Thị trường

Đà Nẵng: Không đóng cửa chợ, kể cả trong tình huống dịch cấp 4

DNVN - Ngày 26/12, Sở Công Thương Đà Nẵng công bố phương án 335/PA-SCT đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu trong các tình huống phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo từng cấp độ bình thường hoặc cấp 1 – nguy cơ thấp (bình thường mới); nguy cơ trung bình (cấp 2); nguy cơ cao (cấp 3) và nguy cơ rất cao (cấp 4).

EVNCPC đưa “điện đi trước một bước” để thu hút đầu tư vào Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) / Đà Nẵng: Đề nghị thu hồi 197,57ha đất thực hiện dự án Công viên Bách thảo

Theo đó, trong điều kiện bình thường hoặc cấp 1 – nguy cơ thấp (bình thường mới) và nguy cơ trung bình (cấp 2), các đơn vị cung ứng, phân phối được phép hoạt động gồm chợ truyền thống, chợ đầu mối; trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini); siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng lương thực, thực phẩm và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại khác. Các đơn vị cung ứng, phân phối này phải có thiết bị quét mã QRCode cá nhân hoặc mã QRCode địa điểm để kiểm soát, quản lý người ra/vào

Đà Nẵng sẽ không đóng cửa chợ như trước đây, kể cả khi xảy ra tình huống dịch cấp 4 - nguy cơ rất cao

Đà Nẵng sẽ không đóng cửa chợ như trước đây, kể cả khi xảy ra tình huống dịch cấp 4 - nguy cơ rất cao.

Trong điều kiện nguy cơ cao (cấp 3), các đơn vị cung ứng, phân phối nêu trên vẫn được phép hoạt động. Tuy nhiên chợ truyền thống, bao gồm cả khu vực bán lẻ trong chợ đầu mối, chỉ được phép bán mang về đối với hàng ăn uống, không phục vụ tại chỗ; chỉ bố trí luân phiên tối đa 50% gian hàng/quầy hàng, có vách ngăn giữa người bán và người mua, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối phục vụ tối đa 20 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2m giữa người với người.

Đáng chú ý, trong điều kiện nguy cơ rất cao (cấp 4) thì các đơn vị cung ứng, phân phối nêu trên, kể cả các chợ truyền thống, chợ đầu mối vẫn được phép hoạt động chứ không phải đóng cửa như trước đây. Ngoài ra, ngành công thương và chính quyền các địa phương còn tổ chức thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động để kịp thời cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Theo đó, chợ truyền thống, bao gồm cả khu vực bán lẻ trong chợ đầu mối chỉ được phép bán mang về đối với hàng ăn uống, không phục vụ tại chỗ; chỉ bố trí luân phiên tối đa 50% gian hàng/quầy hàng, có vách ngăn giữa người bán và người mua, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối (trừ khu vực bán lẻ) phục vụ tối đa 10 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2m giữa người với người. Người tham gia hoạt động phải có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong 72 giờ.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh, phương án này được áp dụng trong phạm vi cấp độ dịch theo quy mô quận, huyện. Tùy theo cấp độ dịch trên quy mô xã, phường, UBND các quận, huyện chủ động xây dựng và thực hiện phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu trong các tình huống phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp.

Các đơn vị cung ứng, phân phối, người tham gia hoạt động cung ứng, người vận chuyển và người dân trong quá trình hoạt động, mua bán phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về công tác phòng, chống dịch và chỉ đạo của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Đồng thời các cơ quan chức năng có liên quan, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, cung cầu hàng hoá để phối hợp với các đơn vị cung ứng, phân phối hàng hoá có hướng xử lý phù hợp, đảm bảo hàng hoá phục vụ nhu cầu của người dân.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm