Bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề xanh bằng nền tảng pháp lý
FPT 'gặt hái' 13 giải thưởng Sao Khuê 2025 / KSB công bố nhận diện thương hiệu mới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, việc định vị và bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề xanh không chỉ là yêu cầu sống còn mà còn là điều kiện để nông sản Việt vươn ra thế giới.
Tọa đàm với chủ đề “Pháp lý nền tảng bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề xanh” diễn ra ngày 5/7 tại TP Hồ Chí Minh đã thu hút gần 60 chuyên gia, luật sư, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các chủ trang trại, làng nghề trên cả nước cùng tham dự, chia sẻ nhiều vấn đề thiết thực.
Chương trình do Viện Nghiên cứu Thị trường - Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp tổ chức, dưới sự chỉ đạo từ nhiều cơ quan trung ương.
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Liên – Chủ nhiệm CLB Doanh nhân IMRIC - IRLIE nhấn mạnh, việc định vị và bảo vệ thương hiệu không chỉ là quyền lợi, mà còn là ‘tấm hộ chiếu’ để sản phẩm Việt bước ra thị trường toàn cầu”.

Theo Thạc sỹ Trần Quốc Duy – Phó Viện trưởng Viện IMRIC, thương hiệu nông sản, làng nghề xanh không đơn thuần nằm ở mẫu mã hay mã QR, mà là biểu tượng của trách nhiệm, đạo đức và tri thức. Đó là giá trị được vun đắp qua từng mùa vụ, thể hiện cam kết của người nông dân với người tiêu dùng.
Chia sẻ từ thực tế, đại diện một doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ cho biết, đơn vị từng mất gần 6 tháng làm việc với cơ quan chức năng để xử lý một vụ đạo nhái bao bì trên thị trường nội địa. Dù sản phẩm vi phạm đã được thu hồi, nhưng tổn thất về uy tín là điều “không thể đong đếm”.
Tương tự, ông Hồ Văn Tứ – Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Long Phụng (Khánh Hòa) cho biết: “Điều khó nhất không phải là sản xuất sạch, mà là xây dựng thương hiệu đúng hướng. Ban đầu, tôi gần như đơn độc, nhưng nhờ kết nối với hiệp hội và cố vấn pháp lý, trang trại đã có thương hiệu riêng và được người tiêu dùng công nhận”.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, hay các biện pháp pháp lý hiện đại như blockchain, khiến thương hiệu dễ bị xâm phạm.
TS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, cần phổ biến sâu hơn các công cụ pháp lý, đặc biệt là kết hợp chuyển đổi số như truy xuất nguồn gốc, giám sát chuỗi cung ứng, quản lý sở hữu trí tuệ… Đây là "người gác cổng" hiệu quả, giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu từ gốc.
Kết thúc tọa đàm, các diễn giả có chung thông điệp: không nên xem thương hiệu là thứ xa xỉ, hãy xem đó là tài sản sống còn – như hạt giống, cần vun trồng đúng cách mới mong ra trái ngọt.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ trao bằng khen và thư cảm ơn đến các đơn vị đồng hành, cùng lễ kết nạp thành viên mới vào CLB Doanh nhân IMRIC – IRLIE. Đây không chỉ là ghi nhận đóng góp, mà còn lan tỏa tinh thần hợp tác và cùng xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững gắn với các làng nghề truyền thống của Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo