Liên kết doanh nghiệp để tạo thương hiệu ngành hàng
DNVN - Theo ông Bạch Thăng Long - Phó tổng giám đốc thường trực Công ty May 10, liên kết doanh nghiệp (DN) đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời hội nhập để tạo nên sức mạnh đồng thuận trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực cũng như xây dựng nên những thương hiệu về sản phẩm, ngành hàng uy tín ở thị trường trong và ngoài nước.
Hanoi Melody Residences - Không gian lý tưởng nâng niu mọi khoảnh khắc sum vầy / Nâng tầm thương hiệu và giá trị kinh tế cua Cà Mau
Hiện nay, Việt Nam có hơn 800.000 DN hoạt động ở mọi lĩnh vực, ngành nghề với rất nhiều hiệp hội như Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giầy Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam...
Vấn đề liên kết DN cũng đã được đưa ra ở rất nhiều diễn đàn, hội thảo. Tuy nhiên, ông Bạch Thăng Long - Phó tổng giám đốc thường trực Công ty May 10 cho rằng, nhìn chung, nhận thức của các DN về tầm quan trọng của liên kết vẫn còn hạn hẹp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
"Thực tế cho thấy hầu hết các DN chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm” hoặc “làm tất ăn cả”, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng", ông Bạch Thăng Long nêu.
Ông Bạch Thăng Long - Phó tổng giám đốc thường trực Công ty May 10.
Hơn nữa, một điều không thể phủ nhận là các hiệp hội do nguồn lực có hạn, chưa phát huy hết vai trò và năng lực trong quản lý, định hướng, nhất là hiệp hội ở các địa phương còn yếu kém, chưa tạo dựng được một sức mạnh đại diện cho tập thể đủ lực để cạnh tranh. Chưa tham mưu, tư vấn để DN thấy được lợi ích khi tham gia các hiệp hội là "muốn đi xa hay đi cùng nhau” như xúc tiến thương mại, tiếp xúc DN, tham gia ý kiến đóng góp xây dựng pháp luật, kiến nghị chính sách tập thể… sẽ hiệu quả hơn giải quyết kiểu đơn lẻ.
Tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng, đầu tư về con người, thiết bị, phần mềm nhiều DN Việt còn chưa quan tâm, khiến cho DN Việt hạn chế hơn DN nước ngoài, nhất là loại hình DN nhỏ, tư nhân… ngại đầu tư.
"Những hạn chế này khiến các DN Việt yếu thế, không thể cạnh tranh với các tập đoàn, công ty nước ngoài ngay chính trên sân nhà, chưa kể đến thị trường thế giới", Phó tổng giám đốc thường trực Công ty May 10 nhìn nhận.
Trong khi đó, trong thế giới phẳng hiện nay, các thương hiệu nước ngoài đang hoạt động mạnh mẽ và chiếm ưu thế tại Việt Nam. Những DN lớn mạnh có thể tự lo cho mình, còn hầu hết các DN vừa và nhỏ đều hoạt động manh mún, thiếu đoàn kết, và có lúc cạnh tranh không lành mạnh.
Doanh nghiệp dệt may của Việt Nam vẫn gắn liền với "mác" gia công.
Phân tích cụ thể với ngành dệt may, theo ông Bạch Thăng Long, dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, nhưng các DN dệt may của ta vẫn gắn liền với “mác” gia công. Ngay cả những DN hàng đầu trong nước như May 10, Việt Tiến, Phong Phú... vẫn chưa có thương hiệu thời trang uy tín, nổi tiếng thế giới. Tất nhiên thời gian cũng là rào cản để có thể xây dựng một thương hiệu. Tuy nhiên, nếu như các DN dệt may Việt có sự liên kết các lợi thế cạnh tranh của mình, tạo nên sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh chất lượng để gia nhập thị trường dệt may hiện đại của thế giới thì cũng sớm tạo nên những thương hiệu thời trang Việt mang tầm cỡ quốc tế.
Tương tự, thủy sản, cà phê, hồ tiêu… cũng là những lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu Việt Nam nhưng hiện Việt Nam mới chỉ cung cấp nguyên liệu thô để các nhà nhập khẩu gia công chế biến lại và gắn mác sản phẩm của họ. Việt Nam có Cà phê Trung Nguyên, Cà phê Buôn Ma Thuột, Vinacafe Biên Hòa là những thương hiệu đã được khẳng định ở thị trường trong nước, thậm chí có mặt ở nhiều nước trên thế giới nhưng đó chỉ đơn thuần là thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của DN, không mang tính đại diện cả ngành hàng cà phê.
Vì vậy, các hiệp hội DN cần phát huy vai trò hơn nữa để liên kết các DN trong ngành, đồng thuận xây dựng nên thương hiệu quốc gia cạnh tranh với thị trường thế giới. Đồng thời, tiếp tục coi trọng tạo lập các “Nhóm DN nghiệp hạt nhân”, gồm các DN gần gũi nhau, cùng mối quan tâm trong kinh doanh trong cùng một lĩnh vực để thống nhất vận động chính sách, truyền tải những phản hồi lên cấp trên nhằm điều chỉnh chính sách hoặc có sự giúp đỡ kịp thời cho các DN.
Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của DN, hiệp hội cần hỗ trợ các DN hội viên nghiên cứu học tập các mô hình phát triển bền vững trên thế giới để áp dụng. Qua đó góp phần thực hiện tốt việc gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh, phù hợp với mô hình kinh doanh của từng DN theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, hiệp hội cần có những tác động đến chính sách để hoàn thiện chiến lược ngành và lĩnh vực là ưu tiên hàng đầu. Tiếp đến là công tác triển khai các khuyến nghị cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng dẫn đầu về xuất khẩu, tạo việc làm trong những ngành tiềm năng. Bên cạnh đó, thúc đẩy xuất khẩu gắn với phát triển bền vững, hiệp hội cần tập trung hỗ trợ thúc đẩy các tiêu chuẩn bền vững, sản xuất ít phát thải, không có phát thải carbon, xúc tiến thương mại kỹ thuật số cũng như tuân thủ hệ thông thương mại dựa trên quy tắc.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo