Khám phá

Doanh nghiệp nội sẽ bán đầu thu số hoá truyền hình

Hai doanh nghiệp đầu tiên trong nước sẽ đưa ra thị trường sản phẩm đầu thu truyền hình số mặt đất (set-top box, viết tắt là STB - PV) hợp chuẩn DVB-T2 để cạnh tranh với đầu thu trôi nổi trên thị trường hiện nay.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng (phải) và Cục trưởng Cục Tần số Đoàn Quang Hoan (trái) tại cuộc họp tiểu ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình. Ảnh: T.C

Cụ thể, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số (Bộ TT&TT) cho biết trước mắt, công ty VTV Broadcom sẽ cung cấp đầu thu cho thị trường Đà Nẵng, trong khi Hanel "đã sẵn sàng về công nghệ lẫn nhà xưởng, dây chuyền thiết bị để sản xuất số lượng lớn". Kế hoạch của doanh nghiệp này là cuối tháng 6 sẽ bán sản phẩm ra thị trường Đà Nẵng và khu vực phía Bắc.

Cú hích cho thị trường?
 
Sự góp mặt của hai doanh nghiệp nội tại thời điểm này được cơ quan quản lý hy vọng sẽ tạo ra cú hích cho thị trường đầu thu DVB-T2, khi mà nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự e dè và ngần ngại, chưa dám mạnh dạn đầu tư sản xuất STB với lý do "thị trường chưa lớn và khó cạnh tranh với đầu thu Trung Quốc", vốn đang được bán với giá rất rẻ, chỉ khoảng 400.000 đồng.
 
Trong khi các sản phẩm máy thu hình (TV) tích hợp công nghệ DVB-T2 được bày bán trên thị trường sau thời điểm ngày 15/4 tỏ ra rất đa dạng, phong phú, nhiều lựa chọn cả về thương hiệu, kích cỡ lẫn tầm giá thì phân khúc đầu thu DVB-T2 dường như không được may mắn như vậy. Đã không dưới một lần các cơ quan quản lý, mà cụ thể là Cục Tần số nêu ra thực trạng sản phẩm STB DVB-T2 hợp chuẩn "vừa thiếu lại vừa yếu", trong khi đầu thu Trung Quốc được nhập lậu về đều đặn với số lượng lớn, lôi kéo được một bộ phận người dùng không nhỏ nhờ giá rẻ dù chất lượng không đảm bảo. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trong một cuộc họp gần đây cũng thừa nhận tình trạng STB nội có giá thành cao hơn đầu thu trôi nổi nhưng chất lượng cũng chưa thật tốt nên khó cạnh tranh được.
 
Quả thật, việc giải bài toán đầu thu thực sự không dễ dàng, cả với các nhà hoạch định chính sách lẫn bản thân doanh nghiệp. Đại diện Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho biết, mỗi năm, đầu thu tiểu ngạch TQ vào Việt Nam lên tới vài trăm ngàn chiếc (đó mới chỉ là đầu thu vệ tinh chứ chưa tính đến đầu thu mặt đất STB). VTC và Hanel là hai đơn vị đầu tiên sản xuất đầu thu vệ tinh nhưng đã không thể cạnh tranh nổi với hàng tiểu ngạch này, dẫn tới tình trạng thị trường trong nước đang hoàn toàn bỏ trống cho hàng lậu, hàng Trung Quốc tự do "tung hoành".
 
Đau đầu đầu thu trôi nổi
 
Một thực tế không thể chối cãi là đầu TQ rất rẻ, lại trốn thuế nên giá càng rẻ hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp VN sản xuất với số lượng ít, quy mô nhỏ thì giá thành không thể quá thấp, lại chịu thuế suất nên không thể đọ được về giá bán.
 
Tuy nhiên, một lý do khác khiến đầu thu TQ vẫn bán chạy là vì hiện tại, đầu thu Việt Nam chưa được công bố hợp quy theo tiêu chuẩn mới, cũng tức là chưa có dấu hiệu gì để phân biệt giữa một sản phẩm "chính ngạch", được quản lý chặt về chất lượng với một sản phẩm "tiểu ngạch" mà chất lượng luôn là dấu hỏi, đại diện Cục Viễn thông phân tích. Thực tế là đầu thu của cả 4 doanh nghiệp VTV, VTC, AVG và Hanel đang cung cấp ra thị trường đều chưa được dán nhãn hợp quy để người dùng nhận biết được có hỗ trợ chuẩn mới DVB-T2 hay không. Chính vì vậy mà đầu thu trôi nổi vẫn có cửa để bán được. Một khi doanh nghiệp nội tiến hành công bố hợp quy, dán nhãn DVB-T2 trên sản phẩm thì vướng mắc này có thể sẽ được tháo gỡ.
 
Đại diện VTC đề xuất rằng nên chăng, cơ quan quản lý xây dựng nên một hàng rào kỹ thuật để bảo hộ cho các đầu thu trong nước. Những đầu thu nội địa sẽ sử dụng một chipset mã hóa đặc biệt để thu được các kênh phát sóng, trong khi đầu thu trôi nổi không thu được. Hiện tại, VTC đang áp dụng thử nghiệm công nghệ phát sóng mã hóa cho truyền hình vệ tinh và theo ước tính của nhà đài này, mỗi đầu thu sẽ đắt hơn từ 2-3 USD khi trang bị con chip mới.
 
Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải nhiều nghi ngại từ các chuyên gia về sự khả thi. Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ thẳng thắn chia sẻ rằng, giải pháp của VTC tuy chẳng có khó khăn gì về mặt công nghệ, nhưng tính linh hoạt của sản phẩm sẽ rất đáng bàn khi mà các doanh nghiệp đầu thu nội phải phụ thuộc vào nhà sản xuất chipset. Đó là chưa kể đến chuyện tương thích: liệu VTV có chấp nhận cài chipset mà VTC phát triển vào các đầu thu của mình hay không, hay giữa các nhà đài phải đạt được một thỏa thuận đa phương - một việc mà chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian, rất phức tạp.
 
Đồng quan điểm, đại diện Viện chiến lược cũng băn khoăn về việc có nên đặt ra các điều kiện kỹ thuật để kiểm soát đầu thu trôi nổi trên thị trường hay không. "Chúng ta có thể tự sản xuất hoàn toàn được không, hay vẫn phải đặt hàng các OEM Trung quốc? Khả năng nội địa hóa tối đa của chúng ta là bao nhiêu? Giá thành thấp nhất có thể làm được là chừng nào?" Những vấn đề này cần phải được làm rõ trước khi quyết định có nên theo đuổi ý tưởng "bảo hộ" hay không.
 
Sẽ hỗ trợ tối đa
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định, mấu chốt của vấn đề nằm ở khả năng quản lý, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp đầu thu nội. "Mã kỹ thuật này sẽ được quản lý như thế nào, nếu bị lộ ra ngoài và đầu thu trôi nổi bắt chước được thì sẽ xử lý ra sao?", Thứ trưởng nêu vấn đề. Hơn nữa, mức phí 2-3 USD mà VTC nêu ra là quá đắt, bởi các chipset mà những hãng lớn như Qualcomm đang cung cấp cho các OEM cũng chỉ tính theo đơn vị cent. Hiện ở VN có trên dưới mười mấy triệu hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ đầu thu, nếu nhân với số tiền 2-3 USD/đầu thu thì sẽ ra số tiền quá lớn.
 
"Ta bảo hộ mà lại đẩy giá thành sản phẩm lên cao thì chẳng khác gì tự cản trở tiến trình số hóa, người dân sẽ trở thành đối tượng chịu thiệt nhiều nhất", Thứ trưởng Thắng phản biện.  "Đầu thu Trung Quốc rẻ hơn thật, nhưng có thể sau ít bữa sẽ không bắt được sóng... thì người dân sẽ tự so sánh bài toán hiệu quả chi phí để chọn lựa. Chứ hiện tại đầu nội vừa ít, vừa lẫn với hàng trôi nổi thì kêu ai được?".
 
Giải pháp hiện tại để khuyến khích người dân mua đầu thu nội là phải gấp rút dán nhãn số hóa để người dùng dễ dàng nhận biết, phân biệt với hàng trôi nổi. Muốn vậy, các cơ quan liên quan cần làm nhanh văn bản hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất đầu thu công bố hợp quy ra thị trường giống như các hãng TV đã làm.
 
Hơn nữa, doanh nghiệp nội còn nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước như việc đầu thu DVB-T2 hiện đã được liệt kê trong danh mục hàng hóa công nghệ cao, có thể được hưởng thuế suất ưu đãi. Thứ trưởng yêu cầu Cục Tần số sớm hướng dẫn doanh nghiệp thủ tục xin miễn giảm thuế để kích thích thị trường, tăng thêm động lực cho doanh nghiệp tham gia.
 
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đồng tình với đề xuất của Cục Tần số về việc xem xét khả năng đấu thầu/đặt hàng đầu thu hỗ trợ cho các gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo, trước hết là phục vụ cho địa bàn Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam. Dự kiến, việc triển khai hỗ trợ đầu thu sẽ được triển khai vào đầu năm 2015. Nguồn ngân sách dành cho chương trình đặt hàng đầu thu này sẽ được trích từ Quỹ Viễn thông Công ích.

 

Vietnamnet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo