Nhắn tin tố tiêu cực - việc chẳng đặng đừng đối với doanh nghiệp, lãnh đạo nhận tin tố cáo rồi thì trách nhiệm phản hồi xử lý ra sao? Dường như Bí thư Đà Nẵng chưa lưu ý lắm đến “nỗi lo hậu tin nhắn” của doanh nghiệp.
Tại một hội nghị với doanh nghiệp ngày 11/4, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã công bố công khai số điện thoại của mình là 0913.401729 và của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến là 0903. 508177 để “các doanh nghiệp (DN) có thể nhắn tin trực tiếp đến lãnh đạo TP nếu có những trường hợp cán bộ, công chức gây trở ngại, vô cảm, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, ách tắc, lẽ ra phải làm mà không chịu làm, chần chừ, do dự”.
Tuy nhiên ở đây có vài chi tiết mà chúng tôi muốn tường thuật thêm: Khi ông Trần Thọ đang đề nghị các DN “nhắn tin thật, nói thật, nói chính xác” thì ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng nhắc “có tên anh”. Ông Trần Thọ dường như chưa nghe thấy, vẫn nói tiếp: “Số máy của tôi là 0913.401729, cứ nhắn tin đến máy tôi, rồi tôi sẽ có…”.
Ông Võ Duy Khương lại lên tiếng nhắc thêm lần nữa: “Nhắn đừng có nặc danh”. Lần này giọng Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng có lớn hơn nên ông Trần Thọ nghe thấy, và tiếp lời: “Không nặc danh, ghi tên tuổi trung thực, không lạm dụng, không quấy rầy, mà cũng không thử ông lãnh đạo này xem làm sao nữa. Cứ nhắn tin vô hai số máy đó thì chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin và sẽ có biện pháp xử lý. Như thế nó mới nhanh hơn!”.
Có điều gì đáng lưu ý ở những chi tiết này? Trước hết, là lãnh đạo Đà Nẵng rất quan tâm đến việc các DN khi nhắn tin thì đừng có nặc danh. Đây là điều rất dễ hiểu, bởi sẽ rất khó cho những người tiếp nhận và xử lý thông tin khi không biết tin nhắn đó đến từ ai, nội dung có đáng tin cậy, hay chỉ là “phép thử” để coi mấy ông lãnh đạo TP ra làm sao như ông Trần Thọ đã đề cập.
Tuy nhiên nó cũng phản ảnh một thực tế là trong thời gian qua đã có những trường hợp DN phản ảnh thông tin về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của các cán bộ, công chức hữu quan đến lãnh đạo Đà Nẵng nhưng chỉ dám phản ảnh một cách “nặc danh”, khiến ông Võ Duy Khương phải hai lần “chen ngang” vào phát biểu của Bí thư Thành ủy để nhắc các DN khi nhắn tin đừng có nặc danh.
Câu hỏi đặt ra là vì sao có những DN phải “nặc danh” khi phản ảnh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của các cán bộ, công chức đến lãnh đạo TP, trong khi là DN, họ thừa sức biết rằng chuyện phản ảnh “nặc danh” sẽ chẳng đi tới đâu cả, vì rất khó được giải quyết? Điều cũng rất dễ hiểu là họ sợ bị các các bộ, công chức đó biết chuyện nên sẽ “trả thù”, sẽ gây khó dễ cho công việc làm ăn của họ sau này!
Hoàn toàn không phải chuyện không tin tưởng lãnh đạo Đà Nẵng, nhưng rõ ràng không ai dám chắc một khi tình trạng “ở trên thông thoáng nhưng ở dưới khó dễ, ở trên nhanh chóng nhưng ở dưới trì trệ, ở trên cởi mở nhưng ở dưới ách tắc, ở trên có trách nhiệm với dân nhưng ở dưới vòi vĩnh, vô cảm” vẫn còn tồn tại như ông Trần Thọ đã nói tại hội nghị nêu trên, thì chuyện “trả thù”, gây khó dễ sau đó sẽ không xảy ra đối với DN?
Ai cũng hiểu, ông Trần Thọ hay ông Văn Hữu Chiến không phải lúc nào cũng có thể trực tiếp đi giải quyết từng vụ việc một mà phải chuyển cho các cơ quan chức năng, mà trực tiếp tiếp nhận là các cán bộ, công chức. Bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, khi yêu cầu các DN khi nhắn tin “không nặc danh, ghi tên tuổi trung thực, không lạm dụng, không quấy rầy, mà cũng không thử ông lãnh đạo này xem làm sao nữa”, dường như ông Trần Thọ vẫn chưa lưu ý lắm đến “nỗi lo hậu tin nhắn” của các DN.
Để giải quyết “nỗi lo” này, một “quy chế” (xin tạm gọi như vậy) về việc nhắn tin của DN, tiếp nhận tin nhắn của lãnh đạo TP, xử lý tin nhắn của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức hữu quan có lẽ cần thiết được đặt ra, để đảm bảo cho việc” xóa đi sự ngại ngần của dân khi muốn trình bày với “quan” những bức xúc của mình” thực sự có hiệu quả trên thực tế, chứ không phải chỉ là một sự phát động trên diễn đàn.
Và trong “quy chế” ấy cần thiết cũng phải xác định rõ trách nhiệm phản hồi của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức hữu quan đối với tin nhắn của các DN do lãnh đạo TP chuyển. Bởi ngay chính tại hội nghị nêu trên, ông Trần Thọ cũng đã phải nhắc: “Cách đây mấy ngày có một DN ở bên quận Sơn Trà cũng nhắn tin, tôi chuyển cho Sở Công thương giải quyết, đã xong chưa, tới đâu rồi, có báo lại cụ thể!”.
Trong số hơn 10.000 DN ở Đà Nẵng, không phải DN nào cũng có quy mô, ấn tượng buộc người ta phải “nhớ” về mình; mà ngược lại, hầu hết là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Nên dù hoàn toàn không phải không tin tưởng nhưng rõ ràng cũng không ai dám chắc, trong khi bận bịu “trăm công nghìn việc”, các vị Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng có thể lưu tâm xuyên suốt từ đầu (tiếp nhận tin nhắn của DN) đến cuối (trả lời cho DN) đối với từng vụ việc cụ thể. Mà những vụ việc cụ thể ấy đâu chỉ là một, là hai…
Một đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo Đức Hiển (báo Pháp luật TP.HCM) đã có nhận xét chí lý: “Thực ra ông Thọ và ông Chiến không công khai số điện thoại thì DN và nhiều người dân vẫn có thể tìm được số máy của họ. Tuy nhiên, khi lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng công khai và khuyến khích DN liên hệ, phản ánh việc tiêu cực với mình, nó tạo ra một không gian tương tác: Tôi muốn và sẵn sàng lắng nghe và sẽ xử lý thông tin ấy. Điều đó xóa đi sự ngại ngần của dân khi muốn trình bày với “quan” những bức xúc của mình!”.
Một “quy chế” đảm bảo cho “một không gian tương tác: tôi muốn và sẵn sàng lắng nghe và sẽ xử lý thông tin ấy” như nhà báo Đức Hiển đề cập có lẽ là điều cần được lãnh đạo Đà Nẵng công bố đến cộng đồng DN và người dân, tiếp theo việc công bố số điện thoại của mình.
Và hơn hết, có lẽ DN và người dân Đà Nẵng không ai muốn gặp những trường hợp phải nhắn tin vô điện thoại của Bí thư, Chủ tịch TP để công việc của mình được xử lý nhanh hơn. Nhắn tin tố tiêu cực - đó quả là việc chẳng đặng đừng đối với họ. Nên làm sao để lãnh đạo TP không phải tiếp nhận và chuyển từng cái tin nhắn mà công việc vẫn “xuôi chèo mát mái” mới thực sự là điều bền vững. Và đó mới chính là điều mà người dân và DN trên địa bàn thực sự cần!
Infonet