Doanh nghiệp 24h

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Cần làm rõ Acecook có sử dụng Ethylene Oxide trong mì Hảo Hảo, miến Good bán tại Việt Nam hay không?

DNVN - Theo Luật sư, việc Acecook Việt Nam không nói rõ mì tôm Hảo Hảo, miến Good của hãng này tại Việt Nam có chứa Ethylene Oxide hay không là chưa thỏa đáng với người tiêu dùng, không đúng quy định pháp luật.

Lâm Đồng: Xử phạt công ty Vĩnh Tiến vì tự ý chuyển mục đích hơn 100ha đất rừng / Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Quang Minh - Dịch vụ thành lập công ty hiệu quả

Mới đây, 2 trong số nhiều sản phẩm của thương hiệu Acecook Việt Nam sản xuất là miến Good và mì tôm chua cay Hảo Hảo đã bị cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) thu hồi do có thành phần Ethylene Oxide.

Theo FSAI, một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa Ethylene Oxide – thành phần thuốc trừ sâu. Thành phần này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán tại EU. Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chất này không gây nguy hiểm cấp tính, nhưng có thể gây vấn đề về sức khỏe nếu tiếp tục tiêu thụ trong một thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất này. Thông báo thu hồi tại điểm bán hàng sẽ được hiển thị trong các cửa hàng được cung cấp cùng các lô liên quan.

Ngay sau đó, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) đã yêu cầu Công ty CP Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook đang tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ngày 28/8 đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập tại trang web của Cơ quan Quản lý thực phẩm Ireland là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty CP Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào.

Hai sản phẩm xuất khẩu của Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland.

Hai sản phẩm xuất khẩu của Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland.

Cần làm rõ để thông tin cho người tiêu dùng

Liên quan đến những phản hồi của đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam, dư luận cho rằng Acecook chỉ lên tiếng chung chung “không phải là sản phẩm tiêu thụ tại Việt Nam”, mà không cho biết có hay không chất Ethylene Oxide trong sản phẩm mì ăn liền và miến đang tiêu thụ tại Việt Nam. Trường hợp nếu chất Ethylene Oxide có trong những sản phẩm mà Acecook đang bày bán trên thị trường Việt Nam thì có gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng sau này?.

Phân tích về vấn đề trên, trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, việc đại diện nhà sản xuất Acecook Việt Nam chỉ lên tiếng chung chung về việc những sản phẩm bị thu hồi ở Châu Âu vì có chứa chất Ethylen Oxide không được bán tại thị trường Việt Nam, mà không nói rõ về các sản phẩm tương tự của hãng này tại Việt Nam có chứa chất đó hay chất nào khác gây ảnh hưởng cho sức khỏe người dùng hay không, là chưa thỏa đáng đối với người tiêu dùng trong nước và không đúng quy định pháp luật. Nhất là khi sản phẩm bị thu hồi sản xuất tại Việt Nam cùng với nhiều sản phẩm mỳ gói, miến ăn liền mà rất nhiều người dân Việt Nam đang hằng ngày sử dụng.

Theo Luật sư Hùng, việc người tiêu dùng thắc mắc và muốn biết thông tin sớm nhất về chất Ethylene Oxide có trong sản phẩm mì ăn liền và miến đang tiêu thụ tại Việt Nam là nhu cầu chính đáng của họ.

“Mặc khác, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, nghĩa vụ của cá nhân tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ trong cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về hàng hóa dịch vụ kinh doanh là: Cảnh báo khả năng hàng hóa dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tính mạng của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa. Nếu trong sản phẩm của Acecook Việt Nam bán tại thị trường trong nước có chứa chất gây ung thư nói trên mà công ty này không cảnh báo đến người tiêu dùng tức là công ty đã vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng”, Luật sư Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Luật sư Hùng cho hay, hiện nay Ethylen Oxide là chất chưa được quy định được có trong thực phẩm theo các văn bản của Bộ Y tế như Thông tư 50/2016/TT-BYT về dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm, Thông tư 24/2019/TT-BYT về danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm…

Do đó nếu chất này có trong thực phẩm tại Việt Nam là không đúng quy định pháp luật, không đảm bảo an toàn và bị thu hồi bắt buộc theo Điều 55 Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm có chất này sẽ bị xem xét xử lý vi phạm tùy mức độ.

Theo Luật sư Hùng, căn cứ quy định tại Thông tư 43/2018/TT-BCT Bộ Công thương quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương thì trong thời gian 24 giờ kể từ thời điểm xác định sản phẩm thuộc trường hợp cần phải thu hồi thì cơ quan có trách nhiệm phải tiến hành thu hồi. Tuy nhiên đến nay chưa xác định được trong các sản phẩm của Acecook bán tại Việt Nam có chứa chất nêu trên hay không. Chỉ khi xác định được có chất đó trong sản phẩm thì mới có thể tiến hành thu hồi.

Do đó, để đảm bảo an toàn người tiêu dùng Bộ Y tế cũng như Bộ Công Thương cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra các sản phẩm của Acecook đang bán tại thị trường Việt Nam để sớm đưa ra kết luận cuối cùng về việc có hay không chất gây ung thư trong sản phẩm và thực hiện các bước tiếp theo.

"Đây là những việc làm cần thiết mà cơ quan chức năng cần tiến hành ngay, để kịp thời thông tin cho người tiêu dùng biết. Điều này không chỉ giúp minh bạch hóa thông tin sản phẩm, xử lý nghiêm đơn vị sản xuất nếu có vi phạm, mà còn góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước”, Luật sư Hùng chia sẻ.

Người tiêu dùng có quyền khởi kiện

Nói về mức xử phạt hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm có chứa chất độc hại để chế biến thực phẩm, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm chứa chất độc hại trong chế biến thực phẩm theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất là 100.000.000 đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tù cao nhất là 20 năm tù.

Cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm chứa chất độc hại ngoài danh mục được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm như Ethylen Oxide như trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ, cụ thể như sau:

Về trách nhiệm hành chính, cá nhân có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Mức phạt đối với tổ chức gấp hai lần mức phạt đối với cá nhân. Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Về trách nhiệm hình sự, Luật sư Hùng cho biết, người có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất chết biến thực phẩm mà sản phẩm giá trị từ 10.000.000 đồng trở trên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm trong trường hợp sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

“Nếu Acecook Việt Nam sử dụng Ethylen Oxide vào sản xuất chế biến thực phẩm thì cũng bị xử lý theo quy định như trên. Bởi vì chất này nằm ngoài danh mục phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng vào chế biến thực phẩm. Trong trường hợp trên, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chứa chất Ehtylen Oxide của Acecook có thể tự mình hoặc thông qua các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện Acecook ra Tòa án hoặc Trọng tài đòi bồi thường thiệt hại và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quy trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, giải quyết qua trọng tài theo thủ tục của pháp luật về trọng tài thương mại”, Luật sư Hùng phân tích.

Đến thời điểm này, dù giữa lúc sự việc “bê bối” mì Hảo Hảo chưa có kết luận chính thức nhưng tâm lý người tiêu dùng lo lắng, nói về điều này Luật sư Hùng cho răng, dưới góc độ đạo đức kinh doanh, các chủ đại lý, cửa hàng, siêu thị bán các sản phẩm mì Hảo Hảo hoặc sản phẩm khác tương tự của Acecook trong thời điểm này nên cung cấp thông tin đầy đủ cho khách hàng về chất Ethylen Oxide, về nhà sản xuất, về mối liên hệ giữa sản phẩm mình đang kinh doanh và sản phẩm đang bị nước khác thu hồi.

“Không nên vì lo ngại bị thu hồi mà tranh thủ giảm giá bán ồ ạt các sản phẩm nói trên. Theo tôi, sức khỏe người tiêu dùng nên được đặt lên hàng đầu và các tổ chức cá nhân kinh doanh cần có trách nhiệm với điều đó”, Luật sư Hùng nói.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm