Lối đi "an toàn" cho các startup: Khởi đầu bằng thị trường ngách
Startup Việt được hỗ trợ phát triển giải pháp tái chế rác thải nhựa / Facebook "siết" bản quyền: Giải pháp nào cho nhà sáng tạo nội dung tránh vi phạm?
Việt Nam đang sở hữu một hệ sinh thái khởi nghiệp tiềm năng với những đổi mới và tăng trưởng nhanh chóng. Dù số lượng các quỹ đầu tư và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ngày một nhiều, đa phần các nguồn lực chỉ tập trung hỗ trợ các nhà sáng lập trưởng thành với kinh nghiệm khởi nghiệp lâu năm.
Trong khi đó, cộng đồng khởi nghiệp của người trẻ trong độ tuổi 18 - 25, với nhiều hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm, là những người cần hỗ trợ nhất, lại chưa nhận được nhiều sự quan tâm.
Các startup trẻ thường tìm sự giúp đỡ qua các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp sinh viên ngắn hạn, đôi khi không thực sự khớp với nhu cầu thực tế của các startup, dẫn đến tỷ lệ thất bại cao.
Trăn trở bởi thực trạng này, UpYouth - hệ sinh thái hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã quay trở lại với mùa 2 chương trình vườn ươm khởi nghiệp dành cho tech-startup trẻ tại Việt Nam. Chương trình nhằm hỗ trợ người trẻ với nguồn lực tốt nhất và kết nối các bạn trẻ tài năng cùng chung lý tưởng.
Trong khuôn khổ chương trình, với mục tiêu dẫn dắt các startup từ ý tưởng ban đầu đến khi khởi nghiệp thành công, UpYouth đã tổ chức chuỗi hội thảo trong 6 tuần cung cấp kiến thức toàn diện về cách xây dựng và duy trì một startup với sự tham gia của các giám đốc cấp cao và những chuyên gia hàng đầu trong giới khởi nghiệp, kinh doanh công nghệ.
Bắt đầu từ thị trường nhỏ
Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực thương mại điện tử cùng với một tư duy đổi mới, bà Huyền Trịnh - Co-Founder & CGO của Piktina, khuyến nghị các startup nên thống lĩnh thị trường nhỏ, thị trường ngách trước khi chuyển sang thị trường lớn hơn.
Cùng với đó là chinh phục khách hàng bằng sự thấu hiểu để từ đó phát triển giải pháp giúp giải quyết triệt để vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống.
Cần hiểu rõ khách hàng tiềm năng là ai, ở đâu, và có những biểu hiện gì để thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ.
Cuối cùng, các DN khởi nghiệp cần luôn chú trọng đến việc phát triển một sản phẩm thực sự tốt và có giá trị xã hội.
Sau nhiều năm làm cố vấn và khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, ông Peter Nguyễn, Co-founder & Chairman tại Thuocsi.vn đã đúc kết được những bài học trong quá trình xây dựng một startup thành công ở giai đoạn đầu. Ông khuyên các startup hãy bắt đầu từ thị trường nhỏ. Cần trả lời câu hỏi làm sao để xác thực ý tưởng sản phẩm, làm cách nào để khách hàng hài lòng và cách kiếm tiền từ sản phẩm.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu kim chỉ nam của startup để định hướng cho quá trình phát triển lâu dài. Dựa vào đó để đặt ra KPI thúc đẩy quá trình xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường, sau đó mở rộng quy mô.
Đối với chiến lược định giá - một trở ngại lớn của các startup giai đoạn tìm kiếm khách hàng, ông Peter chia sẻ: "Đừng ngại tính phí khách hàng. Tính phí cho sản phẩm của bạn là điều quan trọng để hiểu nhu cầu của khách hàng và giá trị chúng ta mang lại cho họ".
Tối ưu hoá việc truyền tải giá trị sản phẩm
Trong khi đó, đúc rút kinh nghiệm sau hơn 15 năm phát triển các sản phẩm công nghệ, ông Michael Ngô - SEA General Director của Elsa - ứng dụng luyện nói dành cho người học tiếng Anh cho rằng, để định hướng quy mô mở rộng cho startup, các startup cần hiểu rõ vấn đề bạn đang giải quyết là vấn đề phổ quát hay vấn đề cụ thể của thị trường.
Nếu khách hàng không thực sự yêu thích những gì bạn đang xây dựng thì sản phẩm đó có thể sẽ không hiệu quả. Thay vì dành nhiều thời gian để làm một sản phẩm hoàn hảo, hãy hoàn thiện một sản phẩm đơn giản một cách nhanh chóng và liên tục cải thiện, làm cho sản phẩm tốt hơn dựa trên những phản hồi của khách hàng.
Đúc rút được nhiều bài học sau 10 năm làm việc ở các tập đoàn lớn trong và ngoài nước cũng như là đồng sáng lập của 4 startup công nghệ, ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO cho Alpha Asimov Robotics khuyến nghị, các startup tìm hiểu kỹ về tệp khách hàng mà DN nhắm đến, cũng như tự trả lời câu hỏi liệu sản phẩm chúng ta đã giải quyết được vấn đề khách hàng gặp phải không? Liệu sản phẩm của chúng ta liệu có đủ tốt để khách hàng cảm thấy xứng đáng để bỏ tiền ra không?
Việc trả lời những câu hỏi này nhằm mục tiêu cuối cùng luôn là làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng nhất với sản phẩm của mình.
Với những nỗ lực kiên trì sau những thất bại kêu gọi vốn thuở đầu, ông Charles Lee - đồng sáng lập của CoderSchool chia sẻ, các nhà đầu tư mạo hiểm phải nghe rất nhiều bài thuyết trình trong một ngày. Vì thế, mục tiêu quan trọng nhất của startup là nên tránh vòng vo và đi thẳng vào vấn đề mà bạn muốn giải quyết.
“Tránh việc lãng phí thời gian vào xây dựng slide thật đẹp mắt mà hãy tập trung tối ưu hóa việc truyền tải giá trị mà sản phẩm của bạn mang lại cho khách hàng thông qua các con số”, đồng sáng lập của CoderSchool nói.
Cho rằng đa số lần đầu gọi vốn sẽ không thành công, theo chuyên gia, các startup phải biết cách tạo ấn tượng đối với nhà đầu tư. Startup phải trả lời được câu hỏi: “Giả sử nếu nhà đầu tư chỉ nhớ 1 điều duy nhất sau bài thuyết trình của bạn, điều đó là gì?”.
Không nên cho đi nhiều hơn 25% cổ phần trước vòng gọi vốn pre-Seed (tiền tài trợ ban đầu) vì như thế sẽ gây bất lợi cho nhà sáng lập khởi nghiệp và những lần gọi vốn sau.
“Tôi mong muốn các startup luôn nỗ lực, vững tin trên hành trình khởi nghiệp và duy trì kêu gọi vốn, vì vốn dĩ thành công chỉ đến với ai kiên trì đến cuối”, ông Charles Lee bày tỏ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo