Các tập đoàn lớn cân nhắc đầu tư vì thuế tối thiểu toàn cầu
DNVN - Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới. Tuy nhiên, các tập đoàn lớn trì hoãn kế hoạch đầu tư mới, mở rộng đối với các dự án quy mô lớn trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Nhôm Xingfa Trung Quốc "lấn sân" thị trường Việt Nam và sự bất an của doanh nghiệp trong nước / Ngành nông nghiệp tập trung giải ngân dự án chuyển tiếp còn vướng mắc
Cân nhắc đầu tư
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài dù đã cải thiện so với các tháng đầu năm nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022 0,8 % và ước đạt khoảng 7,65 tỷ USD.
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI. Các nhà đầu tư châu Á vẫn là chủ yếu. 6 đối tác đầu tư truyền thống, gồm Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng. Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng.
Các tập đoàn lớn hiện đang xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới. Tuy nhiên, các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC).
Trước đó, trong báo cáo đưa ra hồi tháng tư, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đưa ra nhận định tương tự. Đồng thời cho biết, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đăng ký mới trong 4 tháng.
Mới đây, giải đáp vấn đề đại biểu Quốc hội hỏi về FDI, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đề cập đến nội dung này. Theo Bộ trưởng, việc triển khai quy tắc thuế TTTC làm các tập đoàn lớn trì hoãn kế hoạch đầu tư mới, mở rộng đối với các dự án quy mô lớn, để quan sát phản ứng chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư, nhằm lựa chọn địa điểm tối ưu và có tính cạnh tranh nhất.
Cần có ứng xử phù hợp
Thuế TTTC là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù ở bất kỳ quốc gia nào.
Hiện hơn 1.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế TTTC. Trong đó, hơn 70 DN có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế TTTC ngay từ năm 2024.
Là chính sách phát sinh từ bên ngoài, thuế suất TTTC được cho là có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư.
Tại Việt Nam, thuế TTTC cũng là chủ đề được cộng đồng DN, Chính phủ và các bộ ngành quan tâm. Đa số các ý kiến hiện nay cho rằng, các ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ không còn hiệu lực, mà phải dựa vào những thế mạnh khác của Việt Nam. Bình quân thuế suất Việt Nam áp với các tập đoàn lớn khoảng 12% - tức là thấp hơn mức thuế TTTC 15%. Công ty mẹ sẽ phải đóng thêm ở nước sở tại là 3% để đủ mức thuế TTTC.
Xu hướng toàn cầu này không chỉ đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng DN, mà còn đòi hỏi phải có những thích ứng nhanh chóng, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.
Vì thế, giới chuyên gia cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan, kể cả các nước "nguồn" cũng như nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, cần có đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT kiến nghị, Việt Nam cần sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo