Đời sống

'Sản phẩm lạ' của du lịch Quảng Nam

Với điều kiện diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn và hệ sinh thái đa dạng, nhiều làng nghề truyền thống thuộc tỉnh Quảng Nam đã và đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Đắk Lắk: Vận hành thí điểm ứng dụng du lịch thông minh / Khánh Hòa: Xe khách du lịch cháy rụi trong đêm

Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm tại Hội An - Ảnh: VGP/Thế Phong

Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm tại Hội An - Ảnh: VGP/Thế Phong

Đến với Quảng Nam hiện nay, bên cạnh tham quan Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, đảo Cù Lao Chàm, du khách còn có thêm lựa chọn trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp như ở làng rau Trà Quế, làng rau Thanh Đông; làng gốm Thanh Hà; làng chài; rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (TP. Hội An); làng Triêm Tây (thị xã Điện Bàn); làng trái cây Đại Bình (huyện Nông Sơn); làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước); làng bích họa Tam Thanh (TP. Tam Kỳ)…

Những địa chỉ du lịch này giúp du khách được trải nghiệm, hoà mình vào cuộc sống thực tế sản xuất của người nông dân. Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của làng nghề: Hiểu về nếp ăn, nếp ở, việc truyền nghề, dạy nghề, tham gia các ngày lễ hội của làng nghề…

Theo UBND TP. Hội An, sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp tạo được thiện cảm lớn với du khách, nhất là du khách đến từ châu Âu, Đông Bắc Á. Trong đó, làng rau Trà Quế là sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút khách trong hơn 10 năm qua. Hằng năm, nơi đây đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, lưu trú và trải nghiệm. Các làng du lịch cộng đồng tại Hội An đã góp phần làm giảm áp lực quá tải tại phố cổ Hội An, tăng các sản phẩm trải nghiệm cho du khách.

Khách du lịch trải nghiệm trồng rau - Ảnh: VGP/Thế Phong

Du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn được phát triển tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với các điểm đến như: Quần thể Pơ mu có trên 1.200 cây (cây lớn có đường kính 2-2,5 m, cao trên 30 m); làng du lịch Pơning (huyện Tây Giang), làng du lịch Bho Hoong (huyện Đông Giang); làng du lịch cộng đồng Cơ Tu (huyện Nam Giang); điểm du lịch vườn sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My)… Đây là những sản phẩm du lịch có sự kết hợp giữa du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, mang đến nét độc đáo mới cho du lịch Quảng Nam.

Có thể nói, du lịch nông nghiệp đang dần trở thành một “món ăn lạ”, bên cạnh các loại hình du lịch di sản văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng vốn là những thế mạnh của du lịch Quảng Nam. Phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn bước đầu đem lại hiệu quả cả về kinh tế-xã hội lẫn môi trường ở Quảng Nam, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Phát huy kết quả trên, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục ưu tiên phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống gắn với du lịch trải nghiệm nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, dân dã trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân ở nông thôn; phát triển các tour đưa khách du lịch đến các vùng nông thôn đã và đang thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở tỉnh Quảng Nam với tên gọi “Về với miền quê đáng sống”.

 

Các tour này sẽ chú trọng phát triển các dịch vụ kèm theo như ăn uống, nghỉ ngơi, lưu trú, sinh hoạt tại nhà dân để tăng nguồn thu cho cư dân nông thôn.

Theo Thế Phong/Báo Chính phủ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm