Đời sống

"Nghệ thuật tranh cãi" để mối quan hệ không tồi đi mà bền chặt hơn

Nếu không muốn những cuộc tranh luận trở thành thảm họa và ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ, hãy chú ý tới những điều sau.

Đón bé chào đời: Mẹ đừng quên chuẩn bị 4 điều này / 11 mẹo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày

Trong tình yêu, những cuộc tranh luận là điều khó có thể tránh khỏi. Nó chính là nền tảng giúp cả hai hiểu nhau và xây dựng một mối quan hệ bền vững. Tuy vậy, nếu không cố gắng giải quyết những khác biệt, cả hai rất có thể sa đà vào cuộc cãi vã và cố chấp để chứng tỏ mình đúng. Nên nhớ rằng trong một mối quan hệ, không có ai hoàn toàn đúng hay sai, chỉ có việc chấp nhận và thay đổi để phù hợp với đối tác đến đâu mà thôi. Nếu cảm thấy những cuộc tranh luận của cả hai luôn đi vào ngõ cụt và thường xuyên để lại hậu quả là chiến tranh lạnh kéo dài, hãy ghi nhớ những điều sau để khắc phục tình trạng đó:

Thảo luận một cách công bằng

Không ít cô nàng "giận quá mất khôn" luôn lôi những chuyện quá khứ của đối phương ra để chì chiết đối phương trong mỗi lần tranh luận. Tuy vậy, ai cũng có quá khứ riêng và nếu đã chấp nhận điều đó để duy trì mối quan hệ hiện tại, đừng đào xới chúng lên. Điều này rất dễ gây tổn thương tới đối tác và làm họ chán nản mỗi khi đề cập vấn đề. Chính bởi không thể rút lại những lời đay nghiến hay chì chiết, bạn cần hết sức tỉnh táo và tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng nhất. Đừng để cảm xúc tiêu cực lấn át tâm trí trong mỗi lần tranh luận.

Đừng né tránh những điều nhỏ nhất

Đừng tránh né tranh luận những vấn đề nhỏ nhặt bởi khi tích tụ lại, bạn chẳng thể nào gỡ rối và xử lý chúng dễ dàng. Do đó, thay vì trả lời đối tác bằng những câu như: "Chuyện nhỏ mà", "Anh tự xử lý đi" hay "Điều này đâu có gì to tát mà cứ phải mang ra bàn cãi thế"… thì hãy dành thời gian lắng nghe trước khi chúng vượt ngoài tầm kiểm soát.

5 điều tiên quyết bạn cần phải nhớ nếu muốn tranh luận để quan hệ bền vững hơn - Ảnh 1.

Ảnh: minh họa

Giữ "cái đầu lạnh"

Giống như chì chiết và đay nghiến tới quá khứ đối phương, việc gào thét hay nặng lời với đối phương trong khi tranh luận đều không khiến bạn trở thành kẻ chiến thắng. Thay vì vậy, hãy tìm cách duy trì cuộc hội thoại không quá gay gắt. Một nguyên tắc tiên quyết bạn cần nhớ là không tranh luận nơi công cộng mà hãy tìm địa điểm riêng tư khi chỉ có hai người để thảo luận. Không chỉ tôn trọng chàng, đó cũng là cách bạn tôn trọng chính bản thân mình và mối quan hệ bản thân đang sở hữu.

Sử dụng những từ tích cực

Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện điều này. Hãy nhớ lại xem bạn có bao giờ để những cuộc tranh cãi đi vào ngõ cụt khi đối tác chia sẻ những sai lầm của họ còn bạn thì cứ mãi điệp khúc: "Em đã bảo rồi, sao anh lại làm thế được". Thay vì giết chết câu chuyện bằng cách đó, hãy hướng đến cách giải quyết vấn đề hiện tại và tránh những sai lầm như vậy trong tương lai. Khi đó, chàng sẽ nể phục và luôn tìm đến bạn mỗi khi có chuyện cần chia sẻ hoặc tư vấn những quyết định của tương lai.

Lắng nghe

 

Những lúc nóng giận, thật khó để lắng nghe và đặt mình vào vị trí của đối tác để tìm hiểu mọi chuyện. Điều này sẽ càng khiến cuộc tranh luận trở nên tồi tệ bởi bạn chẳng thể hiểu được tại sao trong hoàn cảnh đó chàng lại xử sự hay đưa ra quyết định như vậy. Do đó, đừng ngắt lời đối tác và kết thúc cuộc tranh cãi khi mọi chuyện chưa được xử lý dứt điểm hoàn toàn. Nếu cảm thấy cả hai đều rất căng thẳng và mọi thứ đang vượt ngoài tầm kiểm soát, hãy tạm ngừng tranh luận và mang chúng ra giải quyết khi hai bạn đều đã bình tĩnh trở lại. Đừng kết thúc lại mọi chuyện và coi như không có gì xảy ra bởi điều này sẽ làm suy yếu nền móng của một mối quan hệ bền vững.


Theo helino.ttvn.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm