Đời sống

“Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng” giúp người dân an tâm giãn cách

Những nỗ lực của chính quyền, còn có sự chung tay của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Hội đoàn thể các cấp và những tấm lòng thiện nguyện của tập thể và cá nhân với tinh thần “Tương thân, tương ái”, đã và đang góp phần củng cố niềm tin để người dân an tâm thực hiện giãn cách xã hội

3 công thức nướng thịt trâu lạ miệng / Cách giúp bạn bảo quản được chuối lâu hơn

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, các cấp, ngành tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp khẩn trương, kiên quyết nhằm phòng, chống dịch COVID-19hiệu quả. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, các ngành chức năng, còn có sự chung tay của UBMTTQ Việt Nam, Hội đoàn thể các cấp và những tấm lòng thiện nguyện của tập thể và cá nhân với tinh thần “Tương thân, tương ái”, đã và đang góp phần củng cố niềm tin để người dân an tâm thực hiện giãn cách xã hội, đẩy lùi dịch bệnh.

Cán bộ mặt trận, hội phụ nữ, đoàn thể của huyện An Phú chuyển từng phần nhu yếu.

“Nhà nước giúp cho người dân nghèo quà ăn hàng ngày, tôi rất là cảm ơn”.

“Có hai vợ chồng, tôi năm nay 71 tuổi, đã mất sức lao động, vợ tôi thì bị tai biến, nhà nước hỗ trợ số nào thì mình mừng số đấy để sống tạm qua thời dịch này rồi mình đi làm ăn kiếm cơm sinh sống”.

“Gia đình có 6 nhân khẩu, nghề nghiệp chỉ bán vé số sống hàng ngày, cũng nhờ chính quyền địa phương đến tận gia đình có sự động viên, hỗ trợ quà,.. cuộc sống gia đình cũng được an tâm”.

“Cũng rất là mừng, nhà tài trợ đã giúp cho một số để sống, qua mùa dịch rồi cũng lo làm để ổn định cuộc sống”.

Đó là những cảm xúc của một số người dân An Giang khi được nhận nhu yếu phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ các “gian hàng không đồng”, “chuyến xe không đồng”, “ATM gạo”…Do UBMTTQ Việt Nam và Hội đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh An Giang tổ chức.

 

Chuyển từng phần nhu yếu đến từng hộ gia đình.

Tại huyện An Phú, sau khi dịch bùng phát, địa phương đã phải thực việc phong tỏa, cách ly tại nhà ở nhiều khu vực. Để người dân an tâm thực hiện giãn cách xã hội, cứ cách vài ngày vào buổi sáng, các cán bộ mặt trận, hội phụ nữ, đoàn thể của huyện lại chuyển từng phần nhu yếu phẩm như: gạo, rau củ quả, sữa, khẩu trang y tế… đến từng hộ gia đình.

Ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, thị trấn Long Bình, huyện An Phú cho biết, UBMTTQ Việt Nam thị trấn cùng các hội đoàn thể đã huy động mọi nguồn lực có thể để giúp người dân vượt qua khốn khó. Đây là nghĩa tình của đồng bào trong và ngoài tỉnh hướng về tâm dịch.

Ông Trần Thanh Tùng cho biết thêm:“Thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách xã hội ở ấp Tân khánh và ấp Tân Bình, địa phương là không bỏ ai lại phía sau, không để bà con nàothiếu lương thực, thực phẩm. Chúng tôi tiếp nhận và có sự tính toán, rau củ quả, cá… gạo cũng vậy không thiếu; anh em đi từng hộ một, không cho bà con tập trung đông lại mộtchỗ. Tính toán 4 đến 5 ngày một lần lại cập nhật liên tục để hỗ trợ bà con, cơ bản người dân cũng đảm bảo ổn định. Cũng tuyên truyền cho người dân, nên người dân cũng có ý thức, họ không di chuyển đi đâu hết”.

Người dân TP.Long xuyên đến lấy gạo tại "ATM"

Cũng như các huyện, thị khác trong tỉnh, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, ngay sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo đời sống cho người dân khi thực hiện giãn cách xã hội, tại tất các xã, phường trên địa bàn thành phố đã đồng loạt khai trương các “Gian hàng không đồng”, san sẻ yêu thương để vượt qua dịch COVID-19. Để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, các gian hàng này được bố trí tại sân UBND phường, văn phòng khóm, hoặc chợ, nhà văn hóa… để cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân như: gạo, đường, bột ngọt, rau củ quả, cá… Với phương châm “ai thiếu thì đến lấy, ai dư thì đến cho”, tùy theo điều kiện kinh tế, công việc, mỗi người có những đóng góp, hỗ trợ tiền của, vật chất chung tay cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh.

 

Ông Nguyễn Phước Hoan, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Châu Đốc cho biết, từ khi khai trương “Gian hàng 0 đồng”; mỗi ngày, các gian hàng nhận được hàng trăm triệu đồng: gồm tiền mặt và hiện vật từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Phước Hoan cho biết thêm:“Cả hệ thống chính trị, các phường xã ở khắp thành phố đều vào cuộc, kể cả ban, ngành, các lãnh đạo...rồi một số doanh nghiệp, anh em có uy tín đều vào cuộc. Chúngtôi có một nhóm Zalo để huy động, đóng góp, rồi có địa điểm để tiếp nhận”.

Tất cả các "gian hàng không đồng" với phương trâm “ai thiếu thì đến lấy, ai dư thì đến cho”

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo và người lao động tự do, những món đồ từ “Gian hàng 0 đồng” “chuyến xe 0 đồng”, “ATM gạo”…đã thực sự có ý nghĩa thiết thực giúp người dân vượt qua khó khăn. Với tinh thần “Tương thân, tương ái”, tình người lan tỏa, ngày càng nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ tiền, vật chất như: gạo, muối, đường, bột ngọt, sữa, rau củ, trái cây, quần áo…

Tại khóm Bình Long 2, phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, những ngày qua, Chi đoàn khóm phối hợp với Chi hội phụ nữ đã tổ chức một “gian hàng 0 đồng” với các loại thực phẩm tươi sống, phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là người dân nghèo và người lao động tự do. Tất cả thực phẩm ở đây đều được để trong các tủ lạnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn và luôn tươi sống.

Chị Lương Thị Thu Chung, Chi hội trưởng Phụ nữ khóm Bình Long 2 chia sẻ:“Từ hôm dịch bệnh đến nay, thấy bà con khó khăn nhiều, mình mới suy nghĩ vận động thêm các bạn bè, giới thiệu cho Hội Phụ nữ khóm, Đoàn thanh niên trong địa phương vận động thêm, để bà con có được những bữa cơm ấm lòng. Hy vọng chương trìnhsẽ được phát triển và nhân lên khóm khác, phường khác và toàn tỉnh An Giang. Và được phát triển dài dài không chỉ trong mùa dịch mà còn tiếp tục hoài để giúp những bà con khó khăn”.

 

Không để người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm.

Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, từ những “Gian hàng 0đồng” “chuyến xe 0 đồng”, “ATM gạo” đầu tiên, đến thời điểm này đã có nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, đã lan tỏa những mô hình này ở khắp các xã, phường, thị trấn như: TP.Châu Đốc, huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, Phú Tân…

Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo và người lao động tự do. Khi khó khăn cũng là lúc hệ thống MTTQ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân tích cực huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các địa điểm, lực lượng tham gia phòng, chống dịch và những lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16, đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, với tinh thần lá lành đùm lá rách, với sự quan tâm hỗ trợ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đã giải quyết phần nào cái khó khăn, gánh nặng cho chính quyền, cho người dân và những người yếu thế trong xã hội. Từ những cái đồng thuận, cái quyết tâm đó An Giang quyết tâm dập dịch, sớm đưa cuộc sống của người dân đi vào trạng thái bình thường; kinh tế-xã hội, sản xuất của An Giang được ổn định trở lại”- Bí thư Tỉnh ủy An Giang nói.

Các gian hàng có đầy đủ: gạo, muối, đường, bột ngọt, sữa, rau củ, trái cây, quần áo.

Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, UBMTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tham gia; phát huy tinh thần đoàn kết, “Tương thân, tương ái”, tin tưởng rằng An Giang sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm