Kết nối với các trục phát triển kinh tế để tăng tính khả thi dự án sân bay Quảng Trị
Vietjet Thái Lan bay thẳng Phú Quốc - Băng Cốc với giá chỉ từ 499 nghìn đồng / Dow Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy văn hóa đa dạng và hòa nhập
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương như Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng cùng các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không - vận tải.
Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế vùng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, Cảng hàng không (CHK) Quảng Trị là dự án động lực rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đáp ứng nguyện vọng của người dân Quảng Trị cũng như du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để tỉnh Quảng Trị phát triển ngang tầm với các tỉnh bạn.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu khai mạc hội thảo.
Dự án đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II; công suất 01 triệu khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; khai thác tàu bay code C hoặc tương đương; diện tích sử dụng đất 265,372 ha. UBND tỉnh Quảng Trị giao nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn T&T Group lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến khởi công xây dựng vào Quý I/2023, đưa vào vận hành khai thác năm 2025.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, CHK Quảng Trị được đầu tư xây dựng tại xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là vị trí trọng điểm của miền Trung, kết nối giữa giao thông Bắc Nam về QL1 - đường Hồ Chí Minh và giao thông Bắc Nam với trục Hành lang kinh tế Đông Tây qua QL9 và cửa khẩu Lao Bảo, là cửa ngõ quan trọng để thu hút hành khách đến tiểu vùng sông Mekong vào miền Trung Việt Nam.
Đơn vị tư vấn thuyết minh nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
CHK Quảng Trị được xác định là một trong 28 CHK nằm trong quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg và được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT. Đồng thời, CHK Quảng Trị cũng nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định phê duyệt
Mục tiêu xây dựng CHK Quảng Trị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của tỉnh Quảng trị; đồng thời đảm bảo tính sẵn sàng, cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 giai đoạn là 5.898,861 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 là 2.947,968 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.950,893 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao về tính khả thi trong việc xây dựng CHK Quảng Trị, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng đối với an ninh quốc phòng, cứu hộ cứu nạn và logistics của dự án sau khi hoàn thành.
Đánh giá về vai trò của CHK Quảng Trị trong việc khai thác vận chuyển hành khách, hàng hóa kết hợp dịch vụ logistics trên trục Hành lang kinh tế Đông Tây, ông Lê Đức Cảnh – Phó TGĐ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines khẳng định, CHK Quảng Trị đi vào hoạt động sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế vùng thông qua mở rộng đầu tư, thương mại, du lịch, qua đó thúc đẩy giao lưu của người và hàng hóa qua lại giữa các địa phương thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.
Là đơn vị sẽ tiếp quản công trình quản lý bay tại CHK Quảng Trị sau khi dự án đi vào vận hành khai thác, đại diện Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, ngoài các lợi ích như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, giao thông vận chuyển hành khách và hàng hóa,... CHK Quảng Trị còn có vai trò làm sân bay dự bị cho các sân bay lân cận khác khi tàu bay không thể hạ cánh được do điều kiện thời tiết xấu hoặc do các nguyên nhân khác.
Phát huy lợi thế cạnh tranh của Quảng Trị qua việc gắn kết sân bay với các trục kinh tế
Dưới góc độ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải logistics với các chuỗi cung ứng đầu cuối, theo bà Chan Yoke Ping, Tổng Giám đốc Công ty T&Y Superport Vĩnh Phúc, CHK Quảng Trị không thuần túy là dự án về cơ sở hạ tầng mà là một dự án kết nối: kết nối hành khách và kết nối hàng hóa; kết nối đường hàng không và kết nối đường bộ, đường sắt với Trung Quốc và các khu vực lân cận. Qua đó mang đến cơ hội vận chuyển hàng hóa từ các quốc gia không có biển như Lào qua Việt Nam sang các quốc gia khác như tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), góp phần tăng cường khối lượng giao dịch thương mại khu vực.
Các đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải, cơ hội để xây dựng sân bay Quảng Trị là rất lớn. Đáng chú ý, xét về mặt cơ sở hạ tầng, Quảng Trị nằm trên trục kết nối giao thông trên Hành lang Đông Tây và Khu kinh tế Đông Nam, khi xây dựng sân bay Quảng Trị sẽ đồng bộ hóa và tạo ra hệ thống logistics với đầy đủ các thành phần: hàng không, cảng biển, cửa khẩu…
Ông Nguyễn Anh Dũng, Vụ Kế hoạch Đầu tư - Bộ GTVT đánh giá, giao thông kết nối của CHK Quảng Trị rất thuận lợi. Thứ nhất là QL1, thứ 2 là lân cận QL9. Tỉnh đã quy hoạch tuyến đường song song QL9 nối từ QL1 đi qua cửa của CHK Quảng Trị đến biển. Về đường sắt cũng rất gần. Ngoài ra, hiện nay cao tốc Bắc Nam đi về phía tây thông qua QL9 thì dự án hoàn toàn có thể tiếp cận được cao tốc Bắc Nam .
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra các đánh giá, phân tích về các vấn đề chính như lợi thế cạnh tranh, khả năng kết nối các trục kinh tế, tiềm năng thiết lập đường bay quốc tế, tác động của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đến CHK Quảng Trị, công tác đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, mặt bằng, quỹ đất dự trữ để mở rộng xây dựng sân bay, công năng vận tải, logistics, các dịch vụ sân bay, hàng không và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn...
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Quang Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị luôn trăn trở làm thế nào để sớm xây dựng Cảng hàng không trên địa bàn với tính khả thi cao. Vì vậy, tỉnh đã phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị với các chuyên gia, đơn vị tư vấn nổi tiếng về sân bay trong nước và quốc tế để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Việc xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm làm rõ tính khả thi của dự án, để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội và tham gia đầu tư xây dựng.
Ông Lê Quang Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu kết luận hội thảo.
“Qua các ý kiến trình bày tại hội thảo, tỉnh Quảng Trị nhận thấy cần nỗ lực nhiều hơn nữa, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để nhà đầu tư quan tâm và đầu tư vào dự án sân bay. Bên cạnh hỗ trợ về ngân sách, tỉnh cần hỗ trợ về thu hút kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án lân cận để tạo ra dư địa phát triển”, ông Lê Quang Tùng bày tỏ.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng chia sẻ thêm, theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị đã có những quy hoạch để gắn kết dự án như việc hình thành đô thị sân bay, thành phố vệ tinh cho sân bay; điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam để phát huy hết năng lực kết nối giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với khu vực và các nước trên Hành lang kinh tế Đông Tây.
Trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hướng làm rõ lợi thế cạnh tranh của Quảng Trị trong việc quy hoạch gắn kết với Hành lang kinh tế Đông Tây, với trục Bắc Nam; đồng thời làm việc chặt chẽ với đơn vị tư vấn và các Bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và trình Hội đồng thẩm định liên ngành.
“Tỉnh Quảng Trị rất mong sẽ tiếp tục nhận được góp ý từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khai thác vận hành, quản lý sân bay, các chuyên gia, nhà khoa học… để dự án có tính khả thi cao nhất, hiệu quả đầu tư cao nhất với hiệu suất đầu tư thấp nhất”, ông Lê Quang Tùng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo