Nữ doanh nhân

Bà chủ ADEVA: Biến trái nhàu thành mỹ phẩm thiên nhiên được người Hàn ưa chuộng

DNVN - Khởi nghiệp với trái nhàu, loại trái cây được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trái cây tốt cho sức khỏe, Nguyễn Thu Dung- CEO của Adeva, đã từng bước khiến người tiêu dùng xóa đi cái ấn tượng về loại quả có “mùi đặc trưng” mà chú trọng vào tác dụng thần kỳ của trái nhàu.

Phó TGĐ Sao Thái Dương: Doanh nghiệp không thể tồn tại trăm năm nếu không mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người / Giải thưởng WEPs: Lan tỏa nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới

Những trái nhàu đã được chế biến thành mỹ phẩm thiên nhiên được người Hàn ưa chuộng.

Những trái nhàu đã được chế biến thành mỹ phẩm thiên nhiên được người Hàn ưa chuộng.

Hành trình chinh phục người tiêu dùng, làm quen, mê đắm trái nhàu thế nào đều được Nguyễn Thu Dung chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Doanh Nghiệp Việt Nam.

Chào Thu Dung, cơ duyên nào đưa Dung đến với trái nhàu? Tại sao lại chọn nó để "khởi nghiệp?

Chị Nguyễn Thu Dung: Trước đây, em cũng như nhiều bạn khác, tuổi trẻ mà, sống lay lắt không mục đích, không lý tưởng, không khát vọng, kiểu làm ngày nào đủ sống ngày đó là được rồi.

Đầu năm 2014, khi vừa sinh em bé đầu lòng, em bắt đầu bán mật ong ở quê gửi ra, rồi đơn hàng có khi là mấy chai tinh dầu, mấy cục xà bông ... Và trong thời gian đó em biết đến Page Tony Buổi Sáng, em đọc ngấu nghiến từng chữ, sau đó có sách in thì em mua luôn 2 cuốn sách để “gối đầu giường”.

Đọc xong cũng ao ước nhiều thứ lắm, muốn làm nhiều thứ lắm nhưng nhìn đi nhìn lại mình còn thiếu nhiều thứ quá, không thể nói là lao ra làm sản xuất được liền đâu, phải trang bị về vốn, về kiến thức, về khách hàng ... Vì vậy, em chọn cách làm thương mại trước để có thể tích lũy vốn, kinh nghiệm, kiến thức các thứ. Em bắt đầu bán tinh dầu, xà bông, mật ong rừng ... cùng các sản phẩm khởi nghiệp khác của các anh chị, các bạn trong nhóm Sản Xuất Tony Buổi Sáng, em có cơ duyên được rất nhiều khách Hàn Quốc tìm đến mua hàng và quen biết nhiều khách hàng là người Hàn Quốc.

Năm 2016, trong một lần ghé công ty của người Hàn để ký hợp đồng, cung cấp xà bông cho họ, em phát hiện ra họ là công ty chuyên nhàu, đập vào mắt là hình ảnh quả nhàu xuất hiện khắp nơi, từ ngoài cổng đến phòng làm việc của Giám đốc, bên trong trưng bày toàn sản phẩm từ trái nhàu, khách mua hàng là người Hàn vào ra tấp nập.

Em bắt đầu tìm hiểu và mê nhàu từ đó, cũng nghĩ tới việc sao mình không sản xuất cái gì đó từ nhàu, rồi cũng bắt tay vào tìm tòi các thủ tục giấy tờ bao bì... Nhưng không hề dễ, vấn đề đặt ra là tiền, ít ra cũng có một chút vốn nho nhỏ thì mới làm được những cái cơ bản.

Trái nhàu đã giúp cho nông dân đổi đời.

Trái nhàu đã giúp cho nông dân đổi đời.

Adeva của Thu Dung vẫn từng bước từng bước trưởng thành, và vượt qua những khó khăn trong thời gian đầu khởi nghiệp như thế nào?

Như chị nói, tìm được “cảm hứng”, cũng như xác định được con đường mình đi là một chuyện. Và để con đường mình chọn đi đến nơi, đến chốn và gặt hái được thảnh quả là một chuyện khác. Thật sự, trong lúc đó thì tiền đối với em là một vấn đề, vì em không có vốn, không có tài sản để cầm cố ngoài căn nhà trọ nhỏ, nên em tiếp tục với công việc bán hàng, tập trung hết công suất vào việc bán hàng để tích lũy thêm tài chính, kinh nghiệm

Năm 2017, em tìm gặp một công ty của Hàn Quốc để phân phối sản phẩm nhàu do họ sản xuất, nhưng hàng hóa thường xuyên thiếu hụt, cung không đủ cầu, em thường xuyên nợ đơn của khách hàng và bị phàn nàn rất nhiều.

Mùa hè 2018 (lúc này em lại đang mang bầu bé thứ 2), sau khi được một ông bạn Hàn Quốc gợi ý “Mở xưởng sản xuất đi Dung à” và chính ổng là người cho em mượn vốn để xây xưởng, mua sắm máy móc, tiền sẽ trả dần 1 ít sau khi nhận được đơn hàng.

Tháng 9/2018, xưởng hoàn thiện, em cũng chuẩn bị sinh em bé, và đơn đặt hàng cũng khá nhiều nên em khá là áp lực, cộng với việc vừa bắt tay làm sản xuất nên vướng đủ thứ, nhất là khâu bao bì sản phẩm vì mình chưa có kinh nghiệm, chưa biết đóng gói ra làm sao, sử dụng máy móc thế nào...

Loay hoay mãi thế cũng xong, đơn đặt hàng bắt đầu nhiều, việc cung cấp hàng hóa cho các sân bay cũng dần ổn định với đơn hàng đều đặn hơn. Toàn bộ hàng hóa chủ yếu bán cho người tiêu dùng cuối cùng là người Hàn Quốc. Đơn đặt hàng từ các công ty của Hàn cũng dần ổn định.

Chị Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Adeva.

Chị Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Adeva.

Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của bên Dung như thế nào? Dung phải làm sao để đưa công ty non trẻ của mình đứng vững trong cuộc khủng hoảng như thế này?

Dạ, thật sự Covid 19 đã khiến cho bên em “choáng váng”. Khi mọi thứ đã đi vào guồng, cứ ngỡ mọi thứ tạm ổn, rồi Covid-19 ập đến, mọi thứ thay đổi đột ngột, làm em chới với, chao đảo và dường như muốn gục ngã khi phải tạm đóng cửa nhà xưởng, hàng hóa không đi được. Có lúc, em đã nghĩ đến việc phải đóng cửa toàn bộ công ty, tạm ngưng hoạt động và có khả năng đi đến việc giải thể công ty hoàn toàn.

Em dường như hoàn toàn mất ngủ trong giai đoạn đầu năm nay, cảm giác như mình không còn lối thoát nào, và lúc nào cũng lo, cũng tiếc khi phải đóng cửa xưởng. Cứ nghĩ đến cảnh mối mọt, mốc meo nhà xưởng khi không hoạt động là lòng đau như cắt, thêm khoản tiền lãi ngân hàng, rồi bao nhiêu công sức mình bỏ ra chẳng lẻ bỏ sông bỏ biển hết sao?

Không cam chịu, không chấp nhận bỏ cuộc, em ngày đêm mày mò đọc thêm các tài liệu về trái nhàu, và nhận thấy rằng mình hoàn toàn có thể phát triển các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc cá nhân chuyên sâu từ trái nhàu như nước ngoài để cung cấp cho khách hàng nội địa chứ không riêng gì khách Hàn Quốc, khách Nga cả.

Nghỉ tới là bắt tay làm luôn, em bắt đầu điều chỉnh lại công thức cho phù hợp với khách nội địa hơn (vì trước em cung cấp cho khách Nga, Hàn, mà khí hậu của họ là lạnh, trong khi mình là xứ nóng, nhiệt đới nên cần điều chỉnh lại cho phù hợp với làn da của người Việt Nam mình).

Em giới thiệu dần sản phẩm trên Facebook cá nhân, khách hàng thân quen mua dùng thử đều cho phản hồi rất tốt về chất lượng nhưng vướng vấn đề lớn nhất là mùi sản phẩm. Do em yêu nhàu, cuồng nhàu, mê nhàu nên cái gì từ nhàu em cũng nghe thơm hết, em lại có nguyên tắc là chỉ được sử dụng tinh dầu tự nhiên, không dùng hương liệu tạo mùi nhân tạo trong công thức sản phẩm nên càng bị nhiều khách hàng “chê” hơn.

Sau khi bị “chê” nhiều về mùi, em cũng đã bắt đầu điều chỉnh lại, làm sao giảm tối đa mùi của trái nhàu trong sản phẩm nhưng vẫn giữ được tỉ lệ nhàu trong sản phẩm cao nhất và tuyệt nhiên là chỉ sử dụng tinh dầu tự nhiên trong sản phẩm. Đến nay thì nói chung tạm ổn về mùi, mặc dù thi thoảng vẫn bị chê sao hổng thơm ngào ngạt, nhưng em vẫn giữ quan điểm của mình, vì hướng tới sản phẩm có thành phần tự nhiên, hạn chế tối đa những thành phần gây hại trong sản phẩm thì không thể nào dùng hương liệu tạo mùi được. Nên sản phẩm bên em chỉ thơm nhẹ nhàng thanh thoát của tinh dầu tự nhiên thôi, nên có thể đó là 1 hạn chế nhỏ trong sản phẩm ạ.

Và cho đến hiện tại, công việc sản xuất đã dần đi vào ổn định, đơn hàng cũng bắt đầu đều hơn, em cũng đã dần khắc phục được một số các nhược điểm về bao bì, chai lọ, nhãn mác ... mặc dù nó vẫn chưa hoàn hảo, vẫn cứ vừa làm vừa liên tục điều chỉnh, sẽ cố gắng để làm sao khách vừa hài lòng về chất lượng sản phẩm vừa mê mẫn về bao bì nữa nè. Dù biết là rất khó vì không phải ai cũng thích cái này hay không thích cái kia, nhưng em vẫn sẽ luôn cố gắng, điều chỉnh, khắc phục từng cái một để sản phẩm càng ngày càng chỉn chu hơn.

Trái nhàu thật sự đã làm thay đổi cuộc đời Dung đúng không? Cái được lớn nhất khi khởi nghiệp với nhàu theo Dung là gì? Khách hàng “phản hồi” thế nào khi trải nghiệm các sản phẩm do bên Dung sản xuất?

Nếu có ai đó hỏi trái nhàu đã giúp em thay đổi như thế nào, giàu lên ra sao... Em cùng chẳng biết trả lời sao, chỉ biết là từ khi làm sản phẩm trái nhàu cung cấp thị trường nội địa (đặc biệt là dòng mỹ phẩm) là em đã giảm được 9kg, tóc em thêm vài cộng bạc và mắt em thêm nhiều nếp thâm vì mất ngủ triền miên, em hầu như không còn nhiều thời gian lo cho bản thân và các con luôn.

Tuy nhiên, cái em được lớn nhất là được khách hàng “khen” khi sử dụng sản phẩm, được khách hàng phản hồi làn da, mái tóc của họ đã thay đổi tích cực ra sao ... Và cái quan trọng nhất là em giữ được công ty, giữ được việc làm cho ít nhất 5 nhân viên làm việc cố định trọn thời gian, để mỗi tháng có thể trả lương và thưởng cho các bạn đều đặn. Bên cạnh đó cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho hàng trăm bạn đại lý đang bán các sản phẩm bên em.

Làm sao để "người Việt tin dùng hàng Việt" trong khi trái nhàu nếu hàng Made in Korean hay từ các nước khác có giá trên trời vẫn được người dùng Việt tìm kiếm săn lùng, thì các sản phẩm Made in Việt Nam thì lại bị bỏ lơ trên chính quê hương mình?

Em vẫn cứ kiên trì theo kiểu “mưa dầm thấm đất” vậy, khi người Việt mình thấy các sản phẩm Việt của mình cũng chất lượng, cũng không thua kém gì các sản phẩm ngoại với trong khi giá thành tốt hơn vì được sử dụng chính cây cỏ hoa lá trên chính quê hương mình. Em nghĩ hiện tại cũng đang có rất nhiều khách hàng chuộng hàng Việt, luôn muốn sử dụng hàng Việt để ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất còn non trẻ trên chính đất nước mình sinh sống, nên trong tương lai, sẽ có nhiều thật nhiều người Việt quay lại dùng hàng Việt thôi ạ.

Tham gia các hội chợ, lan tỏa các giá trị đích thực của sản phẩm tới người tiêu dùng, theo Dung, còn cần thêm những yếu tố gì để các sản phẩm tới tay người tiêu dùng nhiều hơn nữa?

Để lan tỏa giá trị sản phẩm, bên em hầu như là chiến đa kênh, ngoài kênh hội chợ thì cả team gồm cả nhân viên công ty và cả các đại lý, Nhà phân phối đều làm việc liên tục hết công suất để có thể giới thiệu sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng từ facebook cá nhân đến Fanpage, Zalo, các kênh thương mại điện tử và cả việc giới thiệu trực tiếp, truyền miệng ... để lan tỏa sản phảm được nhiều nhất.

Bên cạnh đó, để sản phẩm Việt, đặc biệt là các Sản phẩm sử dụng nông sản Việt như trái nhàu chẳng hạn, rất cần các cơ quan ban ngành vào cuộc hỗ trợ, tuyên truyền vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, các kênh báo chí, truyền hình cũng tích cực hỗ trợ, quảng bá sản phẩm Việt nữa thì em nghĩ giá trị lan tỏa sẽ hiệu quả hơn nhiều ạ.

Bên em cũng sắp đưa showroom và spa trải nghiệm sản phẩm từ trái nhàu vào hoạt động tại Đà Nẵng để khách hàng có cơ hội được xem, trải nghiệm và dùng thử các sản phẩm chất lượng từ trái nhàu ạ.

Mục tiêu sắp tới của Dung là gì? Việc tham gia CLB sản xuất Tony Buổi Sáng đã giúp Dung được những gì trong sự nghiệp, cũng như sự trưởng thành của bản thân mình?

Mục tiêu duy nhất của em là bán được thật nhiều hàng để thực hiện 3 trọng trách chính: Thu mua được nhiều nông sản của người nông dân hơn; Tạo ra được nhiều việc làm cho người dân địa phương hơn; Làm nhiều hơn để đóng góp cho các quỹ thiện nguyện nhiều hơn.

Tham gia vào CLB sản xuất Tony Buổi Sáng giúp em học thêm ở các bạn, các anh chị thật nhiều, nhất là tinh thần cho đi không toan tính. Nếu như trước đây em nghĩ mình phải làm nhiều, tích lũy nhiều và dư ra nhiều mới cho đi, thì nay, em cho đi từ khi còn khó khăn nhất, ngay lúc này đây, khó khăn tài chính, vay nợ, lãi ngân hàng các kiểu nhưng em vẫn chuyển tiền vào các quỹ thiện nguyện, nhất là Quỹ bảo trợ trẻ mồ côi – Tony Buổi Sáng với mong muốn đóng góp một chút nhỏ công sức của mình để giúp các em ăn học đến tuổi trưởng thành, bù đắp phần nào mất mát mà các em đang gặp phải.

Cảm ơn sự chia sẻ của Dung!

Hồ Ngọc (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo