Đời sống

'Điểm danh' 3 động đẹp nhất miền Bắc

Được tôn vinh là 3 động đẹp nhất ở miền bắc, Hương Tích, Bích Động và Địch Lộng còn ấn tượng với du khách nhờ vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của những ngôi chùa.

Khám phá Thiềng Liềng - ấp đảo bình yên gần Sài Gòn / Khám phá thiên nhiên xanh mát và nguyên sơ ở đảo Hòn Chùa Phú Yên

Hương Tích – Nam thiên đệ nhất động

Nói đến danh thắng Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội, không ai là không biết đến động Hương Tích vốn được mệnh danh là động đẹp nhất Việt Nam, nằm cách trung tâm Hà Nội 70 km về phía Tây Nam. Du khách đến đây không khỏi choáng ngợp khi mở ra trước mắt là khung cảnh thênh thang, hun hút của một hàm rồng lớn. Đó chính là cửa động Hương Tích.

Hương Tích – Nam thiên đệ nhất động.

Hương Tích – Nam thiên đệ nhất động.

Từ đây, du khách vào động Hương Tích bằng cách đi bộ xuống hơn 100 bậc đá. Bạn sẽ thấy bên trái lối vào là vách núi cao khắc 5 chữ “Nam thiên đệ nhất động”, do chúa Trịnh Sâm đặt bút đề vào năm 1770 khi tuần du Sơn Nam. Đi sâu xuống động là vô vàn nhũ đá rủ xuống từ trần nhà và nhô lên từ mặt đất với đủ các hình thù kỳ lạ. Nào là hình lợn mẹ, lợn con, đụn rơm, đụn gạo; nào là hình trái bòng, trái bưởi, cây bạc, cây vàng; nào là núi Cậu, núi Cô...

Trong đó, ấn tượng nhất là đụn gạo. Do nằm ở chính giữa, gần lối cửa vào và khá lớn, nên khi nhìn từ cửa động, hòn thạch nhũ này giống như lưỡi trong miệng rồng, tạo sự thích thú cho du khách. Động còn có “đường lên trời” và “lối xuống âm phủ”. Đường lên trời là một sườn đá dốc càng leo càng cao, lối xuống âm phủ là một cái khe đưa xuống hang sâu dưới đất.

Đến đây, bạn sẽ cảm nhận được hơi ẩm mát lành tỏa ra từ lòng động, nhờ những giọt nước tí tách ngày đêm chảy từ nhũ đá như dòng sữa mẹ. Thêm vào đó, khung cảnh thơ mộng của dòng suối Yến dẫn vào từ bến Đục, khiến du khách gần xa không khỏi xao lòng khi đặt chân đến động đẹp nhất trời Nam.

Bích Động – Nam thiên đệ nhị động

Nằm trong quần thể du lịch của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Bích Động không chỉ là danh thắng gắn liền với Tam Cốc mà còn được biết đến với danh xưng “Nam thiên đệ nhị động”. Bích Động có nghĩa là “động xanh”, được tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du đặt tên vào năm 1773.

 

Bích Động – Nam thiên đệ nhị động.

Bích Động – Nam thiên đệ nhị động.

Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, phía trước là dòng sông Hoàng Long uốn lượn bên sườn núi, thả đầy hoa sen. Vào mùa sen nở, Bích Động ngào ngạt hương sen khi bên kia sông là cánh đồng lúa chín vàng, tạo nên khung cảnh nên thơ như tranh vẽ. Dọc theo chiều dài Bích Động là Xuyên Thủy động như được tạo hóa xếp từng phiến đá lớn thành mái vòm cung.

Lối vào Xuyên Thủy động ở phía sau núi, đối diện với đường vào Bích Động. Tại điểm kết thúc hành trình Xuyên Thủy động, du khách có thể leo núi để tới động và chùa Bích Động. Điểm hấp dẫn của Bích Động chính là sự kết hợp hài hòa của động, núi và chùa.

Chùa Hạ được xây dựng ngay dưới chân núi Bích Động, có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, mái hai tầng, uốn cong và cột làm bằng đá liền khối. Sau khoảng 80 bậc đá men quanh sườn núi, du khách sẽ đến chùa Trung nằm ở lưng chừng núi, có kiến trúc bán mái phía ngoài.

 

Nằm trên đỉnh cao nhất là chùa Thượng thợ Phật bà Quan Âm. Từ đây, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh xung quanh Bích Động ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh ngút ngàn, rung reo trong gió.

Địch Lộng – Nam thiên đệ tam động

Dù ít được biết đến hơn Hương Tích và Bích Động nhưng vẻ đẹp của Địch Lộng, nằm giữa ranh giới hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình thì không hề thua kém. Sau khi bước qua 105 bậc đá từ chùa Hạ, du khách sẽ đến cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động, Cổ Am tự”. Hai bên cửa động có hai tượng Hộ Pháp và tại mái vòm hang đá cao 8 m treo quả chuông nặng gần một tấn được đúc từ thời nhà Nguyễn.

Địch Lộng – Nam thiên đệ tam động.

Địch Lộng – Nam thiên đệ tam động.

Động gồm có ba hang nối liền nhau. Trong khi hang ngoài thờ Phật, thì hang Tối, hang Sáng lại giống như một không gian nghệ thuật, hội tụ những tác phẩm chạm khắc tuyệt tác của tạo hóa từ nhũ đá. Không chỉ lấp lánh như cầu vồng, nhũ đá ở đây còn thay đổi màu sắc theo ánh sáng mặt trời, và khi bạn lấy đá gõ vào sẽ nghe lanh lảnh như tiếng chuông.

 

Do ở vị trí trên cao lại có khoảng lộ thiên, cửa hang thắt hẹp lại, nên mỗi khi có gió thổi mạnh vào trong hang, du khách sẽ nghe âm thanh phát ra như tiếng sáo. Có lẽ vì vậy mà động có tên là Địch Lộng với ý nghĩa “địch” là sáo, “lộng” là gió.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm