Doanh nghiệp 24h

Long An: 860 doanh nghiệp đăng ký tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”

DNVN - Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An cho biết, đã có 860 doanh nghiệp đăng ký phương án tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” nhằm ổn định sản xuất và bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số lao động đăng ký hơn 118.000 người.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đại học RMIT Việt Nam sẽ trao hơn 100 học bổng trong năm 2021

Ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An thông tin, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 860 doanh nghiệp đăng ký phương án tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ - sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ”. Tổng số lao động mà 860 doanh nghiệp đăng ký là 118.101 người.

Theo ông Thanh, những ngày qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã tổ chức đoàn đi kiểm tra 518 doanh nghiệp. Qua kiểm tra có 373 doanh nghiệp đủ điều kiện cho 24.012 lao động ở lại công ty sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”. Có 131 doanh nghiệp không bảo đảm yêu cầu để thực hiện sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH giày Ching Luh Việt Nam tại Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, Long An. (Ảnh: HN)

Công nhân làm việc giữ khoảng cách tại Công ty TNHH giày Ching Luh Việt Nam trong Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, Long An. (Ảnh: HN)

Số lượng doanh nghiệp trong khu công nghiệp đủ điều kiện sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” nhiều nhất ở huyện Đức Hòa với 113 doanh nghiệp, 9.616 lao động. Kế đến là huyện Cần Giuộc có 122 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất với 5.156 lao động; Bến Lức có 97 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất với 5.583 lao động. Các doanh nghiệp còn lại thuộc khu công nghiệp ở huyện Cần Đước, Thủ Thừa, Kiến Tường.

Ông Nguyễn Thành Thanh cho biết, Ban Quản lý Khu Kinh tế sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra, thẩm định các doanh nghiệp đã đăng ký. Khi doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu và bảo đảm an toàn thì tiếp tục hoạt động, nếu không thì phải dừng hoạt động.

Long An có 62 cụm công nghiệp, 35 khu công nghiệp với khoảng 230.000 công nhân. Mỗi ngày có hơn 36.000 công nhân, lao động ở tỉnh này đến TP Hồ Chí Minh làm việc. Ngược lại, hơn 20.000 công nhân từ TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận khác đến Long An làm việc.

Trước đó, UBND Long An thông báo đến các tỉnh, thành giáp ranh là TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp để các địa phương này thông báo về việc xây dựng phương án "3 tại chỗ" cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn và người dân biết, thực hiện nghiêm việc phòng chống COVID-19.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn trong lưu thông hàng hóa, từ 0h ngày 13/7, các xe và người qua lại giữa địa bàn Long An và các tỉnh giáp ranh sẽ được kiểm soát chặt. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, các xe còn lại sẽ không được ra, vào địa bàn tỉnh.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm