Thương hiệu

Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh

DNVN - Tại lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 với chủ đề "Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh" tối 4/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong thể chế và thủ tục hành chính, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Lâm Đồng sẵn sàng đầu tư AI để bảo vệ thương hiệu nông sản / FPT đạt 3 giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam

Lễ công bố các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam năm 2024 do Hội đồng THQG phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức nhằm thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng các THQG thương hiệu địa phương, ngành và doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, đáp ứng xu hướng thị trường thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ.

Chủ đề của chương trình năm nay nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ hành tinh xanh và phát triển bền vững.

Ban Tổ chức đã công bố và trao danh hiệu THQG năm 2024 cho 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp trong số hơn 1.000 doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình đáp ứng hệ thống các tiêu chí của chương trình.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc xây dựng và phát triển THQG là sứ mệnh của toàn dân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ chiến lược nhằm khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, tôn vinh các giá trị cốt lõi như chất lượng, đổi mới và năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc xây dựng và phát triển THQG là nhiệm vụ chiến lược nhằm khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. (Ảnh: VGP)

Chương trình THQG sau hơn 20 năm đã đạt được nhiều thành tựu, với số lượng doanh nghiệp được công nhận liên tục tăng qua các năm. Hiện nay, giá trị THQG Việt Nam xếp hạng 32 trên thế giới, đạt 507 tỷ USD, tăng một bậc và tăng 2% về giá trị so với năm trước. Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh thế giới chuyển dần từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sự kiện không chỉ là dịp tôn vinh 190 thương hiệu Việt xuất sắc, mà còn thúc đẩy nhiệm vụ chiến lược đưa thương hiệu Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp các doanh nghiệp THQG phát triển bền vững, thích ứng với xu hướng toàn cầu và gia tăng sức cạnh tranh quốc tế.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần tiên phong trong kinh tế xanh và phát triển bền vững, tận dụng uy tín thương hiệu quốc gia để mở rộng thị trường quốc tế. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện môi trường, phù hợp với cam kết giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo tính minh bạch và phát triển bền vững trong sản xuất. Điều này bao gồm việc đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tri thức.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng của doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tiến vào kỷ nguyên xanh và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.

Thứ tư, Thủ tướng nhấn mạnh việc tuân thủ quy định pháp luật, đề cao trách nhiệm xã hội và văn hóa doanh nghiệp. Doanh nhân cần phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, và có khát vọng phát triển vì lợi ích chung của đất nước.

Thứ năm, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy sự kết nối mạng lưới nhân tài, trí thức người Việt trong và ngoài nước nhằm phục vụ quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Thứ sáu, chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn kết với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào các chương trình xóa đói giảm nghèo và bảo vệ cộng đồng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, liên tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư. Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong thể chế và thủ tục hành chính, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

"Hiện nay chúng ta còn nhiều điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn về thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Chúng ta phải tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, phải coi trọng thời gian và trí tuệ ở điểm này để tháo gỡ thật nhanh.

Chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045 nếu như thập kỷ tới đây chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Chúng ta phải phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong những thập kỷ tới đây thì mới đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng kỳ vọng rằng đội ngũ doanh nghiệp Việt sẽ không ngừng phát triển, cùng đóng góp vào công cuộc xây dựng một Việt Nam hùng cường, hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Với niềm tin vào ý chí và khát vọng của doanh nghiệp Việt, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vươn ra thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm