Lập tổ phản ứng nhanh, lắng nghe doanh nghiệp khi Mỹ áp thuế lên hàng Việt
DNVN - Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp ứng phó trước quyết định áp thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Điểm danh 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất 10 năm qua / 5 năm thực thi EVFTA: Xuất khẩu sang EU tăng mạnh
Sau khi lắng nghe báo cáo từ các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng cạnh tranh gay gắt, phức tạp và khó đoán định. Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp về chính trị, ngoại giao, kinh tế nhằm duy trì và mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác lớn, trong đó có Hoa Kỳ.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ có chính sách phù hợp với quan hệ song phương tốt đẹp, đáp ứng mong muốn của người dân hai nước cũng như cân nhắc những nỗ lực của Việt Nam. Ông cũng lưu ý rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, do đó cần có cách tiếp cận hợp lý trong chính sách thương mại.
Trước diễn biến mới này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành giữ vững bản lĩnh, chủ động, linh hoạt và có đối sách kịp thời, hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lập tổ phản ứng nhanh, lắng nghe ý kiến và đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh: VGP)
Nhằm kịp thời ứng phó, Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ phản ứng nhanh do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ chủ trì các cuộc làm việc với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, để lắng nghe ý kiến và đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Nhìn nhận đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội, Thủ tướng kêu gọi tăng tốc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, xanh hóa, số hóa, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Đẩy mạnh mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác thương mại, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Thúc đẩy nội địa hóa, tận dụng tối đa tài nguyên và thị trường trong nước. Rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách để thích ứng với biến động toàn cầu. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại.
Trước đó, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với các đối tác thương mại. Trong đó, Việt Nam chịu mức thuế 46%, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar.
Thống kê của Cục Hải quan cho thấy, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD.Với mức kim ngạch xuất khẩu này, hàng Việt sẽ chịu khoảng 54,7 tỷ USD tiền thuế, tương đương hơn 10% GDP của Việt Nam.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo