Thương hiệu

Nâng tầm thương hiệu và giá trị kinh tế cua Cà Mau

DNVN - Cà Mau hiện có hơn 250.000 ha nuôi cua biển với sản lượng hơn 25.000 tấn/năm, mang lại nguồn thu hơn 10.000 tỷ đồng. Loại cua đặc sản này là một trong những mặt hàng chủ lực của Cà Mau chỉ đứng sau con tôm.

Phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu thành phố Cần Thơ / Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đặc sản cua Cà Mau

Cua biển Cà Mau được nuôi dưỡng dưới tán rừng ngập mặn nên có thịt ngọt, gạch nhiều... và được đánh giá là ngon nhất cả nước. Ông Nguyễn Văn Kiên (48 tuổi) ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho biết, để nuôi cua biển giảm hao hụt, ông đã dùng lưới mành bao quanh rồi thả cua giống vào nuôi khoảng 15 ngày, sau đó thả lan ra vuông tôm. Làm như vậy sẽ giúp cua mạnh hơn để có thể tự bắt tép, cá nhỏ ăn để tăng trưởng. Với diện tích khoảng 3 ha, ông thả khoảng 8 ngàn con cua giống.

Cua biển Cà Mau được nuôi dưới tán rừng nên thịt ngọt, nhiều gạch rất ngon.

Cua biển Cà Mau được nuôi dưới tán rừng nên thịt ngọt, nhiều gạch thơm ngon.

Cũng theo những hộ nuôi cua Cà Mau, từ khi thả nuôi cho đến thu hoạch, cua biển sẽ trải qua 6 lần lột xác, mỗi lần trọng lượng tăng từ 10 -150 gram. Vào tháng 6 âm lịch, người nuôi cua bắt đầu thả nuôi cua giống đến Tết thì thu hoạch, ngay lúc thời điểm cua có giá cao. Lúc này, cua có trọng lượng khoảng 300 gram/con.

Cua Cà Mau mang lại nguồn thu nhập kinh tế cao, tuy nhiên, đặc sản này cũng đang đối diện với những thách thức như bị mạo danh thương hiệu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ cua… Đặc biệt, cũng như những mặt hàng khác, cua biển Cà Mau có thời điểm gặp khó khi tiêu thụ, làm giá cua giảm do thương lái ngừng thu mua.

Nâng cao giá trị thương hiệu

Nhằm giới thiệu, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cua Cà Mau, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nghề cua theo hướng ứng dụng công nghệ cao nâng cao năng suất, chất lượng, vừa qua, tỉnh Cà Mau đã tổ chức Ngày hội cua Cà Mau, tổ chức Hội thảo “giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau”.

 

Tâm huyết với sự phát triển cua Cà Mau, các nhà khoa học, chuyên gia đã bàn luận, đưa ra nhiều giải pháp, hiến kế cho Cà Mau. Theo đó, tỉnh cần tập trung nghiên cứu, tạo thêm nhiều hơn các sản phẩm từ cua để người tiêu dùng có đa dạng sự lựa chọn, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ ngoài thị trường Trung Quốc.

Nhiều hộ nuôi cua biển phấn khởi do cua bán được giá cao trong dịp Tết

Nhiều hộ nuôi cua biển phấn khởi do cua bán được giá cao trong dịp Tết.

Cùng với đó là không ngừng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng nuôi quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc gắn với liên kết chuỗi giá trị để cua biển Cà Mau phát triển hiệu quả và bền vững.

 

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, việc tổ chức thành công Ngày hội cua Cà Mau đã góp phần nâng cao giá trị con cua thương phẩm, giúp hộ nuôi có lợi nhuận cao hơn, qua đó, thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển.

Dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão, người nuôi cua Cà Mau phấn khởi cua bán được giá cao. Nhiều thương lái đến tận ao vuông thu mua cua với giá hơn 1 triệu đồng/kg. Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân năm nay ăn Tết đầy đủ, sung túc hơn.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm