Doanh nghiệp 24h

Ngày cà phê Việt Nam lần 4/2020: Nơi hội tụ của nhiều doanh nghiệp cà phê hàng đầu

DNVN - Sau 3 năm diễn ra thành công, sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 4 năm 2020 sẽ được tổ chức tại tại TPHCM từ ngày 10/12 đến 12/12/2020 với chủ đề ‘Hương vị cà phê Việt Nam’ cùng chuỗi các chương trình đặc sắc.

Lạng Sơn: Thu giữ gần 1.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu / TP.HCM: Cho phép các doanh nghiệp bán hàng khuyến mại 100% để kích cầu tiêu dùng

Chia sẻ tại buổi họp báo về sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam, tổ chức tại TP.HCM ngày 1/12, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), Trưởng Ban Tổ chức sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam 2020 cho biết, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 10/12 là Ngày cà phê Việt Nam (QĐ 6306/VPCP-KTN). Từ đó đến nay, Ngày cà phê Việt Nam đã được tổ chức thành công tại Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai để lại nhiều ấn tượng cho người dân địa phương, du khách và bạn bè quốc tế. Tiếp nối thành công của những lần trước, chương trình Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 4 năm 2020 sẽ được tổ chức tại TP.HCM từ 10/12 đến 12/12/2020 với chủ đề “Hương vị cà phê Việt Nam”.

Theo đại diện ban tổ chức, chương trình năm nay nhấn mạnh về Văn hóa thưởng thức cà phê của người dân Việt Nam cũng như người dân trên toàn thế giới. Thông qua chương trình nhằm tiếp tục thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê đặc sắc đến từ các vùng miền, góp phần nâng cao giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.

Ông Lương Văn Tự (đứng) - Chủ tịch Vicofa và ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch thường trực Vicofa chủ trì buổi gặp gỡ báo chí.

Ông Lương Văn Tự (đứng) - Chủ tịch Vicofa và ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch thường trực Vicofa chủ trì buổi gặp gỡ báo chí.

Không chỉ thế, chương trình cũng là dịp để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào nâng cao chất lượng cà phê nhân, chế biến cà phê rang xay và hòa tan để nâng giá trị gia tăng các sản phẩm cà phê, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê chế biến sâu.

“Đồng thời chương trình cũng khuyến khích, động viên các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm đến thưởng thức cà phê của những người yêu thích cà phê trên thế giới”, ông Lương Văn Tự cho biết.

Theo ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch thường trực Vicofa, ngoài 60 gian hàng tham gia trưng bày, triển lãm sản phẩm các thương hiệu cà phê uy tín chất lượng hàng đầu Việt Nam: Vinacafe, Lamant, Nestle, Phúc Sinh, Vạn Xuân, Café Control, Intimex, Tín Nghĩa, Minh Tiến, 2/9,… tại sân Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, trong khuôn khổ Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 4, còn diễn ra hội thảo quốc tế “Đẩy mạnh chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng cà phê Việt Nam” (ngày 11/12/2020) và hội nghị trực tuyến online “Giao thương các nhà nhập khẩu cà phê nước ngoài và các Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” (ngày 11/12).

Chương trình giúp hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam.

Chương trình giúp hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam.

“Đến với chương trình năm nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê thành công, tìm kiếm đối tác kinh doanh, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”, ông Hải cho hay.

Ban tổ chức khẳng định, chương trình Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 4 năm 2020 hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách và nhân dân TP.HCM những cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà phê Việt, thúc đẩy thói quen tiêu thụ cà phê tới đông đảo người dân Việt Nam.

Có thể thấy, cà phê Việt đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới. Theo thống kê, các sản phẩm cà phê của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil); đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ)...

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia… chủ yếu xuất khẩu cà phê dưới dạng hạt (green bean), nghĩa là chỉ dừng ở hoạt động sơ chế sau thu hoạch. Một số nước có hoạt động rang và xay nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng xuất khẩu cà phê. Trong khi đó, ở Việt Nam, kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động sơ chế sau thu hoạch đã được quan tâm và đẩy mạnh.

Đặc biệt, thời gian qua, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nên ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm