Lắng nghe những ca thán về nạn nhũng nhiễu và thái độ “hời hợt nghiệp vụ” của ngành hải quan và thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhiều lần phải thốt lên: “Không nên làm khó doanh nghiệp nữa”.
Nộp 20.000 đồng, tốn phí chuyển 16.500 đồng
Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) phía nam với lãnh đạo Bộ Tài chính diễn ra ở TP.HCM hôm qua (6.11), ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn, phản ánh công ty ông đã nộp thuế, có kèm bản sao và bản chính giấy nộp tiền nhưng hệ thống mạng điện tử của hải quan bị treo, ngay lập tức cơ quan này cưỡng chế không cho mở tờ khai để xuất nhập hàng tiếp theo.
“Rất nhiều lần cán bộ hải quan yêu cầu nhân viên xuất nhập hàng của chúng tôi chạy về cảng xác nhận bằng giấy có đóng dấu mới chấp nhận cho thông quan. Việc này làm mất rất nhiều thời gian, hàng hóa bị chậm thông quan phải đền bù cho khách còn chúng tôi thì phải tốn thêm tiền lưu kho. Tôi nghĩ việc liên thông quản lý qua mạng là việc nội bộ giữa các phòng ban hải quan, tại sao lại để DN chúng tôi chịu trận bởi những vướng mắc chính trong nội bộ của ngành”, ông Linh đặt câu hỏi.
Ông Linh và nhiều DN khác cũng phản ánh cán bộ hải quan thường bắt bẻ các lỗi chính tả trong tờ khai như tên DN viết tắt, tên hàng hóa (mà tùy địa phương có cách gọi khác nhau - PV)… để áp thuế cao hơn. Bên cạnh đó, ông Linh cho biết mỗi lần mở tờ khai hải quan, DN phải nộp lệ phí 20.000 đồng, nhưng phải chuyển khoản qua Kho bạc Nhà nước với lệ phí chuyển tiền 16.500 đồng/lần. “Nếu chúng tôi thanh toán chậm 20.000 đồng này thì DN bị cưỡng chế, trong khi tiền thuế DN nộp hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, có lúc lên đến hàng tỉ đồng. Tôi kiến nghị Bộ Tài chính nên bỏ khoản lệ phí này vì quá nhỏ hoặc chọn cách thu nào đó tiện nhất cho DN, chứ nộp 20.000 đồng phí mất thêm 16.500 đồng phí chuyển nữa không hợp lý chút nào”, ông Linh nói.
Tại buổi đối thoại, có DN còn thắc mắc vì bị soi chiếu container và DN phải trả thêm phí này. “Ngành hải quan trang bị thêm thiết bị, máy móc công cụ để phục vụ cho công tác của ngành mình thì không nên bắt DN phải trả thêm phí soi chiếu”, người này nói.
Cho chúng tôi cơ hội để thở
Về thuế lại càng căng thẳng hơn. Công ty TNHH Nhóm Liên Kết Châu Quốc Đạt hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm, có trụ sở đặt tại Q.Gò Vấp, từng lên Chi cục Thuế Q.Gò Vấp để hỏi thông tin đổi mẫu hóa đơn thuế giá trị gia tăng (GTGT) mới theo Thông tư 153 của Bộ Tài chính. Thế nhưng, Chi cục Thuế Q.Gò Vấp cho rằng DN quá nhỏ, không cần thay đổi và chấp nhận hóa đơn cũ của DN sử dụng từ năm 2011 - 3.2013. Đến tháng 4.2013 (thời hạn quy định DN phải chuyển sử dụng hóa đơn thuế GTGT theo mẫu mới), công ty nhận được thông báo đóng tiền phạt vì “tội” không ra thông báo về việc này.
“Chi cục Thuế Q.Gò Vấp không hướng dẫn để chúng tôi làm thông báo mới và 2 năm qua cơ quan thuế này vẫn chấp nhận hóa đơn cũ của chúng tôi. Nay chúng tôi bị quy vô tội sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là hết sức vô lý. Chưa kể là từ đó đến nay, cơ quan thuế đã gửi 14 thông báo xử phạt và quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản của chúng tôi ở ngân hàng nữa”, đại diện DN này bức xúc.
Chưa hết, khi được luật sư hướng dẫn, công ty đã gửi khiếu nại lên Cục Thuế TP.HCM thì được trả lời là đã quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt. “Tôi tìm đến buổi đối thoại này chỉ với mục đích duy nhất là mong các cơ quan quản lý tìm hướng giải quyết vướng mắc cho DN, để chúng tôi có cơ hội thở và sống chứ chưa nói để phát triển bởi 4 năm nay khủng hoảng kinh tế, làm ăn vô cùng khó khăn rồi", vị này nói.
“Hà cớ gì lại nhũng nhiễu”
Tại buổi đối thoại, khi giải đáp những bức xúc của DN, đại diện Bộ Tài chính cho rằng đã có không ít trường hợp mà lẽ ra DN phải kiến nghị xử lý “những cán bộ không chịu đọc luật để hướng dẫn cho rõ”. Cụ thể, trong tờ khai quan trọng nhất là đừng để sai mã số thuế DN, số lượng hàng hóa và những số liệu liên quan đến tính thuế. Còn lại, như viết tắt tên công ty, bỏ ghi địa chỉ DN đều có thể chấp nhận được. “Ngành thuế nên tiếp thu ý kiến DN, bởi đã có mã số thuế rồi, đâu cần phải ghi địa chỉ DN. Những cái đó chẳng có giá trị gì cả khi tính thuế”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Với bức xúc của Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn, ông Tuấn nói ngay: “DN đã có bản sao chứng từ, hà cớ gì lại nhũng nhiễu. Chính cơ quan hải quan có tránh nhiệm liên lạc với nhau để thông quan cho DN chứ không phải bắt DN chạy đi xác nhận lại việc họ đã làm”. Riêng việc chậm nộp phí 20.000 đồng mở tờ khai hải quan mà DN bị cưỡng chế, ông Tuấn khẳng định: “Nợ phí mở tờ khai hải quan không phải là nợ thuế nên không thể lấy đó làm cơ sở cưỡng chế DN được. Nếu đơn vị hải quan nào làm sai, phải có trách nhiệm đền bù”.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đề nghị Tổng cục Hải quan phải triển khai đáp ứng các nhu cầu nhỏ lẻ, ví dụ nên quy định để DN chuyển khoản lệ phí một tháng, quý một lần, hoặc tính toán triển khai bán tem lệ phí tại chỗ mà phải không phát sinh thêm nhân sự.
Về những khó khăn xung quanh tờ hóa đơn, ông Tuấn cho rằng VN đang tồn tại “bệnh tôn sùng hóa đơn”, cơ quan thuế và chính bản thân DN cũng mắc bệnh này. Theo ông, những cá nhân lẻ, người cho thuê nhà, giao dịch cá nhân cứ theo hợp đồng mua bán mà tính thuế, không nên quá lạm dụng hóa đơn để làm khó DN.
"Tôi tìm đến buổi đối thoại này chỉ với mục đích duy nhất là mong các cơ quan quản lý tìm hướng giải quyết vướng mắc cho DN, để chúng tôi có cơ hội thở và sống chứ chưa nói để phát triển bởi 4 năm nay khủng hoảng kinh tế, làm ăn vô cùng khó khăn rồi"
Đại diện Công ty TNHH Nhóm Liên Kết Châu Quốc Đạt
"Việc liên thông quản lý qua mạng là việc nội bộ giữa các phòng ban hải quan, tại sao lại để DN chúng tôi chịu trận bởi những vướng mắc chính trong nội bộ của ngành?"
Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn
Áp dụng sai và thiếu trách nhiệm
Với bức xúc của Công ty TNHH Nhóm Liên Kết Châu Quốc Đạt, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định cán bộ Cục Thuế TP.HCM “không thuộc bài”, áp dụng sai và thiếu trách nhiệm với DN. “Tôi đề nghị Cục Thuế TP.HCM đọc lại có điều nào quy định hết thời hạn khiếu nại là thôi không giải quyết không? Mặc dù hết hiệu lực nhưng vấn đề DN khiếu nại chưa giải quyết trong hệ thống, kể cả chưa xuất hiện tình tiết mới cũng phải xem xét giải quyết. Không nên lấy cái cớ thời hạn 90 ngày để từ chối hỗ trợ DN. Tôi đề nghị trong tháng này Cục Thuế TP.HCM phải giải quyết dứt điểm khiếu nại của DN, nếu không, DN cứ làm đơn lên Bộ giải quyết”, ông Tuấn gay gắt.
Theo Thanh niên Online