Khám phá

Đề xuất thu phí hòa mạng thuê bao trả trước: Quản lý hay trục lợi?

Đề xuất thu phí hòa mạng được kỳ vọng trở thành một biện pháp hạn chế tình trạng SIM rác và quản lý chặt hơn đối với thuê bao trả trước đã được một số nhà mạng nêu ra trong cuộc họp với Bộ Thông tin & Truyền thông mới đây.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng đã giao cho Cục Viễn thông xem xét vấn đề này. Tuy nhiên, liệu đây có phải là cách hữu hiệu hay chỉ tròng thêm gánh nặng lên cổ người tiêu dùng?

 

Bùng phát sim rác do đâu?

 

Tình trạng bùng phát SIM rác được nhà mạng lý giải là do người tiêu dùng hiện nay mua SIM sử dụng hết tài khoản rồi vứt và mua SIM mới, thay vì mua thẻ cào để nạp tiền. Đây là một thực trạng nhức nhối. Tuy nhiên, thực trạng này do đâu mà có, phải chăng do người tiêu dùng?

 

Theo anh Lâm - thuê bao trả trước số 01287131xxx của MobiFone - lập luận trên của các nhà mạng là không sòng phẳng và nhằm đổ hết trách nhiệm về phía người tiêu dùng. "Nếu nạp tiền qua thẻ cào, nhiều nhất mỗi tháng có 2-3 lần khuyến mãi (mỗi lần kéo dài khoảng 3 ngày) và khách hàng cũng chỉ được tặng 50% giá trị thẻ nạp.

 

Trong khi mua SIM và hòa mạng mới, khách hàng được tặng ít nhất 100% mệnh giá bộ Kit, có thời điểm còn lên đến 150%, 200%... Những mức khuyến mãi này do chính các nhà mạng đưa ra, thì người tiêu dùng chúng tôi có quyền chọn cái nào có lợi cho mình".

 

Về tình trạng các thuê bao trả trước không chấp hành nghiêm việc đăng ký thông tin cá nhân, theo anh Tạch - thuê bao số 0906847xxx - trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà mạng và hệ thống đại lý phân phối, bán lẻ SIM.

 

"Nếu họ làm nghiêm, bắt chúng tôi phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân để kê khai thông tin chính xác, thì sẽ không có chuyện không kê khai hay khai man. Lỗi là do họ chạy đua cạnh tranh nhau nhằm thu hút thuê bao, vì thế đã dễ dãi".

 

Trên thực tế, hiện người tiêu dùng có thể mua SIM đã được kích hoạt sẵn tại hàng chục ngàn điểm bán lẻ trên khắp cả nước.

 

Vậy thì, để điều chỉnh sự chọn lựa củangười tiêu dùng  hay quản chặt việc đăng ký thông tin đối với thuê bao trả trước thì trước tiên cần điều chỉnh và quản chặt chính sách kinh doanh của chính nhà mạng.

 

Theo anh Lâm, nếu mức khuyến mãi cho thuê bao trả trước hòa mạng mới chỉ bằng mức cho thuê bao cũ, thì có lẽ người tiêu dùng chuyển sang dùng thẻ cào nhiều hơn và tình trạng SIM rác cũng sẽ được hạn chế.

 

Đề xuất có lợi cho ai?

 

Anh Tạch lý giải: "Trường hợp thu phí hòa mạng mới đối với thuê bao trả trước, nhưng nếu nhà mạng và các đại lý không làm nghiêm việc đăng ký thông tin cá nhân, thì cũng chẳng giúp ích gì được cho công tác quản lý nhà nước.

 

Ngược lại, không cần thu phí hòa mạng, nhưng việc đăng ký thông tin cá nhân được thực hiện nghiêm thì sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý nhà nước".

 

Một vài con số do đại diện MobiFone đưa ra cho thấy sự hoành hành dữ dội của SIM rác. Năm 2011, MobiFone tung ra thị trường khoảng 30 triệu SIM nhưng kết năm chỉ có 500.000 thuê bao ở lại, chỉ đạt tỉ lệ 1,66%.

 

Theo các nhà mạng, vòng đời bình quân của SIM trả trước hiện chỉ còn 12 ngày. Những con số này chính là hệ quả của cách làm ăn thu hút thuê bao bằng mọi giá và dùng khuyến mãi "khủng" làm đòn bẩy chính để kinh doanh. Các nhà mạng phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng này chứ không thể đổ lỗi cho người tiêu dùng!

 

Chỉ đơn cử với 30 triệu SIM MobiFone tung ra thị trường năm 2011, nếu thu phí hòa mạng bằng mức của thuê bao trả sau (50.000 đồng/thuê bao), thì nhà mạng thu về 1.500 tỉ đồng. Nếu mức phí giảm xuống chỉ còn 50%, thì nhà mạng thu về khoảng 750 tỉ đồng...

 

Với ba nhà mạng lớn nhất hiện nay là MobiFone, Viettel và VinaPhone, hằng năm tung ra thị trường cả trăm triệu SIM trả trước, nếu được thu phí hòa mạng, thì số tiền thu về lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Người tiêu dùng phải gánh thêm hàng ngàn tỉ đồng chi phí song công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa chắc đã được tăng cường.

 

Vậy thì, đề xuất thu phí có là một giải pháp quản lý hữu hiệu?

 

 

Theo Lao Động

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo