Đầu tư

Cân nhắc lựa chọn liên doanh BRG – Sumitomo hay nhà đầu tư trong nước xây dựng cảng Liên Chiểu

DNVN - Theo BQL dự án Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), liên doanh giữa Tâp đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) chỉ mới là một trong các nhà đầu tư quan tâm dự án Cảng Liên Chiểu. Việc khẳng định liên doanh này là nhà đầu tư cảng Liên Chiểu là chưa chính xác mà phải thực hiện chọn lựa theo đúng quy định của Luật Đầu tư.

Đà Nẵng: Đề nghị thu hồi 197,57ha đất thực hiện dự án Công viên Bách thảo / Đà Nẵng: Không có tàu thuyền nào đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của siêu bão RAI

Liên doanh BRG – Sumitomo được chọn làm nhà đầu tư cảng Liên Chiểu?

Theo Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng, ngày 21/12 vừa qua, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh đã đồng chủ trì buổi tiếp và làm việc với Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sumitomo Việt Nam Koichi Taniguchi về một số dự án phát triển hạ tầng đô thị mà TP Đà Nẵng đang tập trung kêu gọi đầu tư.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh (người đang chỉ tay) khảo sát địa điểm sẽ xây dựng cảng Liên Chiểu (Ảnh tư liệu chụp hồi tháng 3/2021)

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh (người đang chỉ tay) khảo sát địa điểm sẽ xây dựng cảng Liên Chiểu (Ảnh tư liệu chụp hồi tháng 3/2021).

Liên quan đến sự kiện này, vài ngày qua truyền thông trong nước có đưa tin, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga thay mặt đối tác hợp tác đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) đưa ra những kế hoạch, lộ trình và quyết tâm đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu trở thành cảng biển đặc biệt của quốc gia, có thể khai thác kinh tế biển cùng các cảng khác trong nước như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (TP Hồ Chí Minh)... Đây cũng là chiến lược phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư cảng Liên Chiểu mà TP Đà Nẵng đang tiến hành.

Sau khi trao đổi, nắm bắt đề xuất của liên danh nhà đầu tư BRG – Sumitomo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thống nhất với nhà đầu tư thành lập tổ công tác phối hợp giữa nhà đầu tư và chính quyền, giao BQL Dự án Cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng làm đầu mối cung cấp các thông tin nhà đầu tư cần biết, xử lý các thủ tục liên quan để tháng 9/2022 khởi công được cảng Liên Chiểu phần hạ tầng dùng chung.

Trước những thông tin này, ngày 27/12, ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng đăng trên Facebook bài viết mang tiêu đề “Câu chuyện Cảng Liên Chiểu”. Theo ông, hai năm qua tuy ảnh hưởng dịch COVID-19 song các ngành vận tải biển, cảng biển, logistics thế giới vẫn phát triển tốt. Đặc biệt giá cước vận tải container tăng cao giúp ngành cảng biển hoạt động có hiệu quả, tăng thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Sia, dọc theo bờ biển nước ta, mỗi miền có một cụm cảng biển lớn. Miền Nam có Cụm cảng Thị Vải - Cái Mép; miền Bắc đã và đang xây dựng cảng Lạch Huyện. “Hai đầu Nam - Bắc có các cụm cảng “hùng cứ một phương”, chiếm 95% sản lượng container cả nước, còn miền Trung chỉ có 5%. Trong tương lai, cần có một cảng đầu mối, mớm nước sâu làm “đòn bẩy” cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực” – ông Nguyễn Hữu Sia viết.

Doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực, kinh nghiệm làm cảng Liên Chiểu tốt hơn?

Nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia nêu rõ, bờ biển miền Trung có nhiều vị trí có thể xây cảng, nhưng vịnh Đà Nẵng có độ sâu vũng neo tàu từ 15-17m, tương đối kín gió, phù hợp với việc xây dựng cảng cho tàu trọng tải lớn (100.000 DWT). Vùng hậu phương Đà Nẵng là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) nối liền 4 nước Myanmar, Thailand, Lào và Việt Nam, là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho toàn khu vực, dễ kết nối các phương tiện giao thông, giảm chi phí logistics…

“Cảng Liên Chiểu xứng đáng nhận sứ mệnh “Hùng cứ một phương” để làm đòn bẩy cho khu vực miền Trung và sánh vai với các cụm cảng lớn hai đầu đất nước. Nhận biết tầm quan trọng đó, kế hoạch xây dựng cảng Liên Chiểu đã được TP Đà Nẵng và các bên liên quan đặt ra từ năm 2010, nhưng đến nay hơn chục năm tiến độ vẫn khá chậm. Được biết năm 2021, dự án được Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư (xong phần tiền khả thi), dự kiến khởi công cuối năm 2022” – Ông Nguyễn Hữu Sia thông tin.

Ông Nguyễn Hữu Sia cũng nhắc lại, vừa qua có thông tin Tập đoàn BRG liên doanh với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm việc với TP Đà Nẵng và Chính phủ để xây dựng hợp phần A và hợp phần B cảng Liên Chiểu. Theo ông, trong hội nhập thì một tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài tham gia vốn, công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực… để xây dựng cảng biển, đóng góp cho việc phát triển kinh tế miền Trung và TP Đà Nẵng là đáng hoan nghênh!

“Tuy nhiên với những ngành nghề mà các doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực, kinh nghiệm xây dựng và khai thác như cảng biển thì nên để doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm là tốt hơn. Nhà nước muốn tham gia góp vốn thì nên tiếp tục bán cổ phần các cảng cũ, hiệu quả thấp… để tập trung vốn cho các cảng đầu mối quốc gia nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay, bến cảng làm nòng cốt cho công nghiệp hoá đất nước” – Ông Nguyễn Hữu Sia nêu quan điểm.

Phải thực hiện theo đúng Luật Đầu tư

Được sự đồng ý của ông Nguyễn Hữu Sia và để rộng đường dư luận, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa những ý kiến của ông đến trao đổi với BQL dự án Cảng Liên Chiểu. Theo đại diện BQL dự án Cảng Liên Chiểu (đề nghị chưa nêu tên), những ý kiến của ông Nguyễn Hữu Sia về tầm mức quan trọng vầ sự cấp thiết phải sớm đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là rất đúng.

“Tuy nhiên lúc này mà khẳng định BRG và Sumitomo đã là nhà đầu tư cảng Liên Chiểu thì chưa chính xác. TP Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án lớn, quan trọng như di dời ga đường sắt, mở rộng sân bay, cảng biển... và họ đang là một trong những nhà đầu tư quan tâm. Còn việc lựa chọn nhà đầu tư nào thì phải thực hiện theo đúng Luật Đầu tư!” – Đại diện BQL dự án Cảng Liên Chiểu nhấn mạnh.

Theo vị này, TP Đà Nẵng hoan nghênh các nhà đầu tư trong nước đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia dự án. Tuy nhiên vị này cho rằng, nếu chỉ có doanh nghiệp trong nước thì nguồn lực tài chính sẽ hạn chế, nên khó có khả năng đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, năng lực tự động hóa cao, khả năng xếp dỡ hàng hóa nhanh chóng. Đó là chưa xét đến yếu tố năng lực quản trị doanh nghiệp ở tầm tập đoàn đa quốc gia về vận tải tàu biển với hệ thống khách hàng lâu năm và chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đưa ra ví dụ về hãng vận tải biển lớn thứ 2 thế giới là Tập đoàn toàn cầu MSC (trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ), vị đại diện BQL dự án Cảng Liên Chiểu nêu rõ, chuỗi cung ứng hàng hóa trong xây dựng và kinh doanh cảng biển là vô cùng quan trọng. Nếu xây dựng cảng xong rồi ngồi chờ hàng đến thì không ổn, mà phải gắn việc xây dựng cảng với việc khai thác trong tương lai.

“Muốn cảng nhộn nhịp, tăng trưởng, đóng góp GDP cao thì phải có chân hàng, đặc biệt là các tuyến vận tải xa, sử dụng tàu mẹ từ 100.000 DWT trở lên. Quan trọng là bài toán kinh tế, nếu doanh nghiệp trong nước liên doanh được với các tập đoàn vận tải biển tầm cỡ hàng đầu thế giới là tốt nhất!” – Đại diện BQL dự án Cảng Liên Chiểu nói.

Với vị trí địa chính trị chiến lược và tầm quan trọng của cảng Liên Chiểu, hiện nay đang có nhiều nhà đầu tư lớn về cảng biển trong nước và thế giới quan tâm, trong đó có Tập đoàn BRG và Sumitomo. Hiện chính quyền TP Đà Nẵng đang tập trung triển khai phần đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung (hợp phần A) bằng ngân sách nhà nước.

Đối với phần xây dựng – khai thác bến cảng (hợp phần B), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đà Nẵng đang chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, nhằm có thể triển khai song song và phát huy được hiệu quả của phần cơ sở hạ tầng dùng chung được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.

“Có thể lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư hoặc Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Tuy nhiên Luật Đầu tư thường được lựa chọn để áp dụng, vì Luật PPP phải xác định được phần góp vốn của nhà nước và trình tự thủ tục kéo dài!” – Đại diện BQL dự án Cảng Liên Chiểu chia sẻ.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm