Khám phá

DN được tự xác định hoạt động sản xuất phần mềm

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm do Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ TT&TT) đang soạn thảo, cơ quan quản lý sẽ xây dựng một quy trình đơn giản để doanh nghiệp tự xác nhận việc mình đang kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm.

Doanh nghiệp sẽ được tự xác nhận đang hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý.

Mục đích của quy định này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng làm việc với Tổng cục Thuế hoặc thụ hưởng các ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp phần mềm.

Dự thảo cũng nêu rõ 7 công đoạn của hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm như một sở cứ để xác định một doanh nghiệp có đủ điều kiện xếp vào nhóm "sản xuất phần mềm" hay không. Cụ thể, đó là các công đoạn: Xác định yêu cầu; Phân tích và thiết kế, Lập trình, viết mã lệnh; Kiểm tra, kiểm thử phần mềm; Đóng gói và hoàn thiện phần mềm; Hướng dẫn sử dụng, chuyển giao công nghệ, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm; Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm. So với các văn bản trước đây, dự thảo Thông tư đã phát sinh thêm một công đoạn cuối, thực chất là tách bạch hai hoạt động bảo trì, bảo hành sản phẩm với phát hành và phân phối, đại diện Vụ CNTT cho biết.
 
Một doanh nghiệp sẽ được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư, trong đó nêu rõ lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm như sản xuất phần mềm, lập trình máy ví tính... hoặc sản phẩm phần mềm do doanh nghiệp tham gia sản xuất thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm được ban hành theo Thông tư số 09/2013, ban hành ngày 8/4/2013 của Bộ trưởng Bộ TT&TT. Tuy nhiên, nếu hoạt động của doanh nghiệp chỉ thuộc một trong các công đoạn từ công đoạn 2 đến công đoạn 4 và nằm trong danh mục sản phẩm phần mềm; các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư liên quan đến hoạt động sản xuất phần mềm và có thêm các công đoạn 1 hoặc công đoạn 5 nêu trên cũng được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm.
 
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT chia sẻ rằng, dù trên thực tế có một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu được Bộ TT&TT đứng ra xác nhận về hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm để tiện làm việc với các cơ quan Nhà nước khác như Thuế, song đa số doanh nghiệp trong nước, các Hiệp hội và Sở TT&TT đều nghiêng về phương án để doanh nghiệp tự xác định.
 
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh rằng, việc quy định doanh nghiệp phải có sự xác định từ phía cơ quan quản lý (Bộ TT&TT hoặc Sở TT&TT) sẽ khiến cho Thông tư trở nên nặng nề, thêm thủ tục trong khi mục tiêu của Bộ là cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ là không bắt doanh nghiệp phải thực hiện thêm một bước nào không cần thiết mà "sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp", Thứ trưởng khẳng định. Theo ông, lâu nay hoạt động sản xuất phần mềm vẫn bị hiểu "lờ mờ" trong xã hội và Thông tư ra đời là để xác định tường minh, rõ ràng, công khai các khái niệm, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động thuận lợi hơn.
 
Thứ trưởng Hồng yêu cầu Vụ CNTT sớm hoàn thiện dự thảo, trình lãnh đạo Bộ thẩm định để Thông tư sớm được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp phần mềm hoạt động tại Việt Nam. Riêng về lĩnh vực nội dung số, Thứ trưởng đề nghị phía Vụ xem xét trình lại Danh mục nội dung số và nếu cần thiết sẽ có thể ban hành Thông tư riêng về lĩnh vực này.
Vietnamnet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo