Đầu tư

Mua sắm trực tuyến thúc đẩy nhu cầu kho lạnh tăng cao: Cơ hội đầu tư lớn tại Việt Nam

DNVN - Trên trang của The Load Star, một chuyên trang tại Anh về vận chuyển trên thế giới gần đây đã có bài phân tích về tình trạng khan hiếm kho lạnh, giá kho lạnh tăng cao và sự quan tâm của các nhà đầu tư phát triển đối với thị trường Việt Nam, quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới.

Thông điệp hợp tác của Thái Lan sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với mía đường / Xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi mạnh mẽ

Trên trang của The Load Star, một chuyên trang tại Anh về vận chuyển trên thế giới gần đây đã có bài phân tích về tình trạng khan hiếm kho lạnh, giá kho lạnh tăng cao và sự quan tâm của các nhà đầu tư phát triển đối với thị trường Việt Nam, quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới.

Nhu cầu kho lạnh tăng cao do đại dịch Covid-19

Theo công ty tư vấn bất động sản JLL, các cơ sở kho lạnh tại Hoa Kỳ cũng như Australia đang hoạt động ở công suất tối đa. Liên minh Chuỗi lạnh Toàn cầu (GCCA) cho biết, tại Australia đang xảy ra khủng hoảng kho lạnh, khi mỗi người dân thành thị cần có 0,15 m3 kho lạnh, nhưng thực tế chỉ đạt được một nửa con số trên.

Xu hướng mua sắm hàng hóa trực tuyến chính là động lực thúc đẩy nhu cầu kho lạnh tăng cao. Tỷ lệ mua hàng trực tuyến đã tăng gấp đôi, từ 5% vào năm 2019 lên đến 10% vào năm ngoái trên toàn cầu. Điều này dẫn đến tình trạng tranh giành các cơ sở kho bãi gần khu vực dân cư tại nhiều quốc gia.

Tại châu Á, làn sóng thương mại điện tử ngày càng phát triển, cùng với việc tầng lớp trung lưu ngày càng đông, đã khiến hàng tươi sống, tạp hóa ngày càng hút hàng trên các sàn thương mại điện tử. Công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Hoa Kỳ) dự báo, nhu cầu giao hàng tạp hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm 30% cho đến năm 2024. Tại Hoa Kỳ, mua sắm trực tuyến sẽ tăng tỷ lệ gấp đôi, ở mức 21,5% vào năm 2025.

Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới. Lĩnh vực xuất khẩu thủy sản là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất tại Việt Nam. Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, có đến 30-50% đơn hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy, dẫn đến hàng tồn kho leo thang, khiến hàng tồn trữ tại các kho lạnh và hoạt động công suất tối đa.

Tại Việt Nam, kho lạnh thương mại đầu tiên được xây dựng năm 1996 bởi Konoike Vinatrans, một liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tới năm 1998, Swire Cold Storge của Úc xây dựng một trong những kho lạnh hiện đại nhất thời bấy giờ. Năm 2007, Công ty cổ phần Hùng Vương xây dựng hai kho lạnh với tổng sức chứa là 40.000 tấn hàng. Những doanh nghiệp khác có thể kể đến LOTTE Sea (2009) và Preferred Freezer Services (2010). Nguồn cung bị hạn chế một phần là do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng hơn các loại bất động sản hậu cần khác. Việc xây dựng các kho bảo quản lạnh sẽ phức tạp và tốn kém hơn so với các kho tiêu chuẩn.

Trung tâm kho lạnh là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà khai thác

Nhu cầu lớn khiến các nhà phát triển phải đáp ứng theo, dẫn đến sự bùng nổ xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo công ty tư vấn Emergen, xây dựng chuỗi kho lạnh được dự đoán sẽ đạt giá trị 18,6 tỷ USD vào năm 2027, tăng 13,8%/năm.

Tiềm năng của kho lạnh đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản, cả các quỹ đầu tư mạo hiểm và bên cho vay. Các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc kho lạnh như một khoản đầu tư thay thế cho bất động sản công nghiệp truyền thống, các công ty logistics cũng đang tìm cách mở rộng sang các thị trường mới.

Quỹ tín thác đầu tư bất động sản của công ty hàng đầu về kho lạnh Lineage Logistics (Hoa Kỳ) đã bắt đầu bước vào cuộc đua mua bán xuyên Đại Tây Dương. Ngày 8/6 vừa qua, Lineage Logistics thông báo mua lại Tập đoàn Kloosterboer, nền tảng tích hợp cho các dịch vụ lưu trữ, logistics và dịch vụ giá trị gia tăng.

Kloosterboer có 11 cơ sở tại Hà Lan, Pháp, Đức, Nam Phi và Canada, với tổng sức chứa 6,4 triệu m3. Ông Mike McClendon, Chủ tịch phụ trách hoạt động quốc tế của Lineage cho hay, động thái mua lại Kloosterboer là một bước tiến lớn của Lineage Logistics "với mục tiêu trở thành công ty logistics chuỗi lạnh nặng động nhất thế giới".

Một tuần sau, Lineage tiếp tục công bố thỏa thuận mua lại bộ phận kho lạnh của Tập đoàn Claus Sørensen. Claus Sorensen có 9 cơ sở kho lạnh khắp Đan Mạch, với tổng công suất 800.000 m3, nằm gần các cảng chính và các cơ sở sản xuất thực phẩm. Thực tế, Lineage lựa chọn mở rộng quy mô sản xuất đúng vào thời điểm như cầu về kho lạnh đang ở mức cao, và dự báo xu hướng này sẽ còn duy trì như vậy trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng chuỗi lạnh đã mở rộng hoạt động. Hiện Lineage có hơn 2,1 tỷ feet công suất tại 15 quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Năm ngoái, công ty vận tải và kho bãi Americold (Hoa Kỳ) đã chi 461 triệu USD cho các cơ sở bảo quản lạnh mới, gấp đôi số tiền dự kiến trong năm. Ngoài ra, công ty này còn chi 2,6 tỷ USD cho các thương vụ mua lại cũng trong năm 2020.

Ngành công nghiệp thực phẩm trên toàn cầu ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ logistics mở rộng phạm vi tiếp cận quốc tế. Tháng 5 năm ngoái, Lineage đã tiến vào thị trường Tây Ban Nha thông qua việc mua lại Frigorifricos de Navarra và một kho lạnh từ Frioastur ở Gijon.

Nguồn vốn cho các dự án mở rộng và xây dựng mới như vậy cũng ngày càng dễ tiếp cận. Tháng 3 vừa qua, Lineage đã huy động được 1,9 tỷ USD tài trợ nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.

Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, chuyên gia JLL cho rằng ngành hậu cần của Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí đi trước các nước khác, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam, bao gồm cả thời gian và chi phí, vẫn cần cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, như chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL nhấn mạnh: “Với chuỗi cung ứng lạnh không tập trung và hầu hết được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, trung tâm kho lạnh là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà khai thác”.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm