Thị trường

Giảm lãi suất tiền gửi về 0%: Một tưởng tượng đầy nguy hiểm

Đưa lãi suất tiền gửi về 0% được giới chuyên môn nhìn nhận là một đề xuất tưởng tượng của những người ngồi trong phòng máy lạnh, thiếu tầm nhìn về nền tảng kinh tế vĩ mô, cấu trúc xã hội, dân số, chính sách tiết kiệm và đầu tư.

Chính sách cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để trả lương là khó tiếp cận nhất / Hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động

Không khả thi

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương nêu đề xuất với nội dung hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.

Theo VAFI, mức lãi suất này được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng, thậm chí, có một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi). Chính sách này nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5%), qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.

Tại Việt Nam, tiền gửi bằng VND trong ngắn hạn và trung hạn đang ở mức 3,5-6,2%. Theo VAFI, mức này "rất cao" so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng gấp 2-3 lần. Điều này được cho là một bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Tuy nhiên, ý kiến từ giới chuyên gia đều cho rằng, tại thời điểm này, việc kéo lãi suất xuống gần bằng 0%/năm là không khả thi. Chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Đắc Hưng cho rằng, nếu thực hiện, sẽ tạo ra hiện tượng người dân rút tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các kênh đầu tư khác, gây ra những bất ổn đối với nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có thể bị đặt trong tình trạng thiếu thanh khoản, trong khi tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, đất đai, "đốt nóng" thị trường tài chính và bất động sản.

Giảm lãi suất tiền gửi về 0%: Một tưởng tượng đầy nguy hiểm
Nhiều chuyên gia cho rằng, kiến nghị đưa lãi suất tiền gửi về 0% của VAFI là bất khả thi (ảnh minh họa)

VAFI có đề xuất một số giải pháp để dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm, trong đó có áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi để hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất. Cho dù điều này trở thành hiện thực và thị trường bất động sản không còn hấp dẫn nữa thì người dân vẫn có những kênh đầu tư khác với lãi suất cao, chẳng hạn như đầu tư vào chứng khoán, vàng, tiền điện tử, cho vay nặng lãi,...

Việc hạ lãi suất cho vay xuống thấp là điều cần thiết, nhưng cần sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất cho vay chiết khấu, lãi suất cho vay tái cấp vốn, lãi suất cho vay trên thị trường mở,... TS. Hưng nhận định.

Theo chuyên gia ngân hàng Phạm Nam Kim, lạm phát Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Năm 2020 là 3,2%, dự báo lạm năm 2021 vào khoảng 3,5-4%.Giả sử chúng ta đưa được lãi suất tiền gửi về 0% trong khi lạm phát như vậy, liệu người dân có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng? Trong khi đó, dòng vốn huy động từ tiền gửi của hệ thống ngân hàng vẫn 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân sẽ mang tiền đi đầu tư vào những kênh khác, dẫn đến hiện tượng các ngân hàng không đảm bảo thanh khoản. Nếu thiếu thanh khoản thì ngân hàng bắt buộc phải nâng lãi suất huy động lên để huy động, như vậy mục đích giữ lãi suất huy động ở mức 0% là không khả thi. Không những thế, thiếu thanh khoản, sẽ dẫn đến thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, như vậy khách hàng đứng trước thực tế phải cạnh tranh để được vay vốn.

Điều này sẽ khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên, nếu không thì chi phí không chính thức vay vốn cũng tăng lên, chứ không thể giữ thấp được. Mục đích giữ lãi suất cho vay thấp cũng sẽ không thành.

Rất nguy hiểm

Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực đánh giá, với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Nhưng trong 5 tháng đầu năm, tiền gửi ngân hàng chỉ tăng khoảng 3%, trong khi tín dụng tăng 5%, còn dòng tiền cá nhân đổ vào chứng khoán, bất động sản... thì tăng rất cao.

Muốn kéo lãi suất huy động về 0%, phải kéo lạm phát xuống rất thấp. Nếu lãi suất 0%/năm mà lạm phát 4%, tức là lãi suất thực âm là 4%, thì chắc chắn thị trường sẽ không chấp nhận được và dòng tiền sẽ còn rút ra khỏi hệ thống ngân hàng mạnh hơn nữa, tạo ra tình trạng mất thanh khoản rất nhanh chóng và rất nguy hiểm.

Trong văn bản, VAFI cũng đề nghị hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ, với kỳ hạn dài, để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm. Điều này, theo nhiều chuyên gia, cũng không có cơ sở khoa học và thực tiễn nào. Ở Việt Nam, lãi suất 2%/năm là quá thấp, không khiến người dân quan tâm và họ sẽ bỏ vốn vào những nơi rủi ro hơn.

Hạ lãi suất tiền gửi còn 0% được giới chuyên môn nhìn nhận là một đề xuất tưởng tượng, của những người chỉ ngồi trong phòng máy lạnh, không có kiến thức thực tế và thiếu tầm nhìn về nền tảng kinh tế vĩ mô, cấu trúc xã hội, dân số, chính sách tiết kiệm và đầu tư.

Cũng VAFI vào năm 2011 đã từng có đề xuất gây sốc về việc ban hành một lọai phí có tên: “Phí được quyền mua ô tô, xe máy’. Trong đề xuất này, VAFI cho rằng, nguyên tắc cơ bản mà Việt Nam cần phải xác định là nếu không có những giải pháp cương quyết, mạnh mẽ trong việc hạn chế sử dụng ô tô, xe máy thì sẽ có ngày (trong tương lai gần) không có đường để đi, mặc dù hằng năm ngân sách Nhà nước bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để phát triển giao thông công cộng. Đề xuất này cũng gây phản ứng dữ dội trong dư luận.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm