Doanh nghiệp xăng dầu có thêm quyền định giá?
Được tăng giá khi chậm trả lời
Theo dự thảo Nghị định mới, khi giá xăng dầu cơ sở tăng 7% so với giá bán lẻ thì DN được quyền chủ động tăng giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp giá cơ sở tăng 7 - 12% so với giá bán lẻ thì DN gửi phương án giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý trước thời gian điều chỉnh 2 ngày.
Quá 2 ngày, nếu cơ quan quản lý không có văn bản trả lời thì DN được quyền tăng giá thêm 40% của mức tăng trong phạm vi 7-12%; 60% còn lại sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) để bù đắp. Riêng với phần sử dụng BOG, nếu quá thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi DN điều chỉnh tăng giá thêm 40%, cơ quan quản lý không có văn bản trả lời thì DN được điều chỉnh giá.
Như vậy, DN sẽ được tăng giá xăng dầu đến 12% nếu sau 2 ngày sử dụng quỹ BOG mà cơ quan quản lý không trả lời bằng văn bản và sau 4 ngày kể từ khi có ý kiến tăng giá.
Trong trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, DN báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý. Sau 5 ngày, nếu cơ quan quản lý không có văn bản điều hành công bố các biện pháp bình ổn thì mặc nhiên DN được quyền chủ động điều chỉnh tăng tương đương giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.
Nhận xét về những thay đổi mang tính “đột phá” này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: “Nếu dự thảo cho phép DN được tăng, giảm giá xăng dầu theo thị trường, phù hợp với thị trường thì tôi cho là điều phù hợp và có thể để cho DN tự quyết và chịu trách nhiệm về giá xăng dầu của mình. Về biên độ định giá, tôi được biết, dự thảo lần này đưa ra 2 mức, một là DN tự quyết và hai là Chính phủ chỉ đạo. Tự quyết giá của DN cũng ở mức vừa phải”.
Chu kỳ 15 ngày chưa sát diễn biến
Bộ Công thương đưa ra phương án giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày đầu chu kỳ dự trữ lưu thông (chu kỳ này tiếp tục được giữ nguyên 30 ngày) và đánh giá là phù hợp với thực tiễn kinh doanh xăng dầu trong nước, đồng thời đưa giá về sát diễn biến thế giới hơn. Theo quan điểm của Bộ, thực tế, có thời điểm xăng dầu nhập khẩu từ lúc vận chuyển về đến Việt Nam, làm các thủ tục hải quan đến tồn trữ vào kho mất khoảng 7-15 ngày. Do đó, việc lấy chu kỳ tính giá như trên sẽ phù hợp với chu kỳ nhập khẩu và thực tế kinh doanh.
Tuy nhiên, đại diện một DN xăng dầu đầu mối có thị phần lớn ở phía Nam cho rằng căn cứ mới tuy có rút ngắn lại thời gian so với Nghị định 84 là bình quân giá 30 ngày, nhưng về bản chất hầu như không thay đổi vì giá cơ sở vẫn không theo sát được với biến động của giá xăng dầu thế giới. Từ đó, sẽ phát sinh tình trạng khi giá xăng dầu thế giới tại thời điểm điều hành giá đang giảm nhưng giá cơ sở 15 ngày đầu chu kỳ dự trữ vẫn còn cao nên phải tăng giá bán trong nước, và ngược lại khi giá thế giới đang tăng nhưng do giá cơ sở 15 ngày đầu chu kỳ dự trữ thấp nên giảm giá bán trong nước.
Sự bất hợp lý “ngoài giảm trong tăng” này từ trước đến nay vẫn được báo chí và nhiều chuyên gia phản ánh. Một bất cập khác là khi giá cơ sở 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ đang tương ứng với giá bán trong nước, nhưng nếu chỉ tính giá bình quân 10 hoặc 15 ngày gần thời điểm điều hành giá thì lại rất cao (hoặc rất thấp) so với giá bán trong nước cùng thời điểm.
“Trường hợp thấp hơn sẽ xảy ra tình trạng một số thương nhân đầu mối “cơ hội” tranh thủ nhập nhanh hàng về đưa ra thị trường tiêu thụ với mức thù lao rất cao, trong khi những thương nhân đầu mối luôn có nguồn hàng ổn định không thể thực hiện được như thế và vẫn phải chấp nhận cạnh tranh thù lao để bán hàng”, vị đại diện này cho biết.
Vẫn bất ổn quỹ bình ổn
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng yếu tố mấu chốt là quỹ bình ổn xăng dầu vốn chứa đựng nhiều bất hợp lý vẫn chưa được thay đổi trong bản dự thảo mới.
Theo ông Phong, thực tế cho thấy mỗi DN có số lượng bán ra không giống nhau, do đó mức trích và xả quỹ cũng khác nhau, nhất là chúng không cùng thời điểm hết quỹ, còn giá cả thì bị cố định chung cho toàn ngành; việc bù lỗ dễ làm sai lệch các con số và dễ bị lợi dụng trong khi rất khó kiểm tra, nhất là lúc xuất hiện liên kết lợi ích nhóm giữa các bên liên quan.
Về bản chất, người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá “rẻ” hơn khi xả quỹ. “Cảnh “mượn đầu heo nấu cháo” này khiến người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng dầu khi xả quỹ song lại luôn chịu thiệt do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho quỹ, như kiểu cho vay không lãi. Rốt cuộc, dường như chỉ có DN xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức cũng như được nhiều hơn mất từ mọi hoạt động thu chi quỹ bình ổn”, ông Phong nói.
Hơn nữa, việc ủy thác quản lý thu trích lập và chi dùng quỹ cho DN có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lợi dụng và tham nhũng hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của quỹ. “DN có thể lợi dụng từ những “mưu mẹo” kế toán và thủ thuật gian lận khác về mức độ, thời điểm và số lượng xăng dầu nhập khẩu, tiêu thụ và tồn kho thực với số liệu báo cáo khi trích lập và xả quỹ”, ông Phong cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD