Tin tức - Sự kiện

ĐBQH Đỗ Văn Đương: “Chống tham nhũng hiện nay mới chỉ mơn man bên ngoài”

“Theo tôi, thời gian tới cần tập trung đánh vào các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty đó là nơi tiêu sài tiền nhà nước nhiều nhất; đánh vào các dự án đầu tư công. Tôi cho rằng việc truy cứu đến cùng là rất cần thiết nhưng hiện nay để làm được việc đó không dễ, vướng rất nhiều, đụng chạm rất nhiều”.

Ông Đỗ Văn Đương - ĐBQH đoàn TP.HCM, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Đây là chia sẻ của TS. Đỗ Văn Đương – ĐBQH đoàn TP.HCM, Ủy viên Thường trực Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội bên lề kỳ họp thứ 6 QH khóa 13.

Trước những thông tin của báo cáo thẩm tra phòng chống tham nhũng, nhiều vụ việc xử lý kéo dài, ông Đương nhận định, vụ án nào cũng phải có giới hạn của nó, chứ không phải vụ nào cũng phức tạp.

“Luật đã định rõ thời hạn điều tra đối với tội ít nghiêm trọng là 4 tháng, còn với tội đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng, gia hạn thêm thì là 24 tháng. Như vậy trong hơn 2 năm phải kết thúc điều tra, nhưng nhiều vụ hiện nay cứ khởi tố, điều tra xong để đấy, hôm nay đi xác minh một chút, mai lại đi xác minh một chút thì nó kéo dài. Để lâu cho dư luận bớt bức xúc đi thì dễ dàng chuyển tội danh, ví dụ từ tham ô đổi thành tội danh cố ý làm trái. Nếu tham ô, hối lộ thì cao nhất là tử hình, còn với tội danh cố ý làm trái thì rất là nhẹ”, ông Đương nói.

Trước đó, tại báo cáo thẩm tra “về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ” do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu rõ: Hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Điều tra còn thấp; việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng với quy định của pháp luật; việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh về tham nhũng còn chiếm tỷ lệ cao…

Bên cạnh đó, qua thanh tra, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước có những vụ việc vi phạm có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại để xử lý kỷ luật, hành chính và chỉ đến khi có đơn tố cáo tiếp theo thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mới nắm bắt được những thông tin này. Thí dụ, Vụ tham nhũng trong đền bù, giải phòng mặt bằng ở khu công nghiệp Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; vụ ở Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch tỉnh Ninh Bình; Vụ việc ở phòng lao động thương binh và xã hội huyện Duyên Hải, vụ tham nhũng tại UBND xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Trước thực trạng này, ông Đỗ Văn Đương cho rằng, với mỗi vụ án phải xác định được cụ thể lộ trình điều tra, làm tới đâu đưa ra xử tới đó thì mới có điểm chốt, không thể có chuyện anh phạm tội ít nghiêm trọng thì hình phạt lại cao, trong khi anh nghiêm trọng thì lại thấp.

Ông Đương nhấn mạnh: “Một trong những vấn đề quan trọng là phải kịp thời phát hiện, phong tỏa tài sản để thu hồi. Thí dụ, báo cáo nêu phát hiện ra 9.000 tỷ đồng sai phạm, nhưng thu hồi chưa được 10%, vậy 90% kia đi đâu? Nếu vào túi cá nhân rồi thì phải móc ra. Đây là tiền của ngân sách nhà nước, tiền thuế của người dân, không thu hồi được thì suy cho cùng vẫn là người dân phải chịu. Móc túi của hàng triệu người dân để làm giàu cho cá nhân mình, đấy là tội ác”.

Tại các phiên họp của Ủy ban TVQH gần đây, cả Chủ tịch Quốc hội cho tới các Chủ nhiệm ủy ban trực thuộc TCQH đã nhiều lần lên tiếng về kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa phản ánh đúng thực tế, chưa phản ánh đúng những bức xúc của nhân dân. Và, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói: “Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng không?”.

Trước kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa thật tốt, dư luận đang lo lắng 10 vụ án trọng điểm hiện nay sẽ bị xử lý kiểu “đầu voi, đuôi chuột”.

Ông Đỗ Văn Đương bày tỏ: “Người dân phản ánh là hoàn toàn chính xác. Đầu voi đuổi chuột ở đây là gì? Lúc đầu anh khởi tố điều tra là đặc biệt nghiêm trọng, đấy là tội tham ô, hối lộ, nhưng trong quá trình xử lý thì lại mượn những quy định pháp luật chưa rõ ràng để chuyển hóa thành những tội danh nhẹ hơn. Đến khi đưa ra xét xử thì lại đưa ra nhân thân tốt; khắc phục hậu quả; thành khẩn nhận tội. Nhưng thực ra có thành khẩn đâu, nếu thành khẩn thì phải nhận tội danh tham ô, hối lộ, nhưng vì tội danh đã nhẹ rồi thì đối tượng nhận luôn cho xong thì lại vận dụng tình tiết giảm nhẹ. Trong luật hiện nay quy định, cứ có 2 tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng điều 46, điều 47 thì hưởng mức thấp nhất khung hình phạt. Chưa hết, nếu xử dưới 3 năm tù thì được vận dụng quy định án treo, vì có thân nhân tốt”.

Cũng theo ĐBQH Đỗ Văn Đương, trong kinh tế thị trường hiện nay phải nói thẳng bản thân các cán bộ tư pháp còn có tiêu cực. Họ dựa vào án để sống. Thông thường đã có chức có quyền thì thường gắn bó với người ở trên nữa, vì người ở trên mới bổ nhiệm người ở dưới, thực tế là có sự bảo vệ, bao che, nương nhẹ.

“Trong nhiều vụ án chỉ thấy xử người cuối dây như kế toán, thủ quỹ thôi, trong khi đáng lẽ ra phải xử người đứng đầu vì những ông này mới quyết định. Tôi đã nói nhiều đánh tham nhũng hiện nay mới chỉ mơn man, đánh bên ngoài thôi, thực chất là cần phải đánh vào người có chức có quyền, mà theo đường lối chính sách của Đảng là phải đánh vào chủ mưu cầm đầu.

Theo tôi, thời gian tới cần tập trung đánh vào các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty đó là nơi tiêu sài tiền nhà nước nhiều nhất; đánh vào các dự án đầu tư công. Tôi cho rằng việc truy cứu đến cùng là rất cần thiết nhưng hiện nay để làm được việc đó không dễ, vướng rất nhiều, đụng chạm rất nhiều”, ông Đương chia sẻ.

Nguyễn Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo