Thị trường

Doanh nghiệp xăng dầu: Lời ăn, lỗ bỏ?

Cả nước có gần 20 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối, cùng hàng trăm tổng đại lý, đại lý bán lẻ với gần 15.000, nhưng mức độ cạnh tranh khốc liệt chỉ tập trung ở nơi có điều kiện hạ tầng thuận lợi. Ở vùng sâu, vùng xa, do cước vận chuyển cao và nhiều rủi ro, thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phục vụ gần như tuyệt đối.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), các DN lớn, lâu đời bị cạnh tranh quyết liệt dẫn đến phải thu hẹp thị phần, đặc biệt là tại khu vực phía nam. Không ít trường hợp DN tranh giành đại lý xăng dầu của nhau.

Theo quy định, đại lý, cửa hàng xăng dầu chỉ được phép ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 1 DN đầu mối hoặc tổng đại lý, nhưng trên thực tế, các tổng đại lý/đại lý thường xuyên “bắt tay” với nhiều DN đầu mối để bán xăng dầu.
 
Sự cạnh tranh này thể hiện rõ nhất là mức chênh lệch giữa giá bán buôn với giá bán lẻ, mức chi hoa hồng giữa các đầu mối với tổng đại lý, đại lý bán lẻ.
 
Theo Bộ Tài chính, mức hoa hồng này cao nhất chỉ là 430đ/lít, nhưng trên thực tế, các DN thường xuyên cho các đại lý hưởng mức cao hơn, có thời điểm tới hơn 1.000đ/lít. Sự cạnh tranh để hút đại lý cũng khiến lợi nhuận của các DN đầu mối bị san sẻ. Do vậy, phần đông các DN đều chọn kinh doanh ở các địa bàn thuận lợi, bỏ trống những địa bàn khó khăn. Vùng sâu, vùng xa gần như vắng bóng các DN xăng dầu.
 
Ông Trần Ngọc Năm - Phó TGĐ Petrolimex (DN hiện chiếm khoảng 50% thị phần xăng dầu cả nước) - cho biết: Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thị phần của Petrolimex thậm chí là 100%, trong khi ở các thành phố lớn, như TPHCM - thị phần của tập đoàn này chỉ còn khoảng 20%.
 
Bà Trần Thị Thu Hương - GĐ Cty xăng dầu Hà Giang - chia sẻ: Do đường sá xa xôi, để vận chuyển xăng dầu từ HN (tại tổng kho Đức Giang) lên đến Hà Giang, trung bình chi phí vận chuyển khoảng 709đ/lít xăng, dầu. Còn nếu tính từ đầu nguồn (tại Cty xăng dầu B12 - Quảng Ninh) lên đến Hà Giang, cước phí vận chuyển bình quân lên tới 1.217đ/lít, lên đến huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là 1.595đ/lít.
 
Trong khi theo quy định, giá xăng, dầu bán ở các vùng khó khăn (được tính là vùng 2) được cộng thêm 2% thì cũng chỉ tương đương khoảng 400đ/lít xăng dầu.
 
Đó là chưa kể đưa xăng dầu lên đến Đồng Văn, Mèo Vạc còn bị hao hụt lớn do chênh lệch nhiệt độ, độ cao, khiến mỗi xe hàng có khi hao hụt tới 200-300 lít. Bên cạnh đó là những khó khăn do chi phí đầu tư xây dựng các cây xăng, chi phí quản lý vận hành cao, nhưng lượng bán thấp, khiến các DN đầu mối đều không mặn mà.
 
Ông Trần Ngọc Năm cho biết: Năm 2013, Petrolimex đã phải bù lỗ cho Cty xăng dầu Hà Giang 7,7 tỉ đồng do kinh doanh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa như tại 6 huyện vùng cao núi đá là Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì.
 
Đây là các huyện nghèo của Hà Giang, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, hiện duy nhất Petrolimex phủ kín 100% địa bàn các huyện này, với 9/23 cửa hàng trên toàn tỉnh. Để làm nhiệm vụ chính trị, hằng năm Petrolimex đều có kế hoạch bù lỗ cho các đơn vị thành viên kinh doanh ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, năm 2013 khoảng 100 tỉ đồng. Năm nay, tập đoàn đang xem xét bù lỗ cho Quảng Trị, Cà Mau...
 
Bất cập trong cơ chế giá xăng dầu đã khiến DN phải bù chéo giá trong nội bộ tập đoàn, trong khi không thu hút được các nguồn lực từ bên ngoài. Tại nhiều địa bàn, tập đoàn cung ứng xăng dầu không phải vì mục tiêu lợi nhuận, mà để làm nhiệm vụ chính trị.
 
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề nghị, liên bộ Tài chính - Công Thương cần tính toán điều chỉnh dần từng bước để có sự dãn cách về giá bán giữa các vùng thuận lợi và các vùng khó khăn, thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường... 
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo