bài kiểm tra ở lớp học thêm để thu hút học sinh đăng ký. Điều này thật đáng trách. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những giáo viên có năng lực, yêu nghề, dạy thêm để kiếm sống lương thiện. Đồng thời, cũng là để thỏa mãn mong muốn mang kiến thức truyền thụ cho các em. Vì vậy nói DTHT chỉ làõ một tệ nạn thì oan cho nhiều thầy, cô".

Theo Nguoiduatin.vn

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo